SỬA ĐỔI NỘI QUY KỲ HỌP QUỐC HỘI

Cụ thể hóa nội dung cải tiến, đổi mới

- Thứ Sáu, 13/05/2022, 05:53 - Chia sẻ

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) tại phiên họp sáng qua, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp phải cụ thể hóa những vấn đề về cải tiến, đổi mới công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, về quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng đắn và phù hợp trong việc tổ chức kỳ họp (cả thường lệ và bất thường) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp, đáp ứng kịp thời hơn yêu cầu thực tiễn, nhất là trong điều kiện chưa kịp sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan.

Tổng kết, đánh giá kỹ quy định hiện hành

Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) cho biết, sau hơn 6 năm thi hành, Nội quy Kỳ họp Quốc hội năm 2015 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung.

Cụ thể, Luật Tổ chức Quốc hội và nhiều luật khác đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội nên cần sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Nội quy để bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của đảng tại Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của đảng. Một số điều, khoản tại Nội quy năm 2015 không còn phù hợp với thực tiễn, trong quá trình hoạt động, nhất là từ năm 2016, Quốc hội đã có những cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp. Qua thực tiễn kiểm nghiệm, được đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao nên cần được xem xét để bổ sung quy định trong Nội quy nhằm bảo đảm tính pháp lý.

Trên cơ sở thực tiễn thực hiện và quán triệt quan điểm, mục đích sửa đổi, bổ sung Nội quy, Ban soạn thảo đề xuất 25 vấn đề mới để sửa đổi, bổ sung Nội quy năm 2015 (trong đó bổ sung 6 điều, sửa đổi 43 điều và kế thừa nguyên văn 13 điều như quy định hiện hành). Những nội dung sửa đổi, bổ sung này đã được tổng kết thi hành và đánh giá tác động cụ thể trong các tài liệu kèm theo hồ sơ dự thảo Nghị quyết.

Sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp lần này nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp nói chung; đáp ứng kịp thời hơn yêu cầu thực tiễn, nhất là trong điều kiện chưa kịp sửa đổi, bổ sung các quy định khác có liên quan. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nêu rõ, yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội theo hướng ngày càng dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả đặt ra nhiệm vụ cần rà soát các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, nhất là tại kỳ họp Quốc hội. Kỳ họp Quốc hội là một trong những phương thức quan trọng, quyết định hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm một số vấn đề để hoàn thiện dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Tán thành quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu một số vấn đề: “Chúng ta nói là bây giờ phải mở rộng dân chủ, thực tế thì từ trước đến nay nội quy này đã thể hiện việc này như thế nào và định hướng của việc mở rộng dân chủ tới đây ra sao?”. Hay nói đến chuyên nghiệp và hiện đại, thế nào là chuyên nghiệp, thế nào là hiện đại? Nói đến vấn đề chủ động và thích ứng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tính thích ứng bao gồm nhiều vấn đề chứ không phải chỉ có vấn đề Covid, ví dụ: cuộc sống yêu cầu cần phải họp bất thường thì họp bất thường, khoa học - công nghệ như nào thì thích ứng theo; dịch bệnh, chiến tranh hay hòa bình thì kỳ họp đều có thể diễn ra phù hợp với tình hình cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tổng kết, đánh giá kỹ các quy định của Nội quy hiện hành để có định hướng sửa đổi, bổ sung Nội quy đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cách viết, lập luận, câu chữ trong dự thảo Nghị quyết phải chính xác, dễ hiểu, lập luận chặt chẽ, rõ ràng.

Không nên giảm thời gian phát biểu của đại biểu

Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết, hiện nay, có 6 vấn đề còn ý kiến khác nhau gồm: thời hạn gửi hồ sơ tài liệu đến cơ quan thẩm tra; thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể; tăng cường vai trò của Chủ tọa, người điều hành phiên họp; trách nhiệm trình, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý các dự thảo nghị quyết về nhân sự; giải trình ý kiến ở Tổ trước phiên thảo luận tại hội trường; trình tự thông qua Nghị quyết thành lập hội đồng bầu cử quốc gia.

Trong đó, về thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể, Tờ trình đề nghị vẫn giữ quy định thời gian phát biểu là 7 phút như Nội quy hiện hành để đại biểu Quốc hội có thể trình bày thấu đáo quan điểm của mình. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định thời gian phát biểu là 5 phút, vì đây là đổi mới đã được áp dụng tại nhiều kỳ họp trong nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, đã giúp cho mỗi phiên họp có nhiều đại biểu Quốc hội được phát biểu hơn.

Nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với đề xuất trong Tờ trình và đề nghị nên quy định một số tiêu chí để làm rõ trong trường hợp cần thiết, Chủ tọa phiên họp có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả thảo luận. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, không nên giảm thời gian phát biểu của đại biểu xuống 5 phút vì quá ngắn, không đủ thời gian để đại biểu trình bày hết quan điểm. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề xuất, thay vì quy định giao cho người điều hành có thể tùy theo số lượng đại biểu đăng ký để giảm xuống 5 phút, đối với những đại biểu đăng ký phát biểu sau nhưng không đủ thời gian nữa thì đại biểu nộp văn bản chuẩn bị trước nội dung phát biểu cho đoàn thư ký kỳ họp.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh thấy rằng, đại biểu có rất nhiều cơ hội để tham gia phát biểu, bày tỏ chính kiến đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội xem xét, như tại các phiên họp của Ủy ban, thảo luận tại tổ trong thời gian diễn ra kỳ họp... Nhấn mạnh việc có nhiều tầng nấc để đại biểu tham gia cho ý kiến về các vấn đề ở Quốc hội, không chỉ ở hội trường, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, không nên vì để cho nhiều người được phát biểu mà quy định giảm bớt thời gian phát biểu của đại biểu đi vì như vậy sẽ không bảo đảm chất lượng ý kiến phát biểu của đại biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, quyền của đại biểu là được phát biểu trên nghị trường nhưng nếu không có quy định cụ thể thì chủ tọa không điều hành được. Đối với những phiên họp quan trọng, ví dụ như thảo luận về kinh tế - xã hội thì các tỉnh đều mong muốn phát biểu tiếng nói của vùng mình. Vì vậy, nên bố trí cho hợp lý, hài hòa nhằm tránh việc một địa phương được phát biểu nhiều còn các địa phương khác không có cơ hội lên tiếng. đối với những phiên họp chuyên đề, chuyên sâu thì nên ưu tiên cho các đại biểu có am hiểu chuyên môn sâu trong vấn đề, nội dung được thảo luận.

“Thực tế vừa rồi, qua thảo luận về các gói cứu trợ hoặc liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, chúng tôi luôn ưu tiên cho các đại biểu công tác trong ngành y tế phát biểu để cung cấp các thông tin”. Dẫn chứng từ kinh nghiệm thực tế trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ quan điểm phải giao cho người điều hành có quyền được phân bổ thời gian phát biểu của đại biểu. Theo phó Chủ tịch Quốc hội, nên thống nhất quy định thời gian phát biểu của đại biểu tối đa là 7 phút và trong thực tế điều hành, chủ tọa cố gắng tạo điều kiện cho các đại biểu có cơ hội phát biểu, bày tỏ chính kiến.

NHẬT AN