Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2024)

Để xứng đáng là “đứa con nòi” của Nhân dân

- Thứ Sáu, 02/02/2024, 14:05 - Chia sẻ

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Tròn 94 năm qua, trong đó gần 79 năm cầm quyền, được sự ủy thác của Nhân dân và lịch sử giao phó, trên nền tảng Hiến pháp, trong vị thế, trách nhiệm người dẫn dắt Dân tộc một cách chính danh, chính pháp trên nền móng đạo lý dân tộc và tinh hoa thời đại, Đảng ngày càng ngang tầm với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày càng xứng đáng với Nhân dân và tỏ rõ chính tín trên trường quốc tế.

Đây không chỉ kết tinh tầm nhìn, bản lĩnh trước lịch sử và dân tộc, sự cầu thị của Đảng ta đặng ngày càng xứng đáng “là đạo đức, là văn minh” mà ngày càng khẳng định đó là sự tỏa sáng đạo lý lãnh đạo, cầm quyền. Và, đây cũng là nhân tố căn bản, quyết định vị thế, sức mạnh và uy tín của Đảng trước Nhân dân, xã hội và bạn bè trên thế giới.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 5 - 10.9.1960. Ảnh: Báo Nhân dân

Trước yêu cầu phát triển của đất nước ở thập kỷ thứ 3 của thế thế kỷ XXI, trong tầm nhìn tới năm 2030 và năm 2045, hơn lúc nào hết, càng đòi hỏi Đảng ta vươn lên toàn diện, không ngừng, ngang tầm với lịch sử và xứng đáng với Nhân dân.

*

*       *

Lch sử thế giới từng cảnh báo, sự đổ vỡ ở Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu những năm 90 của thế kỷ XX, các đảng cộng sản ở đó mất vai trò cầm quyền, trước hết sai lầm về đường lối và mất phương hướng chính trị và sâu xa do tự đánh mất lòng tin và sự ủng hộ của Nhân dân - cơ sở xã hội - chính trị, cội nguồn và nền tảng sức mạnh của Đảng. Nói khái lược, đó là sự tầm thường về trí tuệ, thiển cận về tầm nhìn, sự suy đồi về đạo đức, sự băng hoại về lối sống, sự tha hóa về nhân cách cầm quyền, ở những người cầm quyền. Nghĩa là, chính trị bị lệch lạc, băng hoại ngay từ văn hóa.

Hiện nay, hơn bao giờ hết, càng đòi hỏi Đảng tiên phong về trí tuệ, dũng cảm hành động trong tự đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn mình thật sự trong sạch, vững mạnh và phát triển toàn diện, mang tầm chiến lược của Đảng và hệ thống chính trị. Đây là tính quy luật phát triển của Đảng, là thước đo và khẳng định vị thế của mỗi đảng viên, mỗi tổ chức của Đảng. Đảng thật sự tiêu biểu về hội tụ, tôn trọng, tin cậy và trọng đãi nhân tài; đồng thời là môi trường rộng lớn và dân chủ nuôi dưỡng và bảo vệ nhân tài; xứng đáng là biểu tượng văn minh. Vì phi trí bất hưng, bởi tôn tài đại thịnh.

Đó chính là phẩm giá, tư chất, vinh dự, bổn phận và cũng là mục tiêu chân chính của Đảng.

Sức mạnh của Đảng khởi nguồn từ sức mạnh vô địch của Nhân dân, được nuôi dưỡng từ “cuống nhau” nối với Nhân dân. Gìn giữ mình thật sự xứng đáng là máu thịt của Nhân dân. Đó là bài học lịch sử vô giá; là con đường sống và phát triển duy nhất làm nên sứ mạng lịch sử và sức mạnh của Đảng! Điều sinh tử lúc này, là lợi ích của dân tộc, của đất nước và hạnh phúc của Nhân dân ta là vô giá và tối thượng! Do đó, tách khỏi Nhân dân thì Đảng sẽ mất gốc và thậm chí rước họa. Xa rời Nhân dân thì Đảng sẽ yếu ớt, tê liệt và thậm chí tự diệt vong.

