Cơ sở lý luận, thực tiễn quan trọng để Quốc hội hành động

- Thứ Ba, 19/09/2023, 06:06 - Chia sẻ

LÊ HỒNG HẠNH - Phó Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh

Là hoạt động được tổ chức thường niên, nối tiếp thành công rực rỡ của các Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2021 và 2022, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 tiếp tục được kỳ vọng góp phần giúp Quốc hội có thêm thông tin, cơ sở dữ liệu xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là tại Kỳ họp thứ Sáu sắp tới. Diễn đàn như cuộc tham vấn ý kiến Nhân dân quy mô, làm sáng tỏ cả lý luận và thực tiễn để Quốc hội, Chính phủ kiểm nghiệm, đánh giá chính sách đã ban hành; là tiền đề hoạch định các quyết sách tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Hình thức tham vấn ý kiến Nhân dân hiệu quả

Diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững" thu hút sự tham dự của hơn 500 đại biểu tại 58 điểm cầu trong nước và 4 điểm cầu quốc tế; quy tụ đông đảo đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến. Theo đánh giá, Diễn đàn đã góp phần tập hợp, bổ sung các luận cứ khoa học, thực tiễn, giúp Quốc hội, Chính phủ đưa ra các quyết sách quan trọng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung trong hai năm 2022 - 2023.

Cơ sở lý luận, thực tiễn quan trọng để Quốc hội hành động -0
Quang cảnh họp báo về Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023. Ảnh: Lâm Hiển

Những ý kiến thảo luận chính sách tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 chính là cơ sở lý luận, thực tiễn quan trọng góp phần để Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, để hỗ trợ kịp thời cho Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, quyết nghị nhiều chính sách quan trọng như miễn, giảm thuế, đầu tư phát triển y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là minh chứng điển hình.

Nghị quyết số 43 đi vào cuộc sống, vừa có tác động trước mắt, vừa có tác động lâu dài và nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của dư luận trong nước cũng như quốc tế. Các hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại bình thường chỉ sau 9 tháng thực thi. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Những quyết sách của Nghị quyết 43 cũng là “đòn bẩy” quan trọng để các địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022, làm tiền đề cho năm 2023.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, tình hình địa chính trị trên thế giới phức tạp. Thành công của Diễn đàn đã cung cấp các giải pháp để Quốc hội xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng, tạo cơ sở quan trọng thực hiện thắng lợi, khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách Nhà nước năm 2022, ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu đề ra.

 “Ngân hàng giải pháp” quyết định các vấn đề quan trọng

Với chủ đề: “Khơi thông nguồn lực, kiến tạo động lực mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững”, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 diễn ra trong bối cảnh quốc tế có những diễn biến phức tạp, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước có dấu hiệu chững lại, gặp phải những rào cản trên các lĩnh vực. Đây là dịp để làm rõ bối cảnh quốc tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa - kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi, phát triển của kinh tế thế giới; chính sách kinh tế của các nước lớn, các đối tác thương mại chính của Việt Nam và tác động đến Việt Nam; đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2023 và dự báo cả năm 2023; rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, các Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua.

Trên cơ sở đó, nhận diện các “nút thắt”, “rào cản” đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm các vấn đề của thị trường đầu vào - đầu ra của doanh nghiệp, rào cản đối với doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường tài chính - tiền tệ, lĩnh vực đầu tư công; các vấn đề về khoa học công nghệ, giáo dục, lao động, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp ứng phó. Đề xuất các giải pháp, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát triển, tận dụng cơ hội mới; làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong nguyên tắc, phương thức, cách thức điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với thời điểm tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 trước kỳ họp Quốc hội thường lệ cuối năm 2022, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 được tổ chức trước Kỳ họp thứ Sáu sẽ là “ngân hàng giải pháp” tạo tiền đề lý luận, thực tiễn để Kỳ họp quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Cùng với tiền đề cho Quốc hội hoạch định chính sách, các vấn đề nêu ra, thảo luận tại Diễn đàn cũng là căn cứ quan trọng giúp cho HĐND các cấp tham khảo, nhận định trúng bối cảnh, tình hình, chỉ ra các rào cản, “điểm nghẽn” để quyết định các mục tiêu, giải pháp sát trúng cho địa phương mình trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và hoàn thành kế hoạch 5 năm - Bà Nguyễn Thị Thùy, Phó trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh bày tỏ.

#