Hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2022:

Động lực quan trọng, góp phần đem lại tầm vóc mới cho Việt Nam

- Thứ Ba, 17/01/2023, 06:29 - Chia sẻ

Năm 2022, công tác đối ngoại của Quốc hội đã diễn ra sôi động, thực chất và hiệu quả. Khẳng định điều này, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại VŨ HẢI HÀ cũng cho biết, với những kết quả đạt được, ngoại giao nghị viện ngày càng góp phần làm sâu sắc mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện, nhiều mặt giữa Việt Nam với các đối tác và bạn bè trên thế giới, góp phần đem lại tầm vóc mới cho Việt Nam trên trường quốc tế.

Triển khai thông suốt, nhất quán, đạt nhiều kết quả tốt đẹp, thực chất

- Nhìn lại 2022, có thể thấy đây là một năm sôi động trong công tác đối ngoại của Quốc hội sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thưa ông?

- Năm 2022, trước bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất phức tạp, khó đoán định, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, việc nước ta duy trì tốt ổn định kinh tế vĩ mô, đạt mức tăng trưởng 8,02% - nằm trong nhóm tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, quy mô GDP vượt 400 tỷ USD, xuất khẩu vượt 700 tỷ USD, an sinh xã hội được bảo đảm là các kết quả nổi bật và hết sức có ý nghĩa.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà

Trong tổng thể thành công đó, hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước nói chung và hoạt động đối ngoại của Quốc hội có những đóng góp hết sức quan trọng. Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng của Quốc hội diễn ra sôi động góp phần thúc đẩy ngoại giao nghị viện của Quốc hội ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu; góp phần triển khai các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo dựng môi trường hòa bình ở khu vực, mở rộng hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới.

Công tác đối ngoại của Quốc hội được triển khai tích cực và hiệu quả, ngày càng chứng minh là động lực quan trọng, góp phần làm sâu sắc mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện, nhiều mặt giữa Việt Nam với các đối tác và bạn bè trên thế giới. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, việc triển khai các hoạt động đối ngoại đã bám sát Chương trình đối ngoại của Lãnh đạo chủ chốt và Lãnh đạo cấp cao được Bộ Chính trị phê duyệt, Chương trình hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2023 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã diễn ra sôi động trên cả bình diện song phương và đa phương.

- Hoạt động đối ngoại song phương giữa Quốc hội ta với Nghị viện/Quốc hội các nước đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Các hoạt động trao đổi đoàn giữa Quốc hội ta với Nghị viện/Quốc hội các nước trong năm qua đã được triển khai thông suốt, nhất quán, đạt nhiều kết quả tốt đẹp, thực chất, một số hoạt động hội đàm, trao đổi trực tuyến được triển khai đầu năm và các hoạt động đối ngoại trực tiếp được tiến hành sôi động từ giữa đến cuối năm ở các cấp, từ cấp Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đến các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngay cả trong giai đoạn đầu năm, đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chúng ta đã kết hợp rất linh hoạt các hình thức trao đổi trực tuyến, vừa bảo đảm tính liên tục của các hoạt động đối ngoại cũng như mang lại những kết quả tích cực.

Các hoạt động đối ngoại được triển khai với đa dạng các chủ thể, đối tác không chỉ với kênh Quốc hội mà cả kênh Đảng, Chính phủ và nhân dân, góp phần tăng cường quan hệ giữa Quốc hội ta với Quốc hội/Nghị viện các nước có trọng tâm, trọng điểm cả về hình thức và nội dung; góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực, đóng góp vào thành công chung của công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, kịp thời xử lý các nội dung phát sinh trong điều kiện mới.

Chủ động, tích cực, đa dạng hình thức

- Qua các hoạt động trao đổi đoàn giữa Quốc hội ta với Quốc hội/Nghị viện các nước, có thể thấy hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam ngày càng mở rộng, hiệu quả và thực chất hơn, thưa ông?

- Trên bình diện song phương, cùng với vai trò và vị thế của đất nước được khẳng định và đề cao trên trường quốc tế, hoạt động đối ngoại của Quốc hội nước ta với Quốc hội các nước ngày càng mở rộng, hiệu quả và thực chất hơn, thể hiện qua kết quả các chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội nước ta tại các nước, và đón lãnh đạo nghị viện các nước thăm làm việc tại Việt Nam.

Trọng tâm nổi bật hoạt động đối ngoại song phương của Quốc hội năm 2022 là các chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Lào (tháng 5), Hungary và Vương quốc Anh (tháng 6), Campuchia, Philippines và dự Đại hội đồng AIPA-43 tại Campuchia (tháng 11), Australia và New Zealand (cuối tháng 11, đầu tháng 12); đón các Đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức Việt Nam như Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ (tháng 4), Chủ tịch Quốc hội Singapore (tháng 5), Chủ tịch Quốc hội Mozambique (tháng 6), Chủ tịch Quốc hội Campuchia (tháng 9), Chủ tịch Thượng viện Campuchia (tháng 10) và Chủ tịch Thượng viện Pháp (tháng 12) và các cuộc hội đàm trực tuyến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba (tháng 3) và Chủ tịch Thượng viện Liên bang Mexico (tháng 7).

Các hoạt động này đã góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ đoàn kết đặc biệt, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện và làm sâu sắc hơn, thực chất hơn với các nước trong khu vực, bạn bè hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược… Đặc biệt, trong các chuyến thăm chính thức song phương của Chủ tịch Quốc hội, các diễn đàn hợp tác kinh tế, diễn đàn hợp tác giáo dục đã được tổ chức với nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng cũng như việc phục hồi sau đại dịch.

- Năm vừa qua được đánh giá là có nhiều dấu ấn của Quốc hội trong lĩnh vực đối ngoại đa phương. Những kết quả cụ thể đó là gì, thưa ông?

- Các hoạt động đối ngoại đa phương được triển khai trên tinh thần tiếp tục khẳng định cam kết chủ động, tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam, thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị 25 ngày 8.8.2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Trọng tâm của hoạt động đối ngoại đa phương năm 2022 là các hoạt động đối ngoại đa phương của Lãnh đạo Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội được triển khai hiệu quả tại các tổ chức nghị viện khu vực và quốc tế như AIPA, IPU, APPF, APF…

Tại AIPA, Quốc hội Việt Nam đã khẳng định sự đóng góp nổi bật tại Đại hội đồng AIPA-43, thể hiện qua phát biểu chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đề xuất 5 điểm nhằm củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, phát huy vai trò giám sát của các nghị viện thành viên đối với triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể của ASEAN, đổi mới cơ cấu tổ chức và hoạt động của AIPA, thúc đẩy bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ, thanh niên trong quá trình hoạch định triển khai chính sách và tăng cường sự tham gia của Nghị sĩ trẻ AIPA. Các đề xuất của Chủ tịch Quốc hội đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các nghị viện thành viên, đặc biệt là về chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng công bằng.

Tại các Ủy ban của AIPA, Đoàn Việt Nam cũng đã đồng bảo trợ với nước chủ nhà 4 Nghị quyết về các vấn đề an ninh - chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, bình đẳng giới. Điều này thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với những nỗ lực chung của AIPA để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện các mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tham gia Cuộc gặp các nhà lãnh đạo AIPA - ASEAN. Cùng với đó, Quốc hội Việt Nam đã tham gia đầy đủ các hoạt động khác trong khuôn khổ AIPA, khẳng định vai trò và trách nhiệm của Quốc hội ta tại cơ chế hợp tác nghị viện quan trọng này.

Tại IPU, Việt Nam đã cử đoàn tham dự Đại hội đồng IPU-144 (tháng 4) tại Indonesia, Đại hội đồng IPU-145 (tháng 10) tại Rwanda, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 8 (tháng 6) và các hội nghị liên quan khác... Tại các sự kiện này, Việt Nam đều có những bài phát biểu hết sức quan trọng, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Quốc hội nước ta cũng có những đóng góp thiết thực tại diễn đàn APPF thông qua việc cử đoàn tham dự Hội nghị lần thứ 30 tại Thái Lan (tháng 10). Tại APF, Quốc hội Việt Nam đã có sự tham gia tích cực và hiệu quả tại các cơ chế của APF, tham dự Đại hội đồng APF-47. Đại diện Quốc hội Việt Nam đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò thành viên Ban Chấp hành APPF và cũng được bầu giữ vị trí Thành viên Ban Chấp hành, Phụ trách Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong APF.

Vừa qua, chúng ta cũng đăng cai tổ chức hết sức thành công Hội nghị lần thứ 10 Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong APF tại Đà Nẵng tháng 11.2022. Đồng thời, đóng góp chung đối với thành công của ngoại giao nghị viện năm vừa qua phải kể tới hoạt động hết sức chủ động, tích cực với hình thức đa dạng, phong phú của các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với các nước, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ.

- Xin cảm ơn ông!

Nhật An thực hiện