Luật Đất đai 2024 - hình mẫu trong công tác phối hợp và quy trình xây dựng pháp luật

- Thứ Bảy, 24/02/2024, 16:26 - Chia sẻ

Tại Phiên họp thứ 30 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Thông qua kỳ họp bất thường vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, các cơ quan của Quốc hội tổng kết, đánh giá sâu quá trình xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), coi đây là hình mẫu trong công tác phối hợp cũng như các quy trình xây dựng pháp luật.

Phối hợp chặt chẽ, tinh thần trách nhiệm cao thì khó đến mấy cũng hoàn thành được!
Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ động, linh hoạt, từ sớm, từ xa

Đánh giá về Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định: Kỳ họp đã diễn ra thành công. Quốc hội hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, đặc biệt đã thông qua 2 dự luật lớn, quan trọng, rất phức tạp, đó là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và nhận được phản hồi rất tích cực từ dư luận, các chuyên gia cũng như phương tiện thông tin đại chúng đối với các nội dung được Quốc hội quyết định. Đây là việc rất cần ghi nhận, là nỗ lực chung của các cơ quan Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.

Nhấn mạnh, thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ Năm có sự chỉ đạo rất sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, thực tế thời gian diễn ra Kỳ họp rất ngắn, do đó sẽ vô cùng thách thức nếu triển khai công việc theo cách thông thường, cho nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo phải làm thật tốt, hoàn thiện thật kỹ các dự án Luật trình Quốc hội.

Phối hợp chặt chẽ, tinh thần trách nhiệm cao thì khó đến mấy cũng hoàn thành được!
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

"Nếu theo các Kỳ họp bình thường, chúng ta trình Quốc hội, sau đó tiếp thu, chỉnh lý trong thời gian giữa 2 đợt họp, và trình Quốc hội thông qua tại đợt 2, thì không thể nào hoàn thành được khối lượng công việc. Kỳ họp bất thường lần thứ Năm diễn ra trong 3 ngày và chỉ có một ngày để các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý mà vẫn bảo đảm được chất lượng dự án Luật như vậy rõ ràng là nhờ sự vào cuộc tích cực, rất sát của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội theo sự phân công chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để xem xét, cho ý kiến về các nội dung cụ thể của dự án luật. Đấy là sự vào cuộc chung, và các Ủy ban của Quốc hội cũng rất tích cực", Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng nói.

Từ thành công của Kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, bài học kinh nghiệm rút ra là, dù triển khai công việc phải bảo đảm bám sát yêu cầu về trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng cũng phải rất linh hoạt, nếu cứ áp dụng đúng quy trình, thì không thể nào kịp tiến độ. Cho nên, "chúng tôi thống nhất với Ủy ban Kinh tế là các cơ quan phải chạy song song, Ủy ban Kinh tế lo nội dung của Ủy ban Kinh tế, còn Ủy ban Pháp luật phối hợp với Ủy ban Kinh tế vừa cho ý kiến về dự án Luật, vừa rà soát kỹ thuật - như thế mới kịp được trong vòng 1 - 2 ngày. Trong quá trình xây dựng Luật Đất đai năm 2024, Thường trực Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Pháp luật, các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc đã vào cuộc rất trách nhiệm".

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng, Luật Đất đai năm 2024 cũng là một trong số ít các luật Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kế hoạch riêng, phân công trách nhiệm rất cụ thể đối với từng Ủy ban chịu trách nhiệm rà soát, phát hiện các vấn đề, đề xuất giải pháp để bảo đảm tính thống nhất với các luật thuộc lĩnh vực phụ trách của các Ủy ban. Yếu tố này góp phần vào thành công của kỳ họp, bảo đảm chất lượng các dự án Luật được Quốc hội thông qua.

Một số hình ảnh Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển

Thay mặt Chính phủ báo cáo tại Phiên họp thứ 30, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nêu rõ, Kỳ họp bất thường lần thứ Năm diễn ra trong thời gian rất ngắn, nhưng đã thông qua 2 luật rất quan trọng, với phạm vi, đối tượng ảnh hưởng đến toàn bộ các gia đình, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia - nội dung rất có ý nghĩa đối với đồng bào các dân tộc. Kết quả Kỳ họp khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt, sáng tạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là dấu ấn của Chủ tịch Quốc hội trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành. Đây còn là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị rất kỹ lưỡng, khoa học của các Ủy ban, các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan liên quan và các đại biểu Quốc hội.

Với kinh nghiệm tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, tại Kỳ họp thứ Bảy tới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, các Ủy ban của Quốc hội cần tiếp tục phát huy, bởi số lượng dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp tới rất lớn. Khối lượng công việc lập pháp rất nặng, cho nên ngay từ thời điểm này, đúng như tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là các cơ quan phải vào cuộc sớm, vào cuộc ngay và chủ động, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng dự án Luật tốt nhất trước khi trình Quốc hội.

