Chú trọng tính kịp thời và đồng bộ

GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Chú trọng tính kịp thời và đồng bộ
Chú trọng tính kịp thời và đồng bộ -0
Ảnh: Hoàng Ngọc
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM, sự khác biệt rõ ràng nhất của việc giám sát triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia với các giám sát chuyên đề khác đó là tính kịp thời và đồng bộ. Kịp thời phát hiện những hạn chế, khó khăn cũng như sáng kiến, cách làm hay, mô hình tiêu biểu để áp dụng và nhân rộng, góp phần thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết đề ra.
Chú trọng tính kịp thời và đồng bộ -0
 Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Điện Biên

Lần đầu tiên tiến hành giám sát giữa kỳ

- Một nhiệm vụ rất quan trọng trong năm 2023 đó là, Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Là Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát, xin ông chia sẻ về trọng tâm của chuyên đề giám sát này?

- Như chúng ta đã biết, với tầm quan trọng của các Chương trình mục tiêu quốc gia, qua tổng hợp kiến nghị của cử tri và ý kiến của đại biểu Quốc hội, tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV đã biểu quyết thông qua Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Theo đó, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Trên cơ sở đó, ngày 14.6.2022, Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát với 33 thành viên là các đại biểu đại diện các cơ quan của Quốc hội, một số bộ, ngành và đại biểu đại diện một số địa phương. Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm Phó Trưởng đoàn Thường trực; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế làm Phó trưởng đoàn.

Chú trọng tính kịp thời và đồng bộ -0

Để chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho việc giám sát, ngày 24.11.2022, Đoàn giám sát đã ban hành Kế hoạch chi tiết, để xác định cụ thể những nội dung trọng tâm.

Trong đó, trước tiên sẽ đánh giá toàn diện, khách quan việc phân công trách nhiệm chủ trì, phối hợp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan; làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân (khách quan, chủ quan) của tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện và sự phối hợp, lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ hai, làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành của các cấp, các ngành, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định trong các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ ba, qua hoạt động giám sát, Quốc hội xem xét, đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để vận hành, tổ chức thực hiện Chương trình.

Thứ tư, phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục tồn tại, hạn chế; điều chỉnh, xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn tiếp theo.

- So với các chuyên đề giám sát được Quốc hội tiến hành, thì chuyên đề giám sát lần này có điểm gì nổi bật, thưa ông?

- Đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành một chuyên đề giám sát mang tính tổng hợp việc thực hiện cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và được tiến hành giữa kỳ (giai đoạn 2021 - 2025), đồng thời đây cũng là chuyên đề có phạm vi giám sát rất rộng, liên quan nhiều đối tượng, nhiều luật. Điều này đặt ra những yêu cầu mới đối với nội dung và phương thức tiến hành giám sát, đòi hỏi việc chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung là hết sức quan trọng. Sự khác biệt rõ ràng nhất so với các cuộc giám sát khác, đó là tính kịp thờiđồng bộ.

Qua giám sát để kịp thời phát hiện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân khách quan, chủ quan của những hạn chế, vướng mắc; từ đó kịp thời kiến nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh, khắc phục những tồn tại, vướng mắc; đồng thời kịp thời phát hiện những sáng kiến, cách làm hay, mô hình tiêu biểu để áp dụng và nhân rộng, góp phần thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết đề ra.

Việc chuẩn bị từ sớm, từ xa cùng với kịp thời điều chỉnh, khắc phục những hạn chế sẽ góp phần hoàn thiện đồng bộ hơn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. 

Chú trọng tính kịp thời và đồng bộ -0
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm dẫn đầu Đoàn công tác của Trung ương khảo sát về việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc tại Đắk Lắk

Thực hiện công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân

- Một trong những vấn đề được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chỉ ra trong thời gian qua, đó là tiến độ triển khai cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đều chậm. Đây có phải là nguyên nhân căn bản để Quốc hội quyết định giám sát chuyên đề này hay không, thưa ông? 

- Các Chương trình mục tiêu quốc gia có vai trò quan trọng, có ý nghĩa chính trị xã hội và nhân văn sâu sắc, luôn nhận được sự đồng tình và đón nhận của nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc, với niềm tin và quyết tâm cao. Đó là khi Chương trình được triển khai thực hiện sẽ hướng tới những mục tiêu toàn diện: khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giảm nghèo bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia...; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Chú trọng tính kịp thời và đồng bộ -0
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo Đảng và Nhà nước với Đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số Khóa XV. Ảnh Hoàng Ngọc

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc triển khai các Chương trình đang còn chậm, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến tháng 10.2022 mới cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn và phân bổ vốn của các Chương trình đã ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, không phát huy được hiệu quả vốn đầu tư năm 2021 - 2022 như mục tiêu, đồng thời cũng dẫn đến khó hoàn thành các mục tiêu của Chương trình theo Nghị quyết của Quốc hội. Hiện rất nhiều chương trình, chính sách phải dừng thực hiện do đã lồng ghép vào các Chương trình mục tiêu quốc gia gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.

Chú trọng tính kịp thời và đồng bộ -0

- Cử tri và nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có thể kỳ vọng gì từ chuyên đề giám sát này, thưa ông?

- Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng, cuộc giám sát sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp. Thông qua giám sát, nhằm tiếp tục hoàn thiện, đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn của Trung ương và địa phương để việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn. Bảo đảm các Chương trình mục tiêu quốc gia được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất.

 Chương trình mục tiêu quốc gia cần được thực hiện bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.

Phân quyền, phân cấp mạnh cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.

Thúc đẩy huy động và đa dạng hóa nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, ưu tiên phân bổ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong thực hiện Chương trình; huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

 Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình. Phòng, chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện Chương trình. Đặc biệt là có sự tham gia kiểm tra, giám sát của cộng đồng, người dân.

Chúng tôi cũng mong muốn nhận được những phản ánh, góp ý, kiến nghị chân thực, trách nhiệm, thẳng thắn của cử tri và nhân dân về việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tới Đoàn giám sát, góp phần bảo đảm thành công cuộc giám sát.

 - Xin trân trọng cảm ơn ông!

HOÀNG NGỌC thực hiện