Chất lượng phải đặt lên đầu!

- Thứ Bảy, 04/11/2023, 05:26 - Chia sẻ

Kết thúc phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày hôm qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp giữa 2 đợt họp để cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt để báo cáo Quốc hội; chỉ trình Quốc hội thông qua dự án luật bảo đảm chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và khả thi”. Sự thận trọng này hết sức cần thiết bởi tầm quan trọng đặc biệt của dự án Luật này và đến nay các đại biểu vẫn còn ý kiến khác nhau về những nội dung quan trọng.  

Như Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã nói, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật đồ sộ, khó, phức tạp, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của cả nhiệm kỳ. Quy định của Luật Đất đai sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quyền và lợi ích của người dân. Một sơ suất, một điều khoản của Luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân, thậm chí kìm hãm sự phát triển.

Qua hai kỳ họp, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã rất cố gắng, nỗ lực, dự thảo luật từng bước được hoàn thiện, nhiều nội dung quan trọng đã được thể chế hóa -  điều này các đại biểu Quốc hội đều ghi nhận. Tuy nhiên, báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật dài tới 413 trang và đến tối ngày 2.11 mới được gửi đến đại biểu Quốc hội, cho thấy công việc còn nhiều bộn bề. Đến nay, còn 16 nội dung có nhiều phương án khác nhau và chưa có điều kiện để rà soát kỹ các trường hợp cần có quy định chuyển tiếp.

Trên hội trường hôm qua, các đại biểu tìm được tiếng nói chung trong một số nội dung, song cũng có quan điểm rất khác nhau về các vấn đề đang được thiết kế nhiều phương án. Chẳng hạn, về điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, dự án Luật thiết kế 3 phương án: (1) Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa trong mọi trường hợp; (2) Không giới hạn về điều kiện, theo đề xuất của Chính phủ; (3) Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định tại khoản 1 Điều 177. Nhiều đại biểu chọn phương án 3 nhưng cũng có một số đại biểu chọn phương án 2, và ai cũng đưa ra những lý lẽ thuyết phục.

Hay, trong các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79), đại biểu tiếp tục đề nghị phải tách bạch được yếu tố công - tư. Cơ sở y tế, cơ sở dịch vụ xã hội, cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ sở thể dục thể thao, cơ sở khoa học và công nghệ… nếu Nhà nước thành lập thì Nhà nước đứng ra thu hồi đất; song nếu các cơ sở này do Nhà nước “cho phép hoạt động” - tức đây có thể là công trình của Nhà nước và của tư nhân - thì Nhà nước không nên đứng ra thu hồi. Tách bạch công - tư như vậy mới giảm được kiện tụng, khiếu nại đất đai - vốn rất phức tạp, mới tránh được tình trạng đất đai rơi vào tay doanh nghiệp thân hữu với chính quyền, tránh làm suy thoái đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công chức địa phương và gây mất niềm tin trong Nhân dân. 

Trên hội trường, một số ý kiến đại biểu cho rằng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chưa bảo đảm chất lượng để thông qua tại Kỳ họp này và đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Ngược lại, cũng có đại biểu đề nghị cần tập trung hơn nữa để thông qua Luật tại kỳ họp này.

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp để cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt và chỉ trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và khả thi cho thấy chất lượng của dự án Luật luôn được đặt lên hàng đầu. Sự thận trọng này là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất và tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao như mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Hà Lan