Giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là áp lực cho tòa án và viện kiểm sát

- Thứ Hai, 20/03/2023, 18:35 - Chia sẻ

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay, 20.3, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là áp lực lớn cho cả tòa án và viện kiểm sát.

Thời gian tới, cần triển khai các giải pháp để bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, và người dân nhận thức được điểm dừng trong khiếu kiện, nâng cao chất lượng công tác tư pháp.

Các vụ việc có hồ sơ đều giải quyết đạt và vượt chỉ tiêu

Đặt câu hỏi chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) ghi nhận, trong thời gian qua, ngành Tòa án và Viện kiểm sát đã cố gắng để tăng tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm… Tuy nhiên, qua báo cáo của Viện kiểm sát, tỷ lệ giải quyết đơn thuộc thẩm quyền chưa đạt tỷ lệ Quốc hội giao. Theo đó, có hàng nghìn đơn chưa được xem xét xử lý, trong đó có thể có quyết định bản án có sai sót, oan sai và quá thời hạn kháng nghị.

Giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là áp lực cho tòa án và viện kiểm sát -0
Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Long An) chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị Viện trưởng Lê Minh Trí làm rõ nguyên nhân của tình trạng trên và giải pháp căn cơ nào để nâng cao hơn nữa tỷ lệ, tiến độ, chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để kịp thời khắc phục những sai lầm nghiêm trọng của các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật?

Cùng quan tâm vấn đề này, ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đề nghị Viện trưởng cho biết các giải pháp để thực hiện đạt chỉ tiêu Quốc hội giao trong các lĩnh vực xử lý tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm đối với án hành chính và kháng nghị giám đốc thẩm đối với án dân sự chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó nhấn mạnh đối với án hành chính.

Giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là áp lực cho tòa án và viện kiểm sát -1
Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Long An) chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn của các Đại biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tiếp tục làm rõ vấn đề trên cơ sở trả lời của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao tại phiên chất vấn sáng nay, từ góc độ của ngành kiểm sát, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, dù luật pháp hiện hành quy định giải quyết khiếu kiện, tố cáo theo 2 cấp - sơ thẩm và phúc thẩm, trừ trường hợp có những tình tiết mới hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì lúc đó mới xem xét giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, trong giải quyết khiếu kiện hành chính và tư pháp nói chung là không dừng, nên có tâm lý là sau khi nhận được bản án có hiệu lực thi hành sẽ kèm theo đơn kháng nghị giám đốc thẩm ngay. Đây là một thực trạng đang xảy ra. Dù tỷ lệ sai sót trong bản án không lớn, thì cơ quan chức năng vẫn phải xem xét, nên khối lượng đơn ngày càng nhiều lên. Do đó, vừa qua, Quốc hội đã giao cho chỉ tiêu này đối với hai ngành, Viện trưởng nói.

Viện trưởng cũng cho biết, về nguyên tắc, nếu hai ngành cùng giải quyết một vụ việc thì ngành nào thuận lợi, phù hợp hơn sẽ làm, ngành còn lại không thực hiện, nên không đạt tỉ lệ giải quyết. Đối với những vụ việc mà Viện Kiểm sát có hồ sơ thì đều giải quyết đạt trên và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, "nếu tính cứ có đơn là phải giải quyết thì ngành kiểm sát không đạt, bởi nhiều vụ việc không có hồ sơ".

Chỉ rõ thực tế này, Viện trưởng thẳng thắn thừa nhận, việc giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm tạo áp lực cho cơ quan tư pháp, cả tòa án và viện kiểm sát. “Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải nghĩ đến cách lâu dài hơn, căn cơ hơn, làm sao để người dân nhận thức được điểm dừng trong khiếu kiện. Đồng thời, các cơ quan tư pháp cũng phải nâng cao chất lượng, tạo niềm tin cho người dân, tin rằng bản án có hiệu lực là phải chấp hành. Đồng bộ từ quy định pháp luật, nhận thức của người dân và nỗ lực của ngành thì mới có thể kiểm soát được tỉ lệ giải quyết”, Viện trưởng Lê Minh Trí nói.

Xét xử các vụ án hành chính còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại

Đặt câu hỏi chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phản ánh những tồn tại trong công tác thi hành án hành chính. Cụ thể, qua giải trình của Viện trưởng cho thấy việc xét xử các vụ án hành chính còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, trở ngại từ những nguyên nhân chủ quan, khách quan. Nhiều bản án thi hành nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là áp lực cho tòa án và viện kiểm sát
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt câu hỏi chất vấn

Với những tồn tại nêu trên, với tinh thần đổi mới, cải cách tư pháp, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị, Viện trưởng làm rõ trách nhiệm của mình trong công tác kiểm sát thi hành hành chính và có giải pháp cụ thể trong thời gian tới như thế nào để nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ này?

Trả lời các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, đối với việc kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, án hành chính có trở ngại khó khăn quan cả về khách quan và chủ quan, do đó việc thi hành án cũng khó khăn… Thời gian qua, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã yêu cầu Viện kiểm sát các cấp quan tâm, kiểm tra, tập trung thực hiện nhiều biện pháp, phối hợp với nhiều cơ quan khác nhau để chủ động rà soát, tháo gỡ, giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài… Để bảo đảm công bằng, Chủ tịch UBND các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm công bằng. Với thực tế những vụ việc phức tạp, liên quan nhiều đến đất đai, Viện trưởng cho rằng, sắp tới, khi sửa đổi Luật Đất đai sẽ giúp giảm thiểu các tồn tại, hạn chế hiện có.

Viện trưởng cũng nêu rõ, trên thực tế việc thi hành án rất khó khăn, phải giải quyết căn cơ từ hệ thống pháp luật, vì án hành chính đa phần là án khiếu kiện các vụ việc về hành chính, nhất là đất đai. Do đó, sự phối hợp các cơ quan cần chặt chẽ, đồng bộ giải pháp.

Lê Bình
#