Phiên chuyên đề 1"Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó":

Cần "tinh chỉnh" các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

- Thứ Ba, 19/09/2023, 19:21 - Chia sẻ

Tại Phiên chuyên đề 1 của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 với chủ đề "Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó", các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc thực hiện yêu cầu tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Trong đó, các chuyên gia, nhà khoa học lưu ý, dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều nên chính sách tài khóa cần đặt lên đầu, đồng thời, cần "tinh chỉnh" các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện hành.

Doanh nghiệp giỏi chống chịu, sống dai, nhưng chậm lớn, khó trưởng thành

Tại phiên chuyên đề 1, các chuyên gia nhận định, bối cảnh tình hình thế giới hiện nay tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, tăng trưởng giảm sút trong khi lạm phát ở nhiều quốc gia vẫn ở mức cao. Do vậy, nền kinh tế Việt Nam từng bước phục hồi song vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn, có những mặt còn trở nên nghiêm trọng hơn so với năm trước, cuối năm còn khó khăn hơn đầu năm.

Cần
Các đại biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Mặt khác, là một nền kinh tế có độ mở cao, trong gần một năm qua, Việt Nam đã phải đối diện với nhiều “cơn gió ngược” liên tục đổi chiều và có hiệu ứng mạnh đến từ bên ngoài, kéo theo sức ép lớn về lạm phát, tỷ giá cùng với những rủi ro về thu hẹp thị trường, đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy lao động và biến động giá cả của các mặt hàng chiến lược. Trong khi đó, các vấn đề bất cập tích tụ qua nhiều năm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán… đã ảnh hưởng trực tiếp và tác động đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, gây ra nguy cơ rủi ro hệ thống không nhỏ cho nền kinh tế vừa mới phục hồi mong manh.

Cần cơ chế, chính sách đột phá để doanh nghiệp tăng cường nội lực và vượt khó
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thách thức lớn. Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường vẫn giảm nhẹ khoảng 0,03% so với cùng kỳ năm 2022. “Đáng chú ý số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng đầu năm 2022 lên tới 124,7 nghìn doanh nghiệp. Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp đáng báo động”, ông Phạm Tấn Công lưu ý.

Không chỉ trong năm 2023, đánh giá tổng quát, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang có một thực tế là giỏi chống chịu, sống dai, nhưng chậm lớn, khó trưởng thành. Trong thời gian qua, dù có những khó khăn khi gánh nặng chi phí, trình độ thấp và thực lực yếu, ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, từ các cuộc khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tài chính thế giới… thì các doanh nghiệp nước ta vẫn tồn tại - một cách bền bỉ và mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn vào thành tựu phát triển của đất nước.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam PGS.TS Trần Đình Thiên phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nhưng, theo ông Trần Đình Thiên, nhìn chung doanh nghiệp trong nước vẫn có quy mô nhỏ và vừa, là những đơn vị “chậm lớn”, “khó lớn”, “ngại lớn”, khi “li ti hóa” trở thành xu hướng xuyên suốt quá trình phát triển của doanh nghiệp, dù đây là một trong những thành tố quan trọng nhất cấu thành “nội lực”, quyết định sự phát triển nền kinh tế Việt Nam.

“Số liệu thống kê cho thấy, hàng năm, số doanh nghiệp “rút khỏi thị trường” xấp xỉ 70-75% số “đăng ký thành lập”. Đây là một tỷ lệ không bình thường, cho thấy “tuổi thọ” của doanh nghiệp không cao và cũng có nghĩa là cơ sở tăng trưởng cho những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, từ góc độ doanh nghiệp Việt, bị suy giảm mạnh và khó được “bù đắp” kịp thời bằng số doanh nghiệp mới đăng ký thành lập”, ông Trần Đình Thiên lưu ý.

Chính sách tài khóa phải đi đầu

Trước thực tế nêu trên, một nội dung được đưa ra thảo luận và nhận được nhiều ý kiến tại Phiên họp là định hướng quản lý, điều hành chính sách liên quan; giải pháp giúp giải phóng các nguồn lực nói chung, đặc biệt là nguồn lực từ lực lượng doanh nghiệp, qua đó tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển.

