ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh): Bổ sung tiêu chuẩn, tiêu chí giúp doanh nghiệp định hướng chuyển đổi xanh
Tôi đặc biệt quan tâm đến giải pháp sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách mới về điện, như: mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn; khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp, tự sản, tự tiêu, phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ... Đây là những chính sách hiện thực hóa cam kết của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý để khuyến khích phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo phục vụ tiến trình xây dựng nền sản xuất xanh, hướng đến phát triển nền kinh tế xanh của Việt Nam.
Đồng thời, đó cũng là những cam kết bảo đảm với các nhà đầu tư nước ngoài rằng, Việt Nam quyết tâm thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư với mong muốn thu hút các khoản đầu tư lớn hơn và chất lượng hơn trong phát triển xanh, góp phần thúc đẩy phát triển ngành năng lượng mới, tăng nguồn thu ngân sách, tạo sinh kế, việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế tại các địa phương, trong đó có Trà Vinh và các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long.
Để thúc đẩy chuyển đổi sản xuất xanh, bên cạnh các chính sách tài chính nổi bật về thuế, phí và các công cụ kinh tế đã ban hành thời gian qua, Chính phủ cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển kinh tế xanh như: bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong sản xuất để giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong định hướng chuyển đổi xanh hay chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất xanh như cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn, giảm thuế và vay vốn lãi suất thấp.
Cần bổ sung các chính sách với những chương trình hỗ trợ phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất xanh như: sử dụng năng lượng tái tạo tỷ lệ cao để sản xuất ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia thị trường xuất khẩu theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Chính phủ cần quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao để có thể cạnh tranh hàng hóa xanh trên thị trường quốc tế. Đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ xanh. Chính phủ cần miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có mức phát thải thấp và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa có mức phát thải cao. Tăng cường tuyên truyền, vận động, xây dựng thói quen, lựa chọn sử dụng sản phẩm xanh, hình thành và phát triển thị trường tiêu thụ xanh.
ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội): Quan tâm thích đáng thị trường tín chỉ carbon đối với nông nghiệp
Giải pháp về phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là vấn đề giảm phát thải khí nhà kính và giao dịch tín chỉ carbon là vấn đề rất quan trọng, cần thiết phải được quan tâm thích đáng, kịp thời, thường xuyên để bảo đảm môi trường tự nhiên, ổn định đời sống kinh tế, giúp nông nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức hiển nhiên của cuộc cách mạng chuyển đổi xanh toàn cầu, tiếp tục giữ được vị thế quan trọng trong bản đồ an ninh lương thực thế giới.
Nông nghiệp Việt Nam có vai trò rất quan trọng, là lợi thế, là trụ đỡ của nền kinh tế. Giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt khoảng 54 tỷ USD trong năm 2023, đã đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế nông nghiệp của đất nước. Theo thống kê, nông nghiệp là ngành tạo ra phát thải lớn với khoảng 100 triệu tấn CO2 quy đổi và chiếm khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam, trong đó chủ yếu từ ngành trồng lúa chiếm 50%, chăn nuôi phát thải 19%, quản lý đất và sử dụng phân bón chiếm 13%, còn lại là xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp.
Thời gian qua, nhiều nước, trong đó có những nước là thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã xây dựng các hàng rào kỹ thuật giảm phát thải khí nhà kính và thuế carbon hướng tới phát triển xanh bền vững, khoảng 30 nước đã triển khai tính thuế carbon. Cụ thể, từ tháng 1.2025 Việt Nam xuất khẩu nông sản vào một số thị trường cần chứng minh hàng hóa đó không xuất phát từ việc phá rừng và từ tháng 1.2026, hàng rào kỹ thuật về phát thải carbon sẽ được áp dụng ở một số thị trường quốc tế của nông sản Việt Nam. Đây là thách thức rất lớn đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là đối với Việt Nam và đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Nếu chúng ta không có kế hoạch và các hành động cụ thể đối với việc phát triển sản xuất nông sản xuất khẩu gắn với giảm phát thải khí nhà kính thì nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sẽ bị tính thêm thuế carbon của các nước, sẽ làm gia tăng giá xuất khẩu và mất lợi thế cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Nếu chúng ta quan tâm sớm, đúng hướng, làm một cách hiệu quả, đồng bộ, có chiến lược, có kế hoạch rõ ràng để giảm phát thải khí nhà kính, tham gia tích cực vào thị trường tín chỉ carbon thì có thể phát huy lợi thế quốc gia nông nghiệp, tăng vị thế cạnh tranh của nông sản Việt Nam, mang lại giá trị gia tăng cao trong sản xuất nông nghiệp và thu tiền từ tín chỉ carbon.
Cần tuyên truyền sâu rộng tầm quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon. Giao các trường đại học, học viện xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao nhận thức, cung cấp các kiến thức cơ bản về giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã giảng dạy cho sinh viên đại học và học sinh phổ thông. Nghiên cứu sâu sắc tác động của quy định thị trường carbon của một số quốc gia đến việc xuất khẩu nông sản Việt Nam khi quy định này được áp dụng từ tháng 1.2026, từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học, xây dựng các chính sách hấp dẫn, cụ thể, thiết thực để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia vào thị trường carbon, vừa để phát triển bền vững, vừa làm gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp trên cơ sở tham khảo các bài học của các quốc gia EU, Hà Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản.
ĐBQH Trần Văn Sáu (Đồng Tháp): Không chỉ là ngăn mặn mà còn là duy trì lãnh thổ quốc gia
Bà con đồng bằng sông Cửu Long lo lắng sống chung với lũ, giờ lại sống chung với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở. Cũng không thể tưởng tượng vùng đồng bằng sông nước mà bà con phải thức đêm đi nhiều cây số để xin từng xô nước cứu trợ. Năm 2024, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến khốc liệt hơn và dường như không có điểm dừng, 11/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải ban bố tình trạng khẩn cấp về hạn mặn.
Nhiều giải pháp cấp bách đã được triển khai nhưng tình hình vẫn còn nhiều khó khăn. Tôi đề nghị Chính phủ quan tâm, nghiên cứu và có chính sách thực hiện một số giải pháp mà các nhà khoa học đã khuyến cáo. Cần tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát, nâng cao năng lực dự báo hạn mặn thường xuyên, chính xác để kịp thời ứng phó; khuyến cáo bà con thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp.
Việc quản lý, khai thác tài nguyên nước dưới mặt đất và khoáng sản hợp lý cũng là giải pháp cần được quan tâm. Giải pháp nữa là ưu tiên các nguồn vốn. Khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các hệ thống công trình giữ nước ngọt cho đồng bằng, nhất là vùng tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười. Đây được xem là giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để giải "cơn khát" nước ngọt cho vùng. Sớm triển khai quy hoạch cấp nước cho vùng, bảo đảm hệ thống cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Về lâu dài cần xây dựng hệ thống đê biển cùng với các cống, đập kiểm soát xâm nhập mặn. Đây là dự án lâu dài, bền vững dọc theo bờ biển để ứng phó với mực nước biển dâng. Đây không chỉ là ngăn mặn mà là câu chuyện duy trì lãnh thổ quốc gia khỏi sạt lở, sụt lún, nước biển dâng. Nếu chúng ta không hành động kịp thời, chỉ vài chục năm nữa sẽ không còn đồng bằng sông Cửu Long.