Để xứng đáng với vị thế tiên phong, thì điều quan trọng nhất là mỗi đảng viên, từng tổ chức đảng phải đoàn kết, thống nhất thật sự, phải tự mình nêu gương và tự mình giữ gìn, phát triển đạo đức cách mạng, làm sao cho Nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm và được quyền bảo vệ. Nghĩa là Nhân dân được hưởng và thực thi các quyền đó một cách nhân văn, bằng pháp luật. Đến lượt mỗi đảng viên, không chỉ là người hướng dẫn và bảo vệ Nhân dân một cách thật sự chân thành, thật sự văn hóa mà còn là người biết lắng nghe, thấu cảm Nhân dân thật sự thiết thực và cầu thị. Đó là tư chất của “đứa con nòi” của Nhân dân.

Do đó, xây dựng Đảng vững chắc nhất chính là bắt đầu từ xây dựng và chăm lo lòng Dân và sức Dân - cái gốc của Đảng. Nếu xứng đáng như thế thì lo gì Nhân dân không kiên quyết bảo vệ “đứa con nòi” của mình, không tiếp thêm nguồn sức mạnh, để Đảng gánh tròn trọng trách lịch sử mà Nhân dân tin cậy và giao phó. Mất lòng Dân là mất hết! Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, chúng ta không thể không xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách kiên quyết và toàn diện ngang tầm văn hóa. Sống trong lòng Nhân dân, nương tựa vào Nhân dân mà sống và làm việc, chịu sự giám sát và thành tâm lắng nghe góp ý của Nhân dân, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. Tôn trọng, tin cậy mọi sự khác biệt và tất cả trở nên thống nhất từ trong Đảng và hệ thống chính trị tới toàn xã hội bằng tình đồng chí thân ái, nghĩa đồng bào thương yêu và tin cậy lẫn nhau. Vị thế, lương tâm, phẩm giá của mỗi đảng viên trong công việc chính là ở chỗ này!

Trọng trách đó càng đòi hỏi Đảng tiên phong về thực thi và phát triển mục tiêu XHCN bất biến của đất nước, bắt đầu từ vun đắp và bảo vệ vô điều kiện nguồn gốc sinh thành của Đảng ta.

Sự phát triển cao nhất của chính trị lúc này chính là đạo đức, vì lúc này, đạo đức chính là chính trị. Đảng ta là đạo đức, là văn minh là như thế! Xây dựng, chỉnh đốn đạo đức trong Đảng, trước hết phải xây dựng đạo đức từ mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức đảng hiện diện bằng hành động đạo đức, nhân cách văn hóa của từng cán bộ, đảng viên, uy tín và hiệu quả hoạt động của từng tổ chức đảng ở tất cả các cấp. Đó cũng chính là đòi hỏi sự phát triển tự nhiên và tất yếu của văn hóa, trực tiếp là văn hóa chính trị hiện nay. Phi đạo đức nghĩa là chà đạp lên chính trị và rốt cuộc là phi chính trị. Kinh nghiệm từng cho thấy: Khi luật pháp trở nên bị khinh nhờn, đạo đức bị buông thả; và ngược lại và khi đó chính trị có nguy cơ băng hoại. Đó cũng chính là sự thất bại về văn hóa.

Phi đạo đức chính là phi đạo lý, phi văn hóa, là chà đạp lên pháp lý và làm băng hoại chính trị. Và, tri thức sẽ trở nên tàn ác, nếu mục tiêu chính trị không có đạo đức, thiếu văn hóa, thậm chí phi văn hóa và phản văn hóa.

Lịch sử và Nhân dân đòi hỏi: Đảng phải thật sự vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân, vừa “là con nòi” của dân tộc Việt Nam.

*

*     *

Kinh nghiệm chính trị đất nước và chính trị thế giới tối thiểu 200 năm qua, nhất là 50 năm nay, xác tín: Thiếu tầm nhìn, tức là văn hóa, sẽ nhất định mất phương hướng và đổ vỡ về chính trị và thất bại về phát triển quốc gia là khó tránh khỏi.

Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng (Ảnh: TTXVN)

Trọng trách lịch sử hiện nay đòi hỏi Đảng tiên phong về trí tuệ trong tầm nhìn chiến lược mang tính nguyên tắc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ ngang tầm trọng trách lịch sử giao phó và khát vọng của Nhân dân. Hành trình trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, thời khắc này, hơn bao giờ hết, càng đòi hỏi chúng ta về tầm nhìn chiến lược xa rộng và biện chứng; về sự trung thành và sáng tạo trong bảo vệ và thực thi những nguyên tắc; về sự nhạy bén, tỉnh táo, sâu sắc và toàn vẹn trong mỗi quyết sách; về tính nhân văn, linh hoạt và tinh tế trong mỗi bước đi… mà vấn đề cơ bản nhất, sinh tử nhất xuyên suốt và bao trùm mọi suy nghĩ và hành động của Đảng là, giữ vững vô điều kiện nguyên tắc bất di bất dịch: Cùng toàn thể dân tộc bảo vệ bằng mọi giá vị thế độc lập của đất nước, sự toàn vẹn lãnh thổ mấy nghìn năm, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và lợi ích vô giá của dân tộc, của đất nước và hạnh phúc của Nhân dân ta, dù trong bất cứ điều kiện, tình huống nào.

Đó là tư thế,nhãn quan và cũng là liêm sỉ danh dự của mỗi đảng viên! Ai làm trái đi là vong ân với lịch sử, là hổ thẹn với ông cha; là tự chuốc lấy họa sát thân, là lâm vào sự suy thoái, là rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, tiêu cực và đi ngược lại mục tiêu hoạt động của Đảng vì khát vọng hạnh phúc của Nhân dân. 

Mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước là mối quan hệ giữa lãnh đạo chính trị và quản lý đất nước, giữa định hướng chính trị và quản trị quốc gia, thông qua các đảng viên của Đảng, các tổ chức đảng trong bộ máy nhà nước. Hơn lúc nào hết, vai trò của Nhà nước, lúc này có thể nói là, kiến tạo phát triển và quản trị quốc gia, trên nền tảng pháp luật không ngừng được hoàn thiện phù hợp với đất nước, với thông lệ và luật pháp quốc tế. Theo đó, Nhà nước đổi mới không ngừng nền hành chính và công vụ quốc gia phụng sự Nhân dân; đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật. Ở đây, chìa khóa của “lòng Dân” là dân chủ, mà cốt yếu nhất là “làm sao cho Dân được mở miệng” mà không sợ hãi. Do đó, pháp luật phải thật sự là “bà đỡ” của dân chủ. Mặt khác, xây dựng bộ máy công quyền ưu tú luôn đề cao tính công khai, minh bạch, dân chủ và chịu trách nhiệm hoạt động hiệu lực, hiệu quả và trực tiếp nâng tầm nhìn và lòng tin của Nhân dân. Và, đó cũng chính là đòi hỏi của Nhân dân đối với Nhà nước của mình. Đồng thời, hết sức cảnh giác, ngăn chặn bằng pháp luật nguy cơ cấu kết giữa một bộ phận các nhà chính trị suy thoái trong bộ máy nhà nước với giới chủ và những người nắm tài chính quốc gia, hình thành các nhóm lợi ích làm khuynh đảo nền chính trị, kinh tế và xã hội đất nước và hạnh phúc của Nhân dân. Đây chính là sự phản văn hóa.

Hiện nay, hơn lúc nào hết, dưới bất cứ góc nhìn nào, đều đòi hỏi tư duy chiến lược về phát triển, hoạch định chính sách phát triển của Đảng đều phải tự nó hàm chứa và thấm đẫm yếu tố đạo đức và văn hóa. Mọi quyết sách của Đảng về sự phát triển đất nước tự nó phải mang tính chính trị và văn hóa trước khi là một quyết sách về kinh tế hay phát triển công nghệ đơn thuần. Phát triển kinh tế - xã hội vừa phải được định hướng chính trị, vừa được bảo đảm bởi sức mạnh đạo đức và văn hóa. Đó là yêu cầu tất yếu của mục tiêu phát triển đất nước bền vững. Đến lượt nó, đạo đức, văn minh là yếu tố làm nên sức mạnh văn hóa chính trị của Đảng, tỏa sáng sự hấp dẫn của Đảng đối với Nhân dân, bạn bè, đồng chí quốc tế và làm cho Đảng trở thành một Đảng chân chính, cách mạng và nhân văn.

