Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình:

Đúng trọng tâm, rõ thực trạng, rõ trách nhiệm

- Thứ Hai, 20/03/2023, 22:27 - Chia sẻ

Đây là điều không khó để cảm nhận khi theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn với lĩnh vực tòa án sáng qua. Phần trả lời của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho thấy bản lĩnh, trách nhiệm và sự chắc chắn của người đứng đầu cơ quan xét xử tối cao, từng nhiều lần trả lời chất vấn trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước.

“Việc nể nang là có thật, nhưng tỷ lệ này không nhiều...”

Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trọng trách lớn, khó và nặng nề như vậy, song thời gian qua, ngành tòa án đã có nhiều nỗ lực và đạt nhiều kết quả rất đáng ghi nhận.

Như nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thì mặc dù số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều và có tính chất ngày càng phức tạp (so với cùng kỳ của 5 năm trước, số lượng các vụ án phải giải quyết tăng 507.849 vụ, đặc biệt năm 2022, số lượng các loại vụ việc thụ lý tăng 29.944 vụ so với năm trước), trong khi số lượng biên chế được giao không tăng thêm, chất lượng biên chế còn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực lớn của cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân, chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của các Tòa án ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan được hạn chế ở mức thấp. Hầu hết các vụ việc được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật. Công tác phát triển án lệ được chú trọng ban hành. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội được tích cực triển khai thực hiện…

Đúng trọng tâm, rõ thực trạng, rõ trách nhiệm -0
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội

Dẫu vậy, bên cạnh những kết quả lớn đạt được, trong tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án cũng đang nổi lên một số vấn đề đáng lưu tâm. Một trong những vấn đề nổi lên được nhiều đại biểu nêu câu hỏi đề nghị Chánh án giải trình, làm rõ trong phiên chất vấn sáng qua, đó là tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vẫn còn cao. Trong khi Quốc hội cho phép tỷ lệ hủy, sửa là 1,5% thì riêng án hành chính lên đến 4%, cao hơn yêu cầu của Quốc hội. Đó là tình trạng án hành chính không được thực thi - có bản án rồi, nhưng UBND các cấp không thi hành nghiêm túc, gây bức xúc cho người dân...

Từ những vấn đề đặt ra trong thực tế xét xử án hành chính thời gian qua, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề nghị Chánh án cho biết nguyên nhân sâu xa của tình trạng này, đồng thời đặt câu hỏi: Phải chăng còn có lý do một bộ phận thẩm phán tòa án cấp sơ thẩm còn có tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm trong giải quyết, bởi bên bị kiện chủ yếu là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính...?

Nhìn thẳng vào hạn chế đại biểu nêu ra, thừa nhận “việc nể nang là có thật”, nhưng Chánh án cũng nêu rõ, tỷ lệ này “không nhiều” và “đây không phải nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hủy, sửa của án hành chính cao”. Bởi, “tuyệt đại đa số các thẩm phán đều phát huy bản lĩnh, tính chuyên nghiệp và xét xử vụ án hành chính nghiêm túc”. Nguyên nhân chủ yếu, theo Chánh án, là do việc cung cấp tài liệu của UBND các cấp cho người dân không đầy đủ, ảnh hưởng đến chất lượng xét xử; sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính rất hạn chế.

Luật Tố tụng hành chính quy định Chủ tịch UBND các cấp khi bị kiện thì phải ra tòa, chỉ được ủy quyền đến cấp phó của mình, không được ủy quyền sâu hơn. Nhưng thực tế, “các đồng chí Chủ tịch UBND, nhất là các vụ án cấp tỉnh, thực sự rất nhiều việc, cho nên thời gian ra tòa bị hạn chế và việc này ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, cho nên các vụ án hành chính thường bị chậm... - đây là nguyên nhân chính dẫn đến án hành chính bị hủy, sửa và chậm được khắc phục...” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Quan điểm của chúng tôi là tất cả các vi phạm đều được xử lý nghiêm!

