"Bác Hồ bảo gì, tôi làm nấy”
Giáo sư Nguyễn Xiển sinh ngày 27.7.1907 tại TP. Vinh, Nghệ An trong một gia đình có truyền thống Nho học. Ông nội và cha đều đỗ cử nhân Nho học và tham gia các phong trào Cần Vương Văn Thân; anh cả của ông là chiến sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Từ nhỏ, ông đã là một học sinh thông minh và hiếu học, luôn là học sinh xuất sắc ở bậc tiểu học và trung học. Tốt nghiệp thành chung ở Vinh, ông thi đậu vào Trường Bưởi (Hà Nội) - ngôi trường danh tiếng bậc nhất xứ Đông Dương thời đó. Năm 1926, do tham gia bãi khóa để tang nhà yêu nước và cách mạng Phan Chu Trinh nên ông bị đuổi học và bị cấm thi tú tài bản xứ. Song với trí thông minh vốn có và khả năng tự học hiếm thấy, ông đã đỗ đầu kỳ thi tú tài Tây và cùng ông Hoàng Xuân Hãn nhận học bổng của Hội Như Tây sang Pháp du học. Những năm ở Pháp, ông theo học tại Trường Đại học Toulouse và đỗ cử nhân. Chính tại đây, ông được biết Nguyễn Ái Quốc qua sách báo, được những người cộng sản trẻ tuổi Phan Tử Nghĩa, Trần Văn Giàu giúp đỡ tham gia các hoạt động yêu nước, trong đó có cuộc mít tinh lớn chống thực dân Pháp đàn áp dã man phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Năm 1932 trở về nước, ông từ chối ra làm quan theo đề nghị của Chính phủ Nam Triều vì theo ông: “Tôi không muốn ra làm quan cho Triều đình Huế và sống ở Trung Kỳ - mảnh đất còn sặc mùi quan hệ phong kiến và quyết định ra Hà Nội dạy tại các trường tư thục Hà Nội”.
Năm 1937, ông chuyển sang ngành khí tượng thủy văn và năm 1941 được giao phụ trách Đài khí tượng Phù Liễn - đài hiện đại nhất lúc đó ở Đông Nam Á. Cũng trong thời gian đó, ông cùng nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn bắt tay nghiên cứu về lịch và lịch Việt Nam, cùng các nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn, Đặng Phúc Thông, Nguyễn Duy Thanh, Nguyễn Đình Thụy, Ngụy Như Kon Tum cho ra tờ báo khoa học, phát hành trên toàn cõi Đông Dương với mục đích phổ biến những kiến thức khoa học, nâng cao trình độ dân trí, xây dựng nền văn hóa mới.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra rất sôi động, nhanh chóng, theo như ông kể: “Đã tác động mạnh mẽ đến tôi cũng như nhiều trí thức khác, những người đang đứng giữa ngã ba đường, buộc chúng tôi phải lựa chọn hướng đi một cách rõ ràng, dứt khoát. Hồi đó, tin tức về Việt Minh chưa nhiều, nhất là khi đó tôi đang ở xa Hà Nội. Sau một đêm suy nghĩ, sáng sau tôi quyết định rời Đài Phù Liễn, lấy xe đạp “cuốc” một mạch về Kiến An, rồi Hải Phòng và đạp thẳng về Hà Nội.
Ngay chiều muộn hôm đó, theo lời kêu gọi của Tổng bộ Việt Minh, được anh Phan Tử Nghĩa khuyến khích, tôi tham gia đoàn biểu tình ở vườn hoa Hàng Đậu, cùng bà con hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh”.
Sáng 24.8.1945, một cán bộ Việt Minh đến nhà mời tôi tới gặp Ủy ban Dân tộc giải phóng. Vừa đến cổng Bắc Bộ phủ, tôi gặp cụ Nguyễn Văn Tố. Cụ thông báo: “Ngài và tôi là hai trí thức Hà Nội được mời tham gia Chính phủ lâm thời. Tôi đã nhận Bộ Cứu tế - Xã hội. Đề nghị Ngài nên nhận Bộ Giao thông - Công chính. Câu chuyện chưa dứt thì một cán bộ cách mạng dẫn tôi vào gặp ông Võ Nguyên Giáp - người tôi từng quen khi dạy học tại các trường tư thục ở Hà Nội.
Ông Giáp đề nghị tôi phụ trách Bộ Giao thông - Công chính, đúng như cụ Tố báo trước. Tôi xin phép được từ chối với lý do mình chưa làm được gì cho cách mạng mà nhận chức to như vậy thì dễ bị anh em trí thức cho là cơ hội. Tôi đề nghị kỹ sư Trần Đăng Khoa đảm nhiệm chức vụ đó thì hợp hơn.
Ngày hôm sau, các ông Trần Đăng Ninh, Vũ Đình Huỳnh, Phan Tử Nghĩa đến thuyết phục và đưa tôi đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với thái độ thân tình và giọng nói “đặc” xứ Nghệ, Cụ khuyên tôi:
- Chú là người học rộng, tài cao, là một trí thức yêu nước, tại sao lại không chịu nhận trách nhiệm trước lịch sử dân tộc? Đã không nhận là Bộ trưởng thì tôi giao chú chức Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc Bộ.
- Thưa Cụ Chủ tịch, tôi chưa quen làm quản lý.
- Thì ai đã quen ngay đâu. Vì sự nghiệp chung; vì dân, vì nước mà làm thôi.
Và, tôi đã nhận chức Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc Bộ kiêm Giám đốc Nha Khí tượng.
Tôi đến với Bác Hồ, với cách mạng là như vậy. Và từ ngày đó đến nay, Bác Hồ bảo gì, tôi làm nấy”.
Một trong số ít nhân vật "suốt đời là đại biểu của toàn dân"
Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta ngày 6.1.1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội ở Kiến An và liên tục được bầu lại làm đại biểu Quốc hội từ Khóa I đến Khóa VII, là Phó Chủ tịch Quốc hội từ Khóa II đến Khóa VI và trở thành một trong số rất ít nhân vật “suốt đời là đại biểu của toàn dân”.
Theo chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, để mở rộng hơn nữa Mặt trận Dân tộc thống nhất, được sự động viên, khuyến khích của Bác Hồ, ngày 22.7.1946 ông là một trong số 34 vị sáng lập viên Đảng Xã hội Việt Nam và được bầu làm Phó Tổng Thư ký; từ năm 1965 ông được bầu làm Tổng Thư ký thay ông Phan Tử Nghĩa và giữ chức vụ này đến ngày Đảng Xã hội tự giải thể vào năm 1988 khi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử.
Đối với sự nghiệp giáo dục, sau ngày toàn quốc kháng chiến, 19.12.1946, theo yêu cầu của Chính phủ, ông chuyển sang làm công tác giáo dục và trở thành một trong số những người đầu tiên xây dựng ngành giáo dục, đặc biệt là ngành đại học Việt Nam.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve được ký kết, hòa bình được lập lại ở Đông Dương, theo yêu cầu của một đất nước sau 9 năm kháng chiến trường kỳ đầy khó khăn và gian khổ, năm 1955, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc hội bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế - Xã hội và giữ chức vụ đó cho đến năm 1959; từ năm 1966, ông được cử làm Giám đốc Nha Khí tượng Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban địa cầu quốc tế Việt Nam và Phó Chủ tịch Ủy ban Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam.
Đối với Mặt trận Dân tộc thống nhất, Giáo sư Nguyễn Xiển là một trong những "đại thụ" trong "rừng cây" đại đoàn kết.
Nghe theo lời khuyên của Hồ Chủ tịch, Giáo sư cũng như nhiều nhân sĩ, trí thức và quan lại cũ, những điền chủ và công thương gia trước đây chưa có quan hệ với Việt Minh hoặc chưa vào Việt Minh vì những lý do khác nhau đã hăng hái tham gia vào Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam được thành lập ngày 29.5.1946 với Cương lĩnh “Đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước vô đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam: Độc lập - Thống nhất - Dân chủ - Phú cường”. Và Giáo sư được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Trung ương Hội.
Từ giữa năm 1948, Đảng Cộng sản Đông Dương có chủ trương thống nhất hai tổ chức Mặt trận: Mặt trận Việt Minh và Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam. Ngay sau Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương (11.2.1951) - thời điểm Đảng tuyên bố ra công khai với tên mới là Đảng Lao động Việt Nam, ngày 3.3.1951, tại Đại hội toàn quốc Mặt trận Việt Minh - Liên Việt và lấy tên là Mặt trận Liên Việt với mục đích “Tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược, đánh bại bọn can thiệp Mỹ, trừng trị Việt gian phản quốc, củng cố và phát triển chế độ dân chủ Nhân dân, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường và góp sức cùng Nhân dân thế giới bảo vệ hòa bình lâu dài”, Giáo sư Nguyễn Xiển được Đại hội cử vào Ủy ban toàn quốc của Mặt trận gồm 53 thành viên. Và Ủy ban cử Giáo sư tham gia Đoàn Chủ tịch.
Đặc điểm lớn nhất của cách mạng Việt Nam từ tháng 9.1954 là đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược nhưng đều có chung mục tiêu là hoàn thành giải phóng dân tộc. Mặt trận Liên Việt đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình là đoàn kết toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Nhiệm vụ mới của cách mạng đòi hỏi phải có hình thức Mặt trận mới để tập hợp, thu hút tất cả các cá nhân yêu nước và tiến bộ, nhất là những người ở vùng mới giải phóng vào cuộc đấu tranh chung là xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh thống nhất nước nhà.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời ngày 10.9.1955. Giáo sư Nguyễn Xiển lại được cử tham gia Đoàn Chủ tịch, đảm nhiệm chức vụ này cho đến khi qua đời.
Những người đã nhiều năm cộng tác với Giáo sư Nguyễn Xiển đều có chung nhận xét, đó là một con người bộc trực, trung thực, dám nói thẳng những điều mình suy nghĩ, kể cả những khi điều nói ra không có lợi cho bản thân, song có lợi cho dân tộc, cho đất nước, một phẩm chất rất đáng quý của người trí thức Việt Nam.