Dự thảo Nghị quyết giảm thuế giá trị gia tăng:

Kích cầu tiêu dùng, phục hồi sản xuất kinh doanh

- Thứ Bảy, 13/05/2023, 17:33 - Chia sẻ

Tại Phiên họp sáng 13.5, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí chủ trương giảm thuế giá trị gia tăng 2% đối với các hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10% với phạm vi, đối tượng giảm thuế căn cứ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội nhằm kích cầu tiêu dùng, phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, Chính phủ cần đánh giá cụ thể tác động của việc giảm thuế đến tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước.

Đánh giá kỹ tác động đến thu ngân sách Nhà nước

Tại Tờ trình dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, Chính phủ đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng đến hết ngày 31.12.2023.

Cụ thể, áp dụng mức thuế suất thuế gia tăng 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Cơ sở kinh doanh, bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.

So với Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất lần này của Chính phủ đã mở rộng phạm vi giảm thuế giá trị gia tăng 2% để áp dụng đối với tất cả các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, khai khoáng, viễn thông, công nghệ thông tin… Tuy nhiên, theo các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hồ sơ trình của Chính phủ lại chưa giải trình rõ lý do đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng. 

Kích cầu tiêu dùng, phục hồi sản xuất kinh doanh -0
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhất là từ cuối quý IV.2022 và những tháng đầu năm 2023, đơn hàng sụt giảm, đời sống người dân, "sức khỏe" doanh nghiệp tiếp tục bị bào mòn, thì việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% là cần thiết. Nhưng điều quan trọng là đối tượng, hàng hóa dịch vụ nào sẽ được miễn giảm?

Trước đó, trong hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh Covid – 19, vào đầu năm 2022 khi ban hành Nghị quyết số 43/2022/NQ15, Quốc hội đã cân nhắc và loại trừ một số lĩnh vực không thật sự cần thiết ra khỏi diện áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, những lĩnh vực được Nghị quyết 43/2022/QH15 đưa ra khỏi diện áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng như công nghệ thông tin, viễn thông, tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản… đều là những lĩnh vực ít bị tác động, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19, thậm chí là hưởng lợi.

Theo phương án mở rộng phạm vi áp dụng cho tất cả các hàng hóa dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%, Chính phủ dự kiến giảm thu ngân sách nhà nước là 35 nghìn tỷ đồng. Với phương án chỉ áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng cho các đối tượng đã được thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 thì dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước là 24 nghìn tỷ đồng. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý, 4 tháng đầu năm nay, nguồn thu ngân sách nhà nước đã giảm so với cùng kỳ năm 2022. Vì vậy, việc mở rộng phạm vi giảm thuế giá trị gia tăng phải đánh giá thật kỹ tác động đến thu ngân sách nhà nước.

Nhất trí việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% là nhằm phục hồi phát triển kinh tế, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, song Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, khi trình Quốc hội, Chính phủ phải đưa ra lý lẽ thuyết phục hơn. 

Giảm thiểu chi phí tuân thủ, bảo đảm khả thi trong tổ chức thực hiện

Chính phủ cũng có Tờ trình số 188/TTr- CP ngày 5.5.2023 đề nghị, bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và cho phép xây dựng dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình một Kỳ họp (tháng 5.2023).

Qua thảo luận, các Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo đó, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo Nghị quyết cùng với các nội dung thảo luận về kinh tế - xã hội được bố trí trong Chương trình Kỳ họp thứ Năm; nghiên cứu đưa nội dung giảm thuế giá trị gia tăng vào Nghị quyết chung của Kỳ họp.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 trình Quốc hội xem xét giảm thuế giá trị gia tăng là để kích cầu tiêu dùng, qua đó thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục bổ sung nội dung tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022. Bổ sung, dẫn chứng số liệu cụ thể cho các nhận định, đánh giá trong Tờ trình. Đánh giá cụ thể hơn tác động của việc giảm thuế giá trị gia tăng đến tăng trưởng kinh tế, người tiêu dùng, thu ngân sách nhà nước. Ngoài việc dự kiến giảm thu, cần dự kiến số tăng thu thêm do mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng tiêu dùng để đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng thuyết phục hơn. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu đánh giá, rà soát thêm về phạm vi đối tượng điều chỉnh, mức giảm thuế, đối tượng được giảm thuế để báo cáo Quốc hội và theo tinh thần phiên họp, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với ý kiến về phạm vi, đối tượng theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15. Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách bảo đảm mục tiêu đề ra và thực hiện các giải pháp điều hành ngân sách, thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách bảo đảm cân đối ngân sách và bội chi ngân sách năm 2023 không vượt mức Quốc hội cho phép. Đồng thời khẩn trương thực hiện các giải pháp trong thẩm quyền để hỗ trợ đời sống nhân dân, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Chính phủ xem xét thời gian đề xuất áp dụng giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ ngày 1.7 – 31.12.2023; rà soát, thể hiện lại căn cứ ban hành, kết cấu nội dung dự thảo Nghị quyết, hiệu lực thi hành của chính sách, bảo đảm logic, phù hợp, đúng quy định, giảm thiểu chi phí tuân thủ, bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu.

Anh Thảo
#