Cùng với ngành kiểm sát nhân dân, ngành tòa án có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra rất quyết liệt, với nhiều kết quả rõ rệt theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Là cơ quan được giao nhiệm vụ “cầm cân nảy mực”, bảo vệ công lý, ngành tòa án đã và đang triển khai thực hiện nhiều quy định về phòng ngừa và xử lý những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành. Tuy nhiên, thực tế cũng như chất vấn của đại biểu cho thấy, vẫn còn nhiều cán bộ, thẩm phán vi phạm pháp luật.

Theo báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao, từ năm 2021 đến nay đã có 106 trường hợp cán bộ, công chức ngành tòa án bị xử lý kỷ luật, trong đó có 7 trường hợp tham nhũng và tiêu cực. Nêu vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị Chánh án cho biết trách nhiệm và có giải pháp căn cơ, hiệu quả, đồng bộ gì để đấu tranh phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực hiệu quả trong nội bộ ngành?

Tiếp tục tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, không né tránh, vòng vo trước những tồn tại, hạn chế của ngành, Chánh án Nguyễn Hòa Bình tỏ rõ: “Quan điểm của chúng tôi là tất cả các vi phạm đều được xử lý nghiêm và không có vùng cấm, điều này chính là quan điểm của Đảng và chúng tôi không bao che”.

Để phòng ngừa, trong số những giải pháp Chánh án nêu ra, có một giải pháp rất đáng chú ý, thể hiện rõ sự nghiêm minh, không bao che, thậm chí, như chia sẻ của Chánh án là “vượt quá yêu cầu của Quốc hội”. Đó là giải pháp liên quan đến tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, trách nhiệm cho thẩm phán, người giữ chức danh tư pháp trong tòa án nhân dân. Theo đó, cùng với việc ban hành Bộ Quy tắc đạo đức thẩm phán và bộ quy tắc này đang được giảng dạy trong trường đại học Luật, trường đại học của hệ thống tòa án, thì với những trường hợp vi phạm phát hiện được, ngành chủ động chuyển cho cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, điều tra để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đặc biệt, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành Quy định số 120 về xử lý trách nhiệm những vi phạm của các thẩm phán. Trong đó, nếu như Nghị quyết của Quốc hội cho phép hệ thống tòa án được hủy, sửa là 1,5% số vụ án, thì Quy định số 120 chỉ cho tỷ lệ này là 1,16% - thấp hơn cho phép của Quốc hội. “Nếu như anh nào vượt quá tỷ lệ 1,16% án hủy, sửa, mặc dù thấp hơn Quốc hội thì cũng không được tái bổ nhiệm”, Chánh án cho biết.

Nguyên nhân chủ yếu nào dẫn tới tỷ lệ án hành chính hủy, sửa cao, hay giải pháp căn cơ nào để tăng cường đạo đức công vụ, đấu tranh có hiệu quả và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ - một vấn đề khá nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của ngành... chỉ là hai ví dụ trong số 4 nhóm vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn và đưa ra chất vấn với lĩnh vực tòa án lần này. Tuy nhiên, dù là vấn đề nào, cụ thể hay vĩ mô, vụ việc có tên, địa chỉ rõ ràng đã được đại biểu chất vấn từ nhiệm kỳ trước và tiếp tục nhiều lần đặt câu hỏi, tranh luận tại phiên chất vấn lần này, thì trong gần 3 giờ đồng hồ đăng đàn, toàn bộ 50 câu hỏi của 29 đại biểu và 6 tranh luận đều được Chánh án trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, rõ thực trạng, rõ trách nhiệm.

Có thể có một số đại biểu chưa hoàn toàn hài lòng với một vài trả lời của Chánh án. Nhưng, nhìn tổng thể, trong phạm vi của phiên chất vấn, nội dung trả lời của Chánh án cơ bản đáp ứng được yêu cầu, mong đợi của đại biểu, của cử tri và Nhân dân cả nước. Quan trọng hơn, qua chất vấn tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của ngành tòa án nói riêng và ngành tư pháp nói chung cũng như mục tiêu đúng đắn đã được xác định trong Nghị quyết số số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đó là phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành cơ bản mục tiêu “Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân”.

Lam Giang
#