Cần
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trong đó, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, điều hành chính sách tiền tệ chưa bao giờ khó khăn như thời gian vừa qua. Chính sách thắt chặt, kiểm soát lạm phát của các nước đã tác động đến đồng đô la, tỷ giá… ảnh hưởng trực diện rất nhiều đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. Trong khi đó, những khó khăn từ nội lực của nền kinh tế nước ta, nhất là sau đại dịch Covid – 19, biến động của kinh tế - tài chính thế giới đã tác động lớn đến khu vực sản xuất và kinh doanh nước ta.

Dù dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều khó có thể giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước để thúc đẩy các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, song Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, “giảm lãi suất cho vay” vẫn là một yêu cầu đặt ra với các ngân hàng thương mại trong thời gian tới, trên cơ sở cắt giảm chi phí, chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp.

Đối với thực hiện trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú khẳng định, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ quan tâm và tìm mọi cách điều hành chính sách lãi suất hợp lý, trên cơ sở bảo đảm lãi suất bình quân, lợi nhuận của nền kinh tế, an toàn cho hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp, và rộng hơn là bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. 

Tuy nhiên, theo ông Đào Minh Tú, để giải bài toán tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp cũng cần nhìn ở hai phía từ các ngân hàng thương mại và bản thân các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh cơ cấu lại, vì vay thương mại là khoản phải hoàn trả lại, sẽ cần đáp ứng một số yêu cầu, qua đó góp phần bảo đảm an toàn cho mỗi ngân hàng.

Cần
PGS.TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Ở góc độ khác, PGS.TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế Quốc dân thẳng thắn chỉ rõ, nhiều kết quả điều tra với cộng đồng doanh nghiệp đã cho thấy, một điểm cản trở họ tiếp cận các gói hỗ trợ, gói tín dụng là thủ tục hành chính, quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, chính sách hỗ trợ. Để các chính sách đến được doanh nghiệp, theo ông Tô Trung Thành, điểm quan trọng là phải cải cách, xử lý minh bạch về đối tượng, cũng như đơn giản hóa thủ tục, quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ.

Mặt khác, ông Tô Trung Thành nhấn mạnh, để chính sách bao phủ được đối tượng thực sự cần hỗ trợ thì phải "tinh chỉnh" chính sách theo quy mô và ngành nghề. Theo đó, đưa ra chính sách hỗ trợ về tín dụng phù hợp hơn với đặc điểm của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Tập trung hỗ trợ những ngành, khu vực có độ lan tỏa đến các ngành, khu vực khác của nền kinh tế để sử dụng hiệu quả nhất trong quá trình khôi phục tổng cầu hiện nay.

Cần
Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam (IMF) Jochen Schmittmann phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trong bối cảnh dư địa của chính sách tiền tệ không nhiều, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam (IMF) Jochen Schmittmann cho rằng, các chính sách tài khóa cần phải đi đầu, nhất là trong điều kiện Việt Nam đã thực hiện chính sách tài khóa thận trọng ngay từ đầu. Tất nhiên, để thực hiện hiệu quả các biện pháp về tài khóa, theo đại diện IMF, Việt Nam không nên dựa vào thực hiện các chính sách về thuế, phí, thay vào đó, cần tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, nhu cầu xã hội, tăng cường thực thi chính sách; giải quyết các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công…

Bên cạnh đó, đại diện IMF nhấn mạnh, cần tìm lại niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua giải quyết những vấn đề trong thị trường trái phiếu, bất động sản; tăng cường tái cơ cấu doanh nghiệp; sửa đổi, hoàn thiện khung khổ pháp lý để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc về giải thể doanh nghiệp; triển khai các biện pháp giải quyết nợ không cần thông qua tòa án…

Và một đánh giá đáng lưu ý trong Phiên chuyên đề là từ ý kiến của PGS.TS Trần Đình Thiên. Theo đó, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh, hiện đã có đủ căn cứ và cơ sở để nhận định rằng, vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển.

Thanh Hải
#