Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Cần thiết có quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lý khi tham gia xử lý ngân hàng yếu kém?

- Thứ Sáu, 24/03/2023, 06:29 - Chia sẻ

Nhiều chuyên gia quốc tế tham dự Hội thảo trao đổi về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do Thường trực Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức đưa ra nhiều gợi mở với quá trình hoàn thiện khung pháp lý về xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu kém trong quá trình xây dựng dự án Luật này. Trong đó, việc miễn trách nhiệm pháp lý với cơ quan, cá nhân tham gia xử lý ngân hàng yếu kém được đặt ra.

Cần có cơ chế can thiệp, hỗ trợ sớm

Quan tâm đến việc hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, Chuyên gia giám sát cao cấp Ngân hàng Thế giới Geof Mortlock cho biết, những cuộc khủng hoảng tài chính trong vài thập kỷ qua đã có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng hiện tại và việc phát triển chính sách trên toàn cầu, đồng thời cũng để lại bài học quan trọng. Mới đây nhất, sự đổ vỡ của một số ngân hàng của Hoa Kỳ càng cho thấy “khó có hệ thống giám sát thận trọng nào có thể bảo đảm không có sự đổ vỡ của các định chế tài chính”.

Cần thiết có quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lý khi tham gia xử lý ngân hàng yếu kém? -0
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại hội thảo

Do vậy, theo ông Geof Mortlock, các ngân hàng trong tình trạng căng thẳng tài chính cần có những kế hoạch kỹ lưỡng để khôi phục trạng thái ổn định tài chính, cũng như sự can thiệp sớm một cách hiệu quả của cơ quan giám sát để kịp thời hỗ trợ. Nếu một ngân hàng không thể khôi phục tình trạng ổn định tài chính, thì ngân hàng đó cần được xử lý một cách kịp thời. Việc phục hồi và giải quyết này cần dựa trên các mục tiêu rõ ràng được đề ra trong Luật, chủ yếu liên quan đến việc duy trì ổn định tài chính, bảo vệ người gửi tiền qua các cơ chế bảo hiểm tiền gửi, tránh hoặc giảm đến mức tối thiểu nhu cầu đối với sự hỗ trợ của Chính phủ, duy trì kỷ luật thị trường mạnh mẽ với các ngân hàng. “Điều này cũng đòi hỏi mỗi quốc gia cần có một đạo luật toàn diện về phục hồi và xử lý ngân hàng yếu kém”, ông Geof Mortlock chia sẻ.

Theo nhiều chuyên gia quốc tế tại Hội thảo, thì hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu phục hồi và xử lý ngân hàng yếu kém một cách thực sự hiệu quả. Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành còn thiếu hệ thống các mục tiêu rõ ràng về giải quyết những vấn đề liên quan đến ngân hàng yếu kém, chưa định rõ thẩm quyền pháp lý đầy đủ trong vấn đề này. Cùng với đó, Luật Ngân hàng Nhà nước cũng chưa đầy đủ, còn thiếu các quy định về thẩm quyền cần thiết và các biện pháp bảo vệ trong hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp, hoặc trong việc chỉ định Ngân hàng Nhà nước là cơ quan giải quyết.

Do đó, các chuyên gia nêu rõ, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là cần thiết để Việt Nam ứng phó hiệu quả hơn với tình trạng căng thẳng và phá sản ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường chính sách và quy trình đối với việc can thiệp sớm, phục hồi và giải quyết vấn đề của ngân hàng, đồng thời cần củng cố chính sách, quy trình hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp.

Không được miễn trừ trách nhiệm pháp lý sẽ khó có động lực hành động quyết liệt

Ghi nhận một số bước tiến của bản dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này khi đã bổ sung quy định về xử lý nợ xấu, giải quyết phá sản ngân hàng, cũng như nhiều quy định đã được khẳng định hiệu quả thực tế từ quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ nấu của các tổ chức tín dụng, song theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh, thì vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm.

Một trong những vấn đề quan trọng cần được giải quyết ở lần sửa đổi này, đó là việc miễn trách nhiệm pháp lý đối với các cơ quan, cá nhân tham gia xử lý ngân hàng yếu kém. Đây là nội dung đã được bàn và cố gắng đưa vào ngay từ khi soạn thảo dự án Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 cũng như quá trình soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017, song đều chưa đi đến được sự thống nhất để có thể bổ sung vào dự thảo Luật. Dẫn ra thực tế này, ông Dương Quốc Anh mong muốn nghe thêm chia sẻ của các chuyên gia quốc tế về sự cần thiết phải có quy định liên quan đến miễn trừ trách nhiệm pháp lý với các cơ quan, cá nhân tham gia xử lý ngân hàng yếu kém. Cụ thể, trên thế giới còn quốc gia nào chưa có quy định này, hậu quả đến đâu nếu không có quy định điều chỉnh?

Từ thực tế giám sát bảo hiểm tiền gửi, xử lý ngân hàng yếu kém ở nhiều quốc gia của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), Giáo sư Andrew Godwin - Cố vấn Ngân hàng Thế giới cho biết, đã gặp nhiều trường hợp mà biện pháp bảo vệ pháp lý không đủ với cơ quan, cá nhân tham gia xử lý ngân hàng yếu kém. Đương nhiên, việc bảo vệ trách nhiệm pháp lý khi thực hiện công việc này chỉ áp dụng với những trường hợp thực hiện đúng chức năng cũng như chính sách, pháp luật có liên quan của quốc gia đó, và có giải trình hợp lý với hội đồng kiểm tra. Song, theo ông Andrew Godwin, nếu không được miễn trừ trách nhiệm pháp lý trong trường hợp này sẽ khó có động lực cho cán bộ, công chức có hành động quyết liệt để cải thiện tình hình ở ngân hàng yếu kém. “Ngân hàng Nhà nước cần có quyền năng, công cụ để thực thi đúng chức năng của mình xuyên suốt quá trình này mà không phải lo ngại về ràng buộc trách nhiệm pháp lý”, ông Andrew Godwin khuyến nghị.

Giải trình, làm rõ hơn về nội dung này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành rà soát để thể hiện rõ ràng hơn thẩm quyền của cơ quan này tại dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi), dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Riêng việc miễn trách nhiệm pháp lý đối với các cơ quan, cá nhân tham gia xử lý ngân hàng yếu kém, ông Nguyễn Kim Anh mong muốn, trong lần sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng này sẽ nhận được sự đồng tình của các cơ quan hữu quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết, trong đó quyết nghị bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội, với 6 chính sách cụ thể được đề xuất. Trong đó, việc hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân, nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém cũng như xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu… đã được đặt ra. Nhấn mạnh điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, những thông lệ, kinh nghiệm quốc tế cũng như những nội dung, vấn đề mới phát sinh được các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi tại Hội thảo đưa nhiều gợi mở bổ ích, là căn cứ để cơ quan thẩm tra bổ sung cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, bảo đảm việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng lần này sẽ đạt được các mục tiêu đề ra.

Thanh Hải