Luật Đấu thầu (sửa đổi): Tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn, nâng cao tính cạnh tranh trong đấu thầu

- Thứ Năm, 06/07/2023, 17:44 - Chia sẻ

Luật Đấu thầu (sửa đổi) là một trong đạo luật quan trọng được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Năm vừa qua, nhằm tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu hiện nay.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho biết, Luật có nhiều sửa đổi quan trọng, đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo tính chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm cho các chủ thể tham gia trực tiếp vào hoạt động này.

Tháo gỡ những điểm nghẽn trong hoạt động đấu thầu

- Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những điểm nghẽn với hoạt động này. Cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về tác động của Luật với những điểm nghẽn trong hoạt động đấu thầu hiện nay?

ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai)
ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai)

- Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm có một số điểm mới rất nổi bật sau. Đó là đã điều chỉnh, bổ sung quy định về phạm vi, đối tượng áp dụng, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính rõ ràng, đồng bộ, thống nhất. Đồng thời, có sửa đổi về quy trình, thủ tục, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng. Đặc biệt, Luật có nhiều quy định mới về đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế, nhằm tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này.

Trong những điểm mới lần này, đáng chú ý là các quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Nội dung này được các ĐBQH đặc biệt quan tâm, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã làm việc kỹ lưỡng với ngành y tế để thống nhất các quy định trong Luật. Trong đó, quy định cụ thể về các trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu; quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế; quy định về trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình; quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về ưu đãi trong mua thuốc... Với nhiều quy định rõ ràng, cụ thể như vậy, chắc chắn những điểm mới nêu trên sẽ góp phần quan trọng, tháo gỡ kịp thời những điểm nghẽn trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế... hiện nay.

- Việc nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu thể hiện cụ thể như thế nào trong các quy định của Luật lần này, thưa ông?

- Các quy định mới của Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã giảm các thủ tục, như: thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu; phê duyệt Quyết định mua sắm; phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật; phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu; thương thảo hợp đồng (trừ gói thầu tư vấn, gói thầu lớn, phức tạp); cắt giảm thời gian trong đấu thầu đối với gói thầu không phức tạp (thời gian trong đấu thầu dự kiến giảm được 24 ngày trong tổng số 103 ngày, tương đương khoảng 23%). Đối với gói thầu phức tạp, thời gian trong đấu thầu dự kiến giảm tối thiểu được 25 ngày trong tổng số 146 ngày (khoảng 17%).

Bên cạnh đó, trong lần sửa đổi này đã luật hóa nhiều nội dung được quy định tại các Nghị định được áp dụng ổn định trong thời gian dài; đưa các nội dung về hạn mức cụ thể quy định trong Nghị định vào Luật; quy định cụ thể trong Luật các trường hợp áp dụng chỉ định thầu, áp dụng trường hợp đặc biệt để bảo đảm tính công khai, rõ ràng, minh bạch.

Hài hòa giữa nâng cao hiệu quả quản lý và quyền tự chủ của doanh nghiệp

- Phạm vi đối tượng áp dụng luật liên quan đến doanh nghiệp nhà nước là một trong những vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm, tranh luận tại Kỳ họp. Nội dung này đã được cơ quan giải trình, chỉnh lý, tiếp thu theo hướng nào, thưa ông?

- Tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội thảo luận kỹ về phạm vi áp dụng dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước. Phương án tối ưu cuối cùng được cơ quan thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý “chốt” theo hướng phạm vi điều chỉnh của Luật gồm: Các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Nội dung này đã được trao đổi kỹ lưỡng, thống nhất cao giữa cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và được sự đồng thuận cao của các ĐBQH. Theo đó, quy định của Luật mới bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và quyền tự chủ của doanh nghiệp, không thu hẹp hoặc mở rộng đối tượng quá mức. Qua đó, một mặt, bảo đảm việc đấu thầu mang lại lợi ích kinh tế cho bên mời thầu, mặt khác, bảo đảm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh, bình đẳng, công khai, minh bạch.

Luật mới cũng bổ sung các quy định về hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư kinh doanh nhằm khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn. Hiện nay, văn bản quy định về lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật chuyên ngành, pháp luật xã hội hóa mới được ban hành hoặc còn chưa đầy đủ. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã phát sinh yêu cầu phải tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án điện, bệnh viện, sân bay, môi trường…, nhưng Luật Đấu thầu 2013 chưa có quy định, dẫn đến vướng mắc, lúng túng trong việc xác định cơ sở pháp lý để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

- Việc Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định rõ quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu có ý nghĩa như thế nào với thực tiễn hiện nay, thưa ông?

- Quá trình triển khai thi hành Luật Đấu thầu 2013 đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được Luật này quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Ví dụ, Luật hiện hành chưa có quy định cụ thể, đầy đủ về lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành, lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án có từ hai nhà đầu tư quan tâm...

Do đó, trong Luật mới vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ Năm đã quy định rõ quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu. Nói cách khác, đã sửa các quy định để mọi chủ thể từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa đến các cá nhân, tổ, đội, nhóm thợ cũng có thể tham gia các gói thầu phù hợp với năng lực. Điều này nhằm tăng cường tính cạnh tranh, công khai, minh bạch và tạo môi trường kinh doanh hiệu quả bên cạnh việc đem lại lợi ích, tiết kiệm cho bên mời thầu.

Cùng với đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể, chi tiết các hành vi bị cấm nhằm phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong đấu thầu một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, bổ sung, sửa đổi các quy định về chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu như: cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với bên dự thầu có hành vi vi phạm từ 6 tháng đến 5 năm ở địa phương hay toàn quốc tuỳ tính chất, hành vi vi phạm.

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Chi thực hiện
#