ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang): Có nên yêu cầu thành lập tổ chức kinh tế khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa?

- Thứ Bảy, 04/11/2023, 19:35 - Chia sẻ

Trao đổi bên hành lang phiên thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) cho rằng, không nên yêu cầu phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức.

ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang): Có nên yêu cầu thành lập tổ chức kinh tế khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa? -0
ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang)

Về quy định điều kiện với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa tại khoản 7 Điều 45, đại biểu cho rằng, không nên quy định phải thành lập tổ chức kinh tế khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 177 của dự thảo Luật.

Thay vào đó, cần rà soát, quy định chặt chẽ về chế độ sử dụng đất trồng lúa. Và, người sử dụng đất phải bảo đảm tuân thủ các quy định về việc sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả, không để hoang hoá, lãng phí và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng cho rằng, quy định như vậy sẽ phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn.

Việc quy định thành lập tổ chức kinh tế làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, tăng chi phí tuân thủ pháp luật nhưng không thay đổi bản chất việc nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Tại Khoản 32, Điều 3 của dự thảo Luật quy định “lấn biển là việc sử dụng các giải pháp để mở rộng diện tích đất trong phạm vi từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm về phía biển thuộc vùng biển Việt Nam”. Với quy định này, hoạt động lấn biển sẽ chỉ được thực hiện trong khu vực biển.

Nhưng, trên thực tế, các dự án lấn biển đã và đang được thực hiện ở cả 3 khu vực đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển và khu vực biển. Do vậy, muốn thực hiện một dự án lấn biển sẽ phải thực hiện nhiều thủ tục khác nhau như: thực hiện thủ tục giao khu vực biển để lấn biển; thực hiện các thủ tục khác về đất đai đối với khu vực từ đường mép nước thấp nhất trung bình nhiều năm về phía bờ biển... Như vậy, sẽ phát sinh nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp; chưa đảm bảo nguyên tắc của pháp luật về đất đai là khuyến khích khai hoang, lấn biển.

Các nghị quyết của Đảng đã xác định mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn. Để thực hiện mục tiêu đặt ra, việc mở rộng không gian phát triển ra biển và đại dương là cần thiết, yêu cầu bắt buộc đối với nước ta, trong đó lấn biển là một trong những giải pháp cần thiết.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Việt Thắng, tán thành với quy định về hoạt động lấn biển tại Điều 191, dự thảo Luật là “nhà đầu tư có dự án đầu tư có hoạt động lấn biển đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thì được giao khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển cùng với giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư”. Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án lấn biển đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đồng thời, đại biểu cũng tán thành với phương án 1: giao Chính phủ quy định cụ thể dự án đầu tư có hoạt động lấn biển và các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có hoạt động lấn biển. Bởi, hoạt động lấn biển không chỉ thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai mà còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, môi trường, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và pháp luật khác có liên quan, vì vậy, cần có quy định mang tính đồng bộ. Phương án này chỉ quy định những nội dung mang tính nguyên tắc, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai và giao Chính phủ quy định để bảo đảm linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện.

Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ tháo gỡ được những vướng mắc hiện nay, đồng thời rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lấn biển, góp phần sớm đưa nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế, xã hội, thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án lấn biển, phát triển hạ tầng và mở rộng không gian phát triển.

Thanh Hải
#