Dành liều lượng phù hợp hơn cho những vấn đề nóng

LÊ BÌNH 07/05/2022 11:44

Tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2021,tình hình triển khai Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2022 sáng qua, các đại biểu ghi nhận những kết quả tích cực đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm. Điều này đòi hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ, phản ánh sinh động và toàn diện bức tranh kinh tế - xã hội.

Kinh tế phục hồi ở cả cung và cầu

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại Phiên họp cho thấy nhiều tín hiệu tích cực của nền kinh tế trong các tháng đầu năm 2022. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trong 3 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, GDP ước tăng 5,03% trong quý I.2022. Đáng chú ý, khu vực dịch vụ tăng 48%, gấp 1,5 lần so cùng kỳ các năm 2020, 2021, qua đó tạo niềm tin vào chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà tích cực cho các quý tới.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, trong 3 tháng qua, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, đặc biệt Nghị quyết số 18/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng đã góp phần giảm bớt áp lực tăng giá xăng dầu, thực phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Thị trường tài chính - tiền tệ cơ bản ổn định, duy trì mặt bằng lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ tích cực nhu cầu tín dụng cho sản xuất, kinh doanh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh được mở rộng và tình hình doanh nghiệp rất tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, với nhiều chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân, đối tượng chính sách được triển khai...

Thông qua các số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, các đại biểu tham dự phiên họp nhấn mạnh, với những nghị quyết, quyết định quan trọng được Quốc hội và Chính phủ ban hành trong thời gian qua, nền kinh tế nước ta đã phục hồi ở cả phía cung và cầu. Ở phía cung, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực - chuyên gia tham gia phiên họp, điểm nhấn là sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực công nghiệp, xây dựng, với mức tăng tương ứng là 6,38% và 7,79%, đóng góp 51,08% vào mức tăng trưởng chung; nông nghiệp duy trì trạng thái ổn định. Về phía cầu, điểm sáng là kim ngạch xuất nhập khẩu với thặng dư thương mại đạt mức khá.

Dù có nhiều kết quả tích cực, song Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành lưu ý, cần làm rõ thành tích về sự phục hồi mạnh mẽ về xuất khẩu của chúng ta có bao nhiêu là tăng về lượng, bao nhiêu tăng về giá. Bởi, diễn biến tăng cao của giá cả trên thị trường thế giới là một yếu tố giúp việc tăng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai, thu ngân sách tăng cao trong năm 2021 và trong quý I.2022 là một kết quả tích cực trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tạo nguồn lực quan trọng để triển khai các chính sách an sinh xã hội, phục hồi kinh tế trong thời gian tới. Nhưng việc thu ngân sách vượt dự toán cũng đòi hỏi phải xem xét lại khâu lập dự toán ngân sách hàng năm.

Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, dự toán thu ngân sách năm 2021, năm 2022 được xây dựng khi diễn biến dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp đòi hỏi Chính phủ, Bộ Tài chính phải thận trọng trong xác định chỉ tiêu này, kéo theo đó các địa phương cũng thận trọng khi xây dựng dự toán năm. Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định, thu ngân sách vượt dự toán có nguyên nhân từ việc một số khoản thu tăng đột biến và việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế.

Đề cập thực chất tình hình “sốt nóng” ở thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...

Ghi nhận những kết quả rất tích cực trong “bức tranh” kinh tế, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan đề nghị, Báo cáo của Chính phủ cần quan tâm đề cập sâu hơn một số vấn đề xã hội nổi lên trong những tháng qua. Ví dụ, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ hiện đạt 2,61%, đồng nghĩa có nhiều lao động chưa có bằng cấp, chứng chỉ - điều này đặt ra thách thức khi thực hiện chuyển đổi số. Tỷ lệ rút bảo hiểm xã hội một lần cao cũng cần được phân tích thấu đáo, vì số tiền rút bảo hiểm xã hội một lần trong 3 tháng qua chiếm ½ mức bình quân các năm trước. “Điểm đáng lưu ý là trong những người rút bảo hiểm một lần có tỷ lệ không nhỏ là lao động trẻ, đặt thách thức khi sửa đổi chính sách an sinh xã hội, cũng như thực hiện các mục tiêu liên quan của Đảng, Nhà nước”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh.

Việc chậm triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia - vấn đề được nêu ra tại phiên giải trình của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về đầu tư công, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chiều 27.4, tiếp tục được các thành viên Ủy ban Kinh tế phân tích, làm rõ. Theo các đại biểu, tình trạng này có nguyên nhân do thông tư của các bộ, ngành đang còn “nợ”, khiến đã gần qua nửa năm 2022, mà các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được triển khai cụ thể. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đau đáu vì “nhiều chính sách quan trọng được Quốc hội quyết định, nhưng đến nay người dân vẫn chưa được nhận”, đòi hỏi Chính phủ phải dành dung lượng phù hợp để báo cáo kết quả thực hiện, xác định giải pháp phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh đã được kiểm soát.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh và nhiều đại biểu cũng đề nghị, Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung việc thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2021 cần thêm liều lượng đề cập một cách thực chất tình hình “sốt nóng” ở thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, giá đất đai… Như phân tích của Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam, thời gian qua, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khối lượng lớn của một số tập đoàn khiến các nhà đầu tư cá nhân lo ngại về việc trả trái phiếu, trả tiền cho người mua. Thực tế này đòi hỏi phải nhìn nhận lại cách quản lý của Chính phủ với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Cụ thể, Bộ Tài chính cần rà soát lại Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ (quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán ra thị trường quốc tế - PV), không chỉ đưa tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp, cần xem kỹ về phương án sử dụng vốn đầu tư, ý chí trả nợ của doanh nghiệp…, bảo đảm đây vẫn là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, song vẫn giữ an toàn cho hệ thống, Ủy viên Thường trực Nguyễn Hải Nam đề nghị.

Ghi nhận các ý kiến, đề xuất và lưu ý của các đại biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cam kết sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện báo cáo chính thức của Chính phủ về nội dung này.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dành liều lượng phù hợp hơn cho những vấn đề nóng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO