CHUYỆN BÊN LỀ NGHỊ TRƯỜNG

CHUYỆN BÊN LỀ NGHỊ TRƯỜNG

 - Nguyễn Hồng Vinh -

“Lần đầu tiên”
______

Trong phiếu tham khảo ý kiến các Tổng Biên tập, Phó tổng Biên tập, các nhà báo lão thành bình chọn 10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu của Quốc hội trong năm 2023 diễn ra ngày 27.12 vừa qua, tôi thấy có mấy sự kiện ghi cụm từ “Lần đầu tiên”, như: lần đầu tiên trong lịch sử 78 năm Quốc hội, Quốc hội đã tổ chức số lượng kỳ họp nhiều nhất trong năm (5 kỳ họp). Lẽ ra, theo quy định chỉ có hai kỳ họp mỗi năm, nhưng trước những vấn đề “nóng bỏng” của nền kinh tế - xã hội, Quốc hội cần bàn thảo, cho ý kiến để đi tới quyết sách kịp thời, chứ không thể mang tư duy “tuần tự nhi tiến”. Theo cách đặt vấn đề như vậy, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV; lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức thành công hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. Nếu đi sâu theo dõi quá trình thảo luận để thông qua, hoặc chưa thông qua một vài luật nào đó, cũng có thể kể ra nhiều chi tiết, nhiều quyết định mang ý nghĩa là “lần đầu tiên…”.
CHUYỆN BÊN LỀ NGHỊ TRƯỜNG
Quang cảnh Khai mạc Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV. Ngày 06.09.2023. Ảnh: Hồ Long
CHUYỆN BÊN LỀ NGHỊ TRƯỜNG -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. Ngày 15.09.2023. Ảnh: Hồ Long
Nhưng với tôi, việc Chủ tịch và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chủ trì cuộc họp để lắng nghe ý kiến các nhà báo góp ý bình chọn 10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu của Quốc hội trong năm 2023, thì đúng là lần đầu tiên, lãnh đạo Quốc hội thể hiện sự trân trọng trí tuệ của các nhà báo tâm huyết, đóng góp ý kiến xung quanh việc khẳng định những thành tựu nổi bật của Quốc hội trong năm. Một không khí cởi mở, dân chủ, cả hai phía hiểu nhau hơn, giúp các nhà báo tuyên truyền tốt hơn, thể hiện sinh động tinh thần Quốc hội của Dân, vì Dân. Trong đó, mỗi nhà báo trước hết với tư cách là một công dân, đã và đang dùng ngòi bút của mình đồng hành cùng Quốc hội trong mọi hoạt động.

“Điện cao thế, sao cao thế”?!
______

CHUYỆN BÊN LỀ NGHỊ TRƯỜNG -0
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa X

Tôi nhớ rất rõ, bên lề Kỳ họp Quốc hội Khóa X, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh cởi mở trò chuyện với một số nhà báo chung quanh việc ông đi tiếp xúc cử tri, hoặc đi nghiên cứu tình hình cơ sở có nhiều chuyện thú vị. Mỗi ý kiến, mỗi câu chuyện của cử tri đều mang đến cho người lãnh đạo những suy ngẫm trong việc hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách. Tôi nhớ mãi câu chuyện ông kể khi gặp gỡ cử tri ở tỉnh Hòa Bình, vào thăm một gia đình sống gần nhà máy thủy điện Hòa Bình. Sau khi nghe chủ hộ báo cáo về tình hình đời sống của chính gia đình và mấy hộ chung quanh, đều có chung một nỗi bức xúc là, ở gần nhà máy thủy điện, nơi đường dây cao thế chạy qua, mà các hộ vẫn chưa có điện sinh hoạt. Câu chuyện diễn ra rôm rả ở giữa sân, bỗng chủ nhà chỉ tay lên đường điện cao thế chạy qua nhà, nói dí dỏm: thưa Chủ tịch, “điện cao thế, sao cao thế”?!

Chủ tịch nắm tay tỏ sự cảm thông ý kiến chủ hộ và hứa sẽ giao chính quyền địa phương khắc phục ngay tình trạng đó.

“Chỉ coi văn mình...”
______

Năm 1992, trong chương trình nghị sự của Quốc hội, có nhiệm vụ thảo luận để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1980. Rất nhiều ý kiến đề cập các khía cạnh, góc nhìn cần sửa hay không sửa một số điều trong Hiến pháp cũ, làm không khí hội trường sôi nổi, cuốn hút hẳn lên. Sau mấy phiên thảo luận ở tổ và ở hội trường, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo thay mặt Đoàn Chủ tịch phát biểu ý kiến, làm rõ thêm Bản giải trình của Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội.
CHUYỆN BÊN LỀ NGHỊ TRƯỜNG -0
Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Minh Điền/TTXVN
Điềm tĩnh, mạch lạc, ông đề cập thêm một số ý kiến còn khác nhau, và cho rằng các ý kiến ấy nhìn từ cách tiếp cận nào đó, đều có lý. Trong tranh luận, có ý kiến khác nhau là bình thường. Ông đánh giá cao sự thẳng thắn, nói hết điều mình nghĩ, nhất là việc đề xuất các phương án để Quốc hội tham khảo, lựa chọn, nhưng ông cũng cho rằng, không nên coi ý kiến mình là duy nhất đúng. Nói đến đây, ông dừng lại khoảng nửa phút, rồi cười tủm tỉm và nói chậm rãi: Từ xưa, các cụ ta thật thâm thúy, đã có câu ngạn ngữ:“Chỉ coi văn mình…”. Nói đến đó, ông dừng lại, nhiều đại biểu cười vui khi hiểu ý ông.

“Bốn hay là Mấy…?
______

Giờ giải lao Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XI, bên hành lang, cuộc trò chuyện giữa một số đại biểu với nhóm phóng viên chuyên theo dõi Quốc hội diễn ra sôi động, thân tình. Một đại biểu Quốc hội cởi mở nói với tôi về bài tổng thuật phiên họp đầu tiên: “Tôi đã đọc kỹ bài viết của anh, nhưng có một chi tiết tôi băn khoăn, vì xưa nay ta thường nói lịch sử đất nước ta có bề dày 4000 năm, đúng như nhà thơ Tố Hữu nổi tiếng đã viết: “4000 năm ta lại là ta”, nhưng trong bài, anh lại ghi là “mấy ngàn năm”?”. Tôi giải thích: đúng là trước năm 1992, ta thường nói và viết như vậy. Nhưng đến năm 1992, trên cơ sở kết quả nghiên cứu khảo cổ và lịch sử, giúp Quốc hội có căn cứ khoa học để sửa lại Lời nói đầu của Hiến pháp 1992 cho chuẩn xác. Do đó, câu đầu tiên được ghi là: “Trải qua mấy ngàn năm lịch sử…”. Quốc hội thời đó cũng đã thảo luận kỹ Lời nói đầu và biểu quyết nhất trí cao điểm sửa đổi đó. Nhưng đại biểu chất vấn tôi cứ giãi bày tâm sự: tôi thích dùng 4000 năm để khẳng định lịch sử oanh liệt của dân tộc ta!

Hôm sau, vị đại biểu này gặp tôi phân trần: Tôi đã về tìm đọc lại Hiến pháp 1980 và 1992 rồi, cảm ơn nhà báo, đúng như bài viết!