"Chọn phương án nào cũng phải bảo đảm an sinh xã hội lâu dài!"

- Thứ Tư, 20/09/2023, 06:59 - Chia sẻ

Cùng với năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội là nhóm chủ đề được các đại biểu tập trung bàn thảo trong phiên chuyên đề 2 của Diễn đàn. Nhiều giải pháp về phát triển nhà ở xã hội, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần được đưa ra với quan điểm chọn phương án nào cũng phải bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội ĐẶNG THUẦN PHONG:
Chính sách bảo hiểm phải thực sự thu hút người lao động

Rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề lớn, nhạy cảm, nếu không khéo sẽ gây bất ổn xã hội.

Ông Đặng Thuần Phong. Ảnh Hồ Long

Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chính phủ trình 2 phương án. Phương án 1 như luật hiện hành cho phép rút, nhưng khi luật sửa đổi có hiệu lực sẽ không được rút; phương án 2 là cho rút 50% số tiền người lao động đã đóng. Phương án nào cũng có ưu điểm, nhược điểm và cần đánh giá thật kỹ. Thực tế, khi tham vấn người lao động có rất nhiều ý kiến khác nhau về các phương án này.

Quan điểm của Ủy ban Xã hội (với tư cách là cơ quan thẩm tra - PV) là dù chọn phương án nào mục đích cũng phải là bảo đảm an sinh xã hội lâu dài. Ủy ban sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, nghiên cứu thấu đáo để tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho chính sách mới về rút bảo hiểm xã hội một lần.

Chính sách bảo hiểm xã hội phải thực sự thu hút, giữ chân người lao động! Ngoài giải pháp trực tiếp là sửa Luật Bảo hiểm xã hội, cần có các giải pháp gián tiếp như có cơ chế tín dụng để người lao động dễ dàng tiếp cận trong lúc khó khăn, hoặc có chính sách để tạo việc làm ổn định vì khi đó người lao động sẽ không có lý do gì phải rút bảo hiểm xã hội một lần.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội NGUYỄN VĂN HỒI:
Tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội

Rút bảo hiểm xã hội một lần là thực trạng rất day dứt. Trong giai đoạn 2016 - 2022, số người rút bảo hiểm xã hội một lần lên đến 5 triệu người, trong đó có 1,3 triệu người quay trở lại thị trường lao động và tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, như vậy giảm 3,7 triệu người đóng bảo hiểm xã hội. 

Nguyên nhân chính khiến người lao động rút bảo hiểm một lần là do nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của bảo hiểm xã hội trong bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó là vấn đề thu nhập thấp, nên khi khó khăn họ rút bảo hiểm.

Để khắc phục tình trạng này, tới đây, Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về bảo hiểm xã hội. Cùng với đó, cần hoàn thiện cơ chế chính sách để tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội; có các chính sách hỗ trợ tạm thời cho người lao động trong hoàn cảnh khó khăn trước mắt; xem xét giảm thời gian đóng bảo hiểm tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tăng các chế độ hỗ trợ khác về thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp để người lao động yên tâm tham gia bảo hiểm xã hội rộng rãi hơn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng NGUYỄN VĂN SINH:
Giảm bớt thủ tục xác định đối tượng mua nhà ở xã hội

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới đây. Dự thảo Luật có 8 nhóm chính sách, trong đó có chính sách về phát triển nhà ở xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh

Theo dự thảo, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung chính sách nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp gồm nhà ở xã hội và nhà lưu trú cùng nhóm chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang. Giao UBND cấp tỉnh chủ động dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình kế hoạch đã duyệt. Như vậy, UBND cấp tỉnh có thể dành 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại hoặc dành quỹ đất trong các dự án độc lập cho nhà ở xã hội, qua đó tạo quỹ đất cho phát triển loại hình nhà ở này. Dự thảo cũng có nhóm chính sách ưu đãi chủ đầu tư tham gia dự án nhà ở xã hội như miễn tiền sử dụng đất, vay vốn với lãi suất ưu đãi…

Về đối tượng thụ hưởng, dự thảo Luật giảm bớt các thủ tục xác định đối tượng mua nhà ở xã hội. Nếu như trước đây đặt ra 3 tiêu chí về thu nhập, cư trú, nhà ở thì nay bỏ tiêu chí về cư trú; xem xét nâng mức thu nhập và nâng tiêu chí về nhà ở. Với những sửa đổi này sẽ tạo cơ chế thông thoáng để thúc đẩy nhà ở xã hội phát triển.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội MẠC ĐÌNH MINH:
Tăng lợi nhuận định mức của nhà đầu tư nhà ở xã hội 

Theo chương trình phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030, TP. Hà Nội đặt mục tiêu phát triển 6,8 triệu mét vuông nhà ở xã hội. Đây là mục tiêu rất lớn.

Anh Mạc Đình Minh. Ảnh Hồ Long

Để hoàn thành mục tiêu, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng các dự án nhà ở xã hội, chúng tôi đề xuất trước tiên cần cải cách trình tự, thủ tục, đặc biệt là khâu lựa chọn nhà đầu tư. Ở một số nước, quá trình này chỉ mất 1 - 2 tháng nhưng ở nước ta, theo Luật Đấu thầu mất hơn 1 năm.

Liên quan đến tiền sử dụng đất thu được từ 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong khu nhà ở thương mại, đề xuất sửa đổi quy định theo hướng được sử dụng số tiền này thông qua quỹ đầu tư phát triển nhà ở địa phương để phát triển đầu tư hoặc cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội. Cùng với đó, cần tăng lợi nhuận định mức của các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội lên 15% thay vì 10%.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội NGUYỄN ĐỨC HẢI:
Ưu tiên vốn cho tín dụng chính sách 

Hơn 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã giải ngân cho hơn 44.407 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ hơn 6,4 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho gần 6,5 triệu lao động; hỗ trợ gần 3,9 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học...

Rõ ràng, tín dụng chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thành công 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, được nhân dân đồng tình ủng hộ. 

Tuy vậy, hoạt động tín dụng chính sách xã hội còn một số khó khăn. Để giải quyết triệt để những khó khăn này, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, ưu tiên tập trung, bố trí nguồn vốn để phát huy vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội là ngân hàng chủ lực trong triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác...

Đ. Thanh - H. Nhung thực hiện; Ảnh: Hồ Long
#