Tăng cường kỷ luật, nhất là thời hạn gửi tài liệu

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Luật Đất đai 2024 - hình mẫu trong công tác phối hợp và quy trình xây dựng pháp luật -0
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu tại Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đánh giá cao kết quả này, song theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, vẫn cần rút kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị các nội dung về tài chính, ngân sách. Hàng năm, niên độ ngân sách đã cố định, các nội dung công việc đều biết trước, các nhiệm vụ được giao trong các Nghị quyết của Quốc hội cũng đã có từ rất sớm, nhưng các tờ trình, hồ sơ Chính phủ trình sang vẫn không đáp ứng thời gian theo yêu cầu, dẫn đến phải đưa vào Kỳ họp bất thường là không hiệu quả, không còn nhiều thời gian để triển khai thực hiện các nguồn vốn hay các khoản ngân sách.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Chính phủ cần rút kinh nghiệm, đối với những nội dung thường xuyên, định kỳ, nhất là tài chính và ngân sách, thì các cơ quan cần chủ động hơn. Các bộ, ngành, kể cả cơ quan của Quốc hội cần tăng cường phối hợp với nhau sớm hơn, tốt hơn nữa để những nội dung như vậy sẽ không cần thiết phải trình sang Kỳ họp bất thường.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Bảy tới còn thiếu một số nội dung, ví dụ như 2 quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội phải trình Quốc hội cho ý kiến; nếu đưa được vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đang trình Quốc hội thì sẽ tạo ra khung pháp lý rất cần thiết cho sự phát triển của Thủ đô. Thế nên, "nếu không đẩy sớm lên thì lại đình trệ, lại chờ đến Kỳ họp cuối năm thì mất hết cơ hội phát triển. Muốn khắc phục được 'cơ hội phát triển' thì lại phải họp bất thường, trong khi đó chúng ta hoàn toàn có thể làm được", Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.

Vì thế, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu: “Tổng Thư ký Quốc hội có văn bản gửi các cơ quan phải tăng cường hơn nữa kỷ luật, thời hạn gửi tài liệu, không chạy theo như thế này thì rất mệt, rất vất vả”.

Một bài học kinh nghiệm được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đó là tiếp tục nắm vững nguyên tắc: Những gì đã chín, đã rõ, được đồng thuận cao thì luật hóa, những gì phù hợp với đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước thì chúng ta thể chế hóa, những gì không phù hợp, còn ý kiến khác nhau, chưa chín, chưa rõ thì dứt khoát không chấp nhận và những nội dung nào cần thiết thì xin chủ trương để làm thí điểm. “Các Chủ nhiệm Ủy ban phải nằm lòng nguyên tắc này, phải chịu trách nhiệm với việc này và không đẩy việc lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không đẩy việc lên Đảng đoàn Quốc hội... Qua Luật Đất đai, chúng ta thấy rất rõ câu chuyện này, phải giữ vững nguyên tắc thì mới hoàn thành được nhiệm vụ”, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý.

Qua việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Ủy ban Pháp luật phối hợp với Ủy ban Kinh tế và các cơ quan hữu quan có tổng kết, đánh giá sâu vào quá trình xây dựng Luật Đất đai năm 2024, coi đây là "hình mẫu" trong công tác phối hợp và các quy trình xây dựng pháp luật.

Nếu dự án Luật nào, chúng ta cũng có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo, giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan như đối với Luật Đất đai năm 2024, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, kể cả khâu rà soát văn bản quy phạm pháp luật không phải chờ, chúng ta vẫn làm song song, thì đây chính là bài học kinh nghiệm quý trong công tác xây dựng pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 

Kỳ họp bất thường lần thứ Năm đã đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của thực tiễn cũng như yêu cầu kỹ lưỡng, chất lượng trong công tác xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước để kiến tạo phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trước mắt, đồng thời tạo điều kiện cho một môi trường pháp luật, môi trường đầu tư kinh doanh lâu dài, căn cơ.

Luật Đất đai 2024 - hình mẫu trong công tác phối hợp và quy trình xây dựng pháp luật -0
Toàn cảnh Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, qua việc tổ chức kỳ họp bất thường vừa qua, Ủy ban Pháp luật phối hợp với Ủy ban Kinh tế và các cơ quan hữu quan có tổng kết, đánh giá sâu vào quá trình xây dựng Luật Đất đai năm 2024, coi đây là "hình mẫu" trong công tác phối hợp và các quy trình xây dựng pháp luật. "Nếu dự án Luật nào, chúng ta cũng có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo, giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan như đối với Luật Đất đai năm 2024, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, kể cả khâu rà soát văn bản quy phạm pháp luật không phải chờ, chúng ta vẫn làm song song, thì đây chính là bài học kinh nghiệm quý trong công tác xây dựng pháp luật", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Anh Thảo
#