Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022:

Còn lãng phí và chậm trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công

- Thứ Năm, 11/05/2023, 17:39 - Chia sẻ

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, nhận thức, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương được nâng lên ngay trong quá trình Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, tình trạng lãng phí còn xảy ra ở mức độ khác nhau, đặc biệt trong quản lý ngân sách, đầu tư công, mua sắm, quản lý đất đai, tài sản công...

Còn lãng phí và chậm trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công -0
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đây là thực tế được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẳng thắn chỉ ra khi cho ý kiến với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 tại phiên họp sáng 11.5.

Chưa hoàn thành việc phân bổ, giao vốn Kế hoạch đầu công trung hạn 2021-2025

Năm 2022, trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch điều hành phù hợp với tình hình thực tế; quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực nhằm huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả các nguồn lực đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế-xã hội, phát triển bền vững; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ: Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 có nhiều chuyển biến, nhận thức, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương được nâng lên ngay trong quá trình Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” cũng như sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 và Nghị quyết số 74/2022/QH15 đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tính riêng về số lượng định mức, tiêu chuẩn, chế độ được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung kịp thời cho thấy sự tăng lên đáng kể, là cơ sở quan trọng để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thống kê cho thấy, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành, sửa đổi, bổ sung 7.465 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới quy chuẩn, tiêu chuẩn, chế độ, định mức. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 9.955 văn bản; hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 2.665 văn bản về định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Một số Bộ đã tích cực, chủ động làm tốt công tác này, như: Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành 8 Thông tư, cùng với 2 Thông tư ban hành trước đó nâng tổng số định mức kinh tế - kỹ thuật được quy định lên 32 nhóm dịch vụ với trên 200 dịch vụ thuộc các lĩnh vực năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thông tin thống kê, thư viện khoa học công nghệ. Bộ Giao thông Vận tải rà soát, xây dựng 171 định mức chuyên ngành; các đơn vị thuộc Bộ ban hành 59 văn bản, sửa đổi, bổ sung 90 văn bản quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ ngành...

Còn lãng phí và chậm trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công -2
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Dẫu vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định, được thẳng thắn nêu rõ trong báo cáo của Chính phủ và thể hiện ở 9 nhóm tồn tại, hạn chế, lãng phí trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Trong đó, có tồn tại, hạn chế không mới đã được nêu ra trong báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí những năm trước và trong năm 2022 tiếp tục lặp lại.

Một trong những tồn tại, hạn chế đó là công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao. Cụ thể, việc phân bổ, giao vốn Kế hoạch đầu công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành, đến Kỳ họp thứ Năm tới đây, Chính phủ vẫn trình Quốc hội phân bổ, điều chỉnh kế hoạch này. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, nếu loại trừ khoản giải ngân kế hoạch vốn địa phương giao tăng thêm từ nguồn vượt thu, thì tỷ lệ giải ngân còn thấp hơn số Chính phủ đã báo cáo. Còn 31/51 Bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân dự án có vốn nước ngoài chỉ đạt 42,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đáng chú ý, mặc dù Chính phủ đã quyết liệt triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, song kết quả còn hạn chế nhất là trong phân bổ vốn, dẫn đến lãng phí do nguồn lực không được sử dụng. Đến cuối tháng 8.2022, Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội danh mục, mức vốn đợt 1 và đến nay mới trình Quốc hội giao danh mục, mức vốn đợt 3 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ còn bất cập, kết quả không đạt như dự kiến, đến 31.12.2022, tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ chỉ đạt hơn 78,3 nghìn tỷ đồng (khoảng 26% tổng số vốn), chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp, đến cuối tháng 3.2023 mới đạt khoảng 327 tỷ đồng (bằng 0,82% nguồn lực bố trí).

"Còn nhiều hạn chế" và "vẫn rất chậm"

Như giải trình của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung tại phiên họp, thì về cơ bản Chính phủ đã cố gắng, quyết tâm để thực hiện các chính sách, trong đó có các dự án về đầu tư công trung hạn cũng như Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, giải ngân các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn tồn đọng, nhất là khoản hỗ trợ lãi suất 2%. Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, cố gắng có văn bản hướng dẫn kịp thời đôn đốc, nhưng quá trình hoàn thiện các thủ tục cũng như sự chuẩn bị của các bộ, ngành Trung ương đối với các dự án, nhất là trong khâu chủ đầu tư còn nhiều hạn chế..., vẫn còn rất chậm, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung thừa nhận.

Còn lãng phí và chậm trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công -1
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đồng tình và đánh giá cao báo cáo của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, “rất thẳng thắn và nêu được nhiều vấn đề”, ghi nhận cố gắng của Chính phủ trong chuẩn bị báo cáo, song Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, báo cáo của Chính phủ cần tập trung đánh giá rõ những ưu điểm nổi bật và cần thiết phải có biểu dương những nơi làm tốt, những nơi có chuyển biến. Chúng ta đánh giá, nhận thức, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương được nâng lên ngay trong quá trình Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí và sau khi Quốc hội ban hành hai Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về công tác này. Vậy thì, trong báo cáo của Chính phủ cần đánh giá xem chuyển biến trong nhận thức và hành động của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương là gì, và từ chuyển biến nhận thức và hành động đó thì kết quả thực hiện hai Nghị quyết của Quốc hội như thế nào?

Dẫn ví dụ từ lãng phí trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu vấn đề: Qua giám sát bước đầu chúng tôi thấy Nghị định 27 của Chính phủ và các thông tư vướng 339 vấn đề từ các địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 71 giao cho các bộ, ngành trả lời, giải quyết, hướng dẫn, đồng thời sửa đổi Nghị định 27, các thông tư, tiêu chuẩn, định mức, chế độ, thì đến nay đã làm tới đâu? “Tôi đề nghị trong báo cáo này cũng phải đánh giá mức độ lãng phí trong việc chậm triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia như thế nào?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý.

Qua báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và ý kiến tại phiên họp, trong phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc lãng phí, tình trạng lãng phí còn vi phạm, sai sót ở mức độ khác nhau, đặc biệt trong quản lý lĩnh vực ngân sách, đầu tư công, mua sắm, quản lý đất đai, tài sản công. Nhất là gần đây, như thừa nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp, thì nhiều thủ tục hành chính còn gây phiền hà, cản trở cho doanh nghiệp và người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Ví dụ như thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, như phản ánh của nhiều địa phương, cũng ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Chính phủ đề ra cho năm 2023 cũng như những đề nghị bổ sung của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh những yêu cầu cụ thể hơn với các giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, cần tiếp tục khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh ở các bộ, ngành và các địa phương cũng như việc mua sắm, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phần hóa. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn thiếu; khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp...

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách và ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm tới.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, thì lãng phí trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được chỉ ra tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách năm 2021 chưa được khắc phục, việc triển khai rất chậm, nhiều hạn chế, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình. 

Đến tháng 10.2022, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn của Trung ương và đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục phân bổ vốn, giao dự toán, phê duyệt kế hoạch chi tiết, thẩm định dự toán để tổ chức thực hiện. Tỷ lệ giải ngân rất thấp, ước đạt 7,88% với tổng kinh phí là 1.041,195 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn các địa phương tự cân đối là 1.028,8 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương là 12,395 tỷ đồng).

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chậm ở nhiều khâu: phê duyệt các chương trình thành phần; ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương; tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 của các địa phương; giao dự toán chi tiết nguồn kinh phí sự nghiệp...

Nguyễn Vũ
#