Cuốn sách này được Quốc hội và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thực hiện trong vòng một năm. Để chuẩn bị tư liệu xây dựng cuốn sách này, Nhà xuất bản và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức khảo sát tổng thể các bài viết, bài phát biểu, lược ghi các ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn và sưu tầm ảnh các hoạt động của Tổng Bí thư từ rất nhiều nguồn khác nhau.
Qua khảo sát tư liệu thì mới thấy, không chỉ đến khi giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội mới có nhiều bài viết về Quốc hội và vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, mà ngay từ đầu những năm 1990, Tổng Bí thư đã có những bài viết rất sâu sắc đăng trên các báo và tạp chí về đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội.
Đọc các bài viết, bài nói, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư chúng tôi cảm nhận được sự trăn trở, quan tâm sâu sắc, toàn diện của Tổng Bí thư đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và những vấn đề mà cử tri quan tâm, để làm thế nào đó Quốc hội hoạt động ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thật sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Dước góc độ của một người được trực tiếp tham gia vào quá trình biên tập và xuất bản cuốn sách, tôi thấy cuốn sách có các điểm đặc sắc:
Một là, bạn đọc sẽ thấy rõ vai trò to lớn của Quốc hội cả trong lịch sử và giai đoạn hiện nay; chủ trương, đường lối của Đảng và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; thấy rõ những kết quả cụ thể đạt được trên từng mặt tổ chức, hoạt động của Quốc hội và hạn chế, bất cập; những yêu cầu đặt ra và những nhiệm vụ chủ yếu trong việc nâng cao năng lực tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới.
Hai là, đọc xuyên suốt các bài thì mới thấy, Tổng Bí thư không chỉ quan tâm đến vấn đề xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam gắn với đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, mà Tổng Bí thư còn còn quan tâm đến những vấn đề cụ thể nhưng rất quan trọng và đây cũng là những dấu ấn của Tổng Bí thư trên cương vị Chủ tịch Quốc hội hơn một nhiệm kỳ như: những chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư đối với việc sửa đổi Hiến pháp; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn của Quốc hội; rồi vấn đề ngoại giao nghị viện với việc phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới của Việt Nam sau hơn 11 năm đàm phán.
Ba là, một trong những điểm đặc sắc nữa là trong hầu hết các bài, Tổng Bí thư luôn căn dặn các đại biểu Quốc hội như: “Dù ở cương vị công tác nào, cũng cần ý thức đầy đủ về quyền hạn và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; thực hiện tốt chương trình hành động, thường xuyên liên hệ với cử tri; lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri; chịu sự giám sát của cử tri; tích cực, chủ động đóng góp công sức, trí tuệ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội”.
“Là đại biểu của nhân dân thì đại biểu Quốc hội phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của cử tri, của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân tin tưởng, giao phó”.
Những lời cặn dặn đó, đối với các đại biểu Quốc hội, tôi nghĩ là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.