Thực tế cho thấy, không một đảng cầm quyền nào có thể đứng vững được khi cơ sở xã hội - chính trị của đảng suy yếu, khi mất lòng Dân, đặc biệt khi khi sự bạc nhược, suy đồi về đạo đức, về lối sống lộng hành, nhất là ở những cơ quan lãnh đạo và những người giữ trọng trách trong Đảng và hệ thống chính trị. Suy thoái về đạo đức, lối sống nhất định sẽ mất khả năng tự đề kháng, tự rơi vào mục ruỗng, băng hoại tư tưởng, chính trị và tổ chức, tất yếu lâm vào những biến dạng về tư tưởng và hành động chính trị và sự phân liệt, rã rời về tổ chức. Vì thế, lý tưởng chính trị của Đảng phải quyện trong đạo đức, trở thành đạo đức chính trị của Đảng; đến lượt nó, đạo đức của Đảng cũng chính là mục tiêu chính trị và văn hóa chính trị hành động của Đảng.

Lòng dân đồng thuận và ủng hộ Đảng và Nhà nước là tài sản vô giá của cách mạng, là thước đó sức mạnh và uy tín văn hóa của Đảng đối với Nhân dân!   

Đảng phải thực sự trong sạch về đạo đức, tầm nhìn xa rộng về chính trị, sâu sắc về trí tuệ, vững mạnh về tổ chức và cán bộ. Nếu chỉ dừng lại ở nhận thức, tri thức về đạo đức, tự thân nó không bao hàm đầy đủ các vấn đề đạo đức trong Đảng và trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhân tố quyết định thành công mục tiêu chính trị là ở đạo đức hành động và hành động đạo đức mang tầm văn hóa. Không đặt vấn đề đó một cách xứng đáng và ngang tầm trong toàn bộ và chỉnh thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhất định rơi vào buông lỏng, thậm chí xa rời chính trị, lãng quên văn hóa. Nếu lơ là hoặc xem nhẹ đạo đức hoặc đồng nhất một cách giản đơn với chính trị, tư tưởng là chưa đủ tầm, thậm chí thiên lệch, như thế sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Hợp quy luật và hợp lòng Dân - đó là bài học vô giá quyết định sự thành công công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng về pháp lý và đạo lý. Thước đo sự hiện diện và vai trò, trách nhiệm, sức mạnh và sự trưởng thành chính trị và nhân văn của mỗi đảng viên, của từng tổ chức đảng cũng chính là ở đây!

Lúc này hơn hết lúc nào, chính trị là đạo đức; và văn hóa chính lại là sự đòi hỏi chính trị ở đỉnh cao của sự phát triển của văn hóa mang tầm vóc chính trị.

Và, lịch sử và Nhân dân đòi hỏi Đảng phải thật sự xứng đáng là Đảng chân chính, cách mạng, thật sự “là đạo đức, là văn minh”.

*

*      *

Khi Đảng khẳng định, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tại Đại hội XII của mình, thì đó là một quyết sách chính trị chiến lược và mang tầm vóc văn hóa.

Nêu gương về đạo đức, mẫu mực và nghiêm khắc trong kiểm soát và tự kiểm soát quyền lực trên nền tảng pháp luật và những quy định trong Đảng phải là 2 trong những trọng trách then chốt hiện nay. Cần khắc sâu và cảnh báo: Trao quyền lực cho những người vô đạo đức không khác gì thả rông thú dữ vào xã hội, tức là phản văn hóa.

Nếu đồng nhất một cách giản đơn xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng với xây dựng Đảng về đạo đức, sẽ dẫn đến xem nhẹ vấn đề đạo đức trong Đảng, của Đảng. Một khi đạo đức trong Đảng yếu kém sẽ gây lệch lạc trong lãnh đạo chính trị, làm xáo trộn trong tư tưởng, phương hại tới lãnh đạo tổ chức của Đảng; và cũng dẫn đến nguy cơ làm phương hại xây dựng và phát triển văn hóa. Tầm nhìn chính trị của Đảng, vì thế có thể rơi vào thiển cận, ngắn hạn, cục bộ; trí tuệ chính trị của Đảng, do đó bị hạn hẹp, khiếm khuyết; tổ chức của Đảng có nguy cơ bị phân liệt, cát cứ, phá vỡ sự thống nhất… Tất cả điều đó khiến cho Đảng rơi vào nguy cơ khó còn là người lãnh đạo nữa, khó tiêu biểu là danh dự và là lương tâm của dân tộc trong xu thế vận động của thời đại.

Toổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội khóa XV sáng 15.1.2024 Ảnh: Trí Dũng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV sáng 15.1.2024 Ảnh: Trí Dũng

Khi Đảng trở thành một đảng cầm quyền, hơn thế nữa, lại cầm quyền trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế, thì không chỉ là tầm nhìn, trí tuệ, vấn đề đạo đức của Đảng, nhất là việc thực hành đạo đức chính trị là một vấn đề vừa mang tầm chiến lược vừa nóng bỏng và cấp bách. Nếu không nhận thức đúng, trúng và hành động một cách kiên quyết, ngang tầm văn hóa sẽ là thách thức sống còn, nguy cơ sinh tử đối với vị thế, vai trò lãnh đạo, trách nhiệm lịch sử của Đảng và sự tồn vong chế độ. Thiếu phương diện này sẽ khiếm khuyết và trở nên lệch lạc, mất cân bằng, thậm chí mất phương hướng về chính trị và văn hóa! Vì, khi quyền lực hành động thiếu đạo đức và quyền lực không được kiểm soát thì nguyên vẹn chỉ là sự tàn bạo. Khi đó, vị thế lãnh đạo, cầm quyền của Đảng không thể thống nhất với lợi ích của Đất nước và hạnh phúc của Nhân dân. Những điều đó tích tụ và phát tác tới mức độ nào đó, Đảng khó có thể “là đạo đức, là văn minh”, càng khó “là lương tâm, là trí tuệ, là danh dự của thời đại chúng ta” và càng khó tiếp tục xứng đáng “là đứa con nòi” của Nhân dân!

Sự suy thoái về đạo đức, lối sống, phong cách… của đội ngũ đảng viên tới mức nào đó sẽ làm băng hoại về chính trị, hỗn loạn về tư tưởng, rệu rã về tổ chức, rốt cuộc có thể làm băng hoại Đảng. Vì, sự suy thoái băng hoại về đạo đức nhất định dẫn tới sự suy thoái, băng hoại về chính trị, lỏng lẻo, thậm chí biến Đảng thành một tổ chức để "thăng quan phát tài", lợi ích cục bộ, như thế nhất định tan rã về tổ chức... Nghĩa là mất gốc từ đạo đức nói riêng và văn hóa nói chung. Đây phải là sự đòi hỏi phát triển không chỉ về đạo đức trong sự trưởng thành về chính trị, sự thống nhất về tư tưởng và sự tương dung về tổ chức và cán bộ mà sâu và rộng hơn là về văn hóa của Đảng, trong thực hiện sứ mệnh cầm quyền ngang tầm yêu cầu trọng trách lịch sử giao phó, Nhân dân lựa chọn và ủy thác. Văn hóa càng phải thấm sâu và soi đường cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Tới lượt mình, mỗi đảng viên phải là một nhân cách văn hóa. Như thế, Đảng mới có thể khẳng định đạo đức, văn minh, đoàn kết thống nhất và phát triển bản chất, sức mạnh và uy tín của mình ngang tầm đòi hỏi của lịch sử và xứng đáng với sự tin cậy của Nhân dân.

Lại càng rõ ràng, lịch sử và Nhân dân đòi hỏi: Đảng phải thật sự là danh dự và lương tâm của dân tộc trong thời đại hiện nay.

*

*       *

Ba tư chất đó là rường cột làm nên vị thế, phẩm giá, sức mạnh và uy tín của Đảng nói riêng và của hệ thống chính trị, làm nên văn hóa chính trị Việt Nam xứng đáng với kỳ vọng của Nhân dân, yêu cầu của lịch sử dân tộc và ngang tầm với khát vọng phát triển đất nước hùng cường trong tầm nhìn tới năm 2030 và năm 2045.        

Mất một thì Đảng nghiêng, mất hai thì Đảng nguy và mất cả ba thì Đảng tất bị biến chất và bị đe dọa mất, còn. 

#