-Theo kế hoạch, tháng 10 tới, Đoàn Thanh tra của EC sẽ tiến hành đợt thanh tra lần thứ 4 với Việt Nam về thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU. Theo bà, lần kiểm tra này có ý nghĩa thế nào với nỗ lực của Việt Nam trong khắc phục và thúc đẩy EC gỡ “thẻ vàng” với thủy sản của Việt Nam?
- Đến tháng 10.2023 là tròn 6 năm EC cảnh báo “thẻ vàng” với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Đây là thời điểm rất quan trọng để EC đánh giá những kết quả đạt được trong nỗ lực triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại Việt Nam. Tại thời điểm này, nếu Việt Nam có kết quả tốt, thì EC sẽ xem xét gỡ cảnh báo “thẻ vàng”. Tuy nhiên, nếu kết quả không đạt yêu cầu, EC có thể sẽ nâng mức cảnh báo lên “thẻ đỏ” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.
Theo tôi, yếu tố then chốt trong việc gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC là phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và kiểm soát được thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu vào Việt Nam.
Từ thực tế cho thấy, thời gian qua, các bộ, ban, ngành có liên quan cũng như các địa phương và lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực, tăng cường triển khai các quy định, giải pháp để chống khai thác IUU. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân, doanh nghiệp còn rất hạn chế, thậm chí còn cố tình thực hiện các hành vi vi phạm dẫn đến khó khăn trong triển khai các quy định về chống khai thác IUU của các cơ quan chức năng.Khi người dân và doanh nghiệp chưa thật sự chung tay với nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan chức năng, thì nguy cơ là chúng ta không những không gỡ được cảnh báo “thẻ vàng”, mà thậm chí còn bị xem xét nâng lên “thẻ đỏ”.
-Qua công tác kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành, cơ quan chức năng tại các địa phương ven biển, có thể thấy mặc dù đã có tiến triển, nhưng thực tế còn tình trạng tàu cá vi phạm về khai thác IUU. Và một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do lực lượng kiểm tra trên biển còn mỏng. Theo bà, thực tế này đặt ra yêu cầu gì với việc ứng dụng các giải pháp công nghệ mới để hỗ trợ công tác quản lý hoạt động của tàu cá?
- Theo quy định tại điểm đ khoản 2, Điều 50, Luật Thủy sản hiện hành và Điều 44, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản), thì tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá (VMS). Thiết bị này sẽ giúp cơ quan quản lý biết được tàu đang đi đâu, về đâu.
Năm 2022, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)”. Qua giám sát, Ủy ban cũng đã ghi nhận tình trạng vi phạm quy định về trang bị và sử dụng VMS khi khai thác trên biển diễn ra thường xuyên. Mặc dù đã được trang bị VMS, nhưng không ít ngư dân cố tình không chấp hành (như tháo thiết bị ra khỏi tàu, ngắt kết nối thiết bị với hệ thống giám sát của cơ quan quản lý…).
Qua giám sát, Ủy ban cũng đã có những kiến nghị với Chính phủ cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai cáo và không theo quy định. Trong đó, có giải pháp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, giám sát tự động hành trình tàu cá, chống can thiệp, tác động từ bên ngoài, để hạn chế các hành vi vi phạm liên quan đến thiết bị giám sát hành trình.
- Xin cảm ơn bà!