Góp ý cho Quy hoạch tổng thể quốc gia

Cần một quy hoạch cơ bản, mở đường và khơi dậy động lực của cả nước

- Thứ Năm, 17/11/2022, 09:23 - Chia sẻ

NGUYỄN NGỌC TRÂN - Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội

Với một nội hàm sát hợp phù hợp với Luật Quy hoạch, cơ bản, ổn định, và mở đường, nhận được sự đồng thuận của các tỉnh và của cộng đồng, Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển bền vững đất nước, khơi dậy sức sống và sự năng động của các vùng, hạ tầng cơ sở kỹ thuật và xã hội là bệ phóng cho sản xuất và đời sống, và môi trường được bảo vệ, an ninh quốc phòng được giữ vững.

Cần một quy hoạch cơ bản, mở đường và khơi dậy động lực của cả nước  -0

Ba bài góp ý với Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia cho thấy vị trí cao nhất của Quy hoạch đặt ra những yêu cầu rất cao và nghiêm khắc [1], cần có một nỗ lực vượt bậc để đạt được mục tiêu phát triển mà kịch bản đề ra [2]. Thách thức còn cao hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và hậu quả, và cục diện thế giới có nhiều yếu tố bất định. Tư thế của đất nước khi bước vào thời kỳ quy hoạch được phân tích thông qua các chỉ số thống kê đến năm 2021 [3].

Phân tích Luật Quy hoạch sẽ thấy rằng nội hàm của Quy hoạch tổng thể quốc gia không phải là duy nhất. Phù hợp với Luật Quy hoạch, cơ bản, ổn định, và mở đường, nhận được sự đồng thuận của các địa phương và của công đồng, Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển bền vững đất nước, khơi dậy sức sống và sự năng động của các vùng, hạ tầng cơ sở kỹ thuật và xã hội là bệ phóng cho sản xuất và đời sống, và môi trường được bảo vệ, an ninh quốc phòng được giữ vững.

1. Vị trí của Quy hoạch tổng thể quốc gia trong Luật Quy hoạch

Theo Luật Quy hoạch hiện hành, tại Điều 3, Giải thích từ ngữ, khoản 2:  “Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Theo Điều 6, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.

Và tại khoản 3, Điều 6, Quy hoạch vùng phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch khác cấp cao hơn.

2. Nhận xét và góp ý với Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia

Nhận xét khái quát về Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia: 

Báo cáo gồm có 5 Phần và Phụ lục, tất cả dài 631 trang [4].

So về số trang với tài liệu mà Phụ lục I giới thiệu, Quy hoạch tổng thể quốc gia dài gấp 2,24 lần tài liệu của Malaysia (dài nhất trong 6 nước Đông Nam Á) và gấp 2,77 lần tài liệu của Ba Lan (dài nhất trong 10 nước Châu Âu).

Phần thứ nhất, Các yếu tố, đều kiện tự phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia, đã chiếm gần phân nửa Báo cáo, 315 trang, với rất nhiều số liệu, Bảng và Hình quá chi tiết trong một tài liệu mang tính chiến lược, ở tầm quốc gia. Cần lược bỏ, chỉ giữ lại những gì cần thiết trong một Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Báo cáo dành 54 trang cho Điều kiện tự nhiên Dân số, nguồn nhân lực và tài nguyên nhân văn (trang 6 đến trang 59). Rất tiếc các điều kiện tự nhiên, các tài nguyên thiên nhiên, các yếu tố xã hội, nhân văn được liệt kê rồi dừng lại ở đó.

Báo cáo dành cả Phần thứ tư, Định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ, (81 trang) trên cơ sở 6 vùng kinh tế - xã hội hiện nay với các tiêu chí phân vùng hiện nay, biết rằng cuối năm 2019 đã có dự án phân lại các vùng kinh tế - xã hội, nhưng không rõ vì lý do gì đã được gác lại.

Tác giả cho rằng Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia cần tinh gọn, khoa học và hội đủ các yếu tố cốt lõi và ổn định đối với phát triển bền vững của đất nước.   

Quy hoạch tổng thể quốc gia có phải là quy hoạch vùng mà vùng là cả nước?

Đọc hết Dự thảo, tác giả có cảm nhận “tư duy quy hoạch vùng” đã được áp dụng cho Quy hoạch tổng thể quốc gia trong đó vùng là cả nước.

Tác giả cho rằng nếu tiến hành như vậy Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ dẫm chân lên quy hoạch vùng nhưng không sâu sát bằng, do đó sẽ có những ràng buộc đối với các quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành.

Mặt khác dựa vào cách phân vùng với các tiêu chí vốn đã dự kiến thay đổi, thì hoặc là cách phân vùng sẽ được “cố định hóa” trong suốt thời kỳ quy hoạch, hoặc trong trường hợp thay đổi cả hệ thống quy hoạch quốc gia sẽ phải sửa đổi cho phù hợp.

Cả hai tình huống đều không có lợi cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Phân tích Điều 3, Giải thích từ ngữ và Điều 6, Mối quan hệ giữa các quy hoạch, tác giả cho rằng nội hàm của Quy hoạch tổng thể quốc gia không ắt như nó được xây dựng và thể hiện trong Dự thảo. Đó chỉ là một cách hiểu và thể hiện. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy có những nội hàm quy hoạch tổng thể khác với cách mà Báo cáo đã làm [5], [6].

Do vậy, xây dưng nội hàm của Quy hoạch tổng thể quốc gia bảo đảm đúng với vị trí cao nhất của nó trong hệ thống các quy hoạch của quốc gia, vừa cơ bản, vừa ổn định, vừa mở đường cho các quy hoạch khác dựa trên đó được xây dựng, phù hợp với nó là việc cần thiết phải làm trước tiên.

Hiểu thế nào về “mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng” 

Mang tính chiến lược”, theo tác giả, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất đối với phát triển bền vững, trên cơ sở những đặc điểm cốt lõi nhất của đất nước, đặt trong tầm nhìn trung và dài hạn, trong bối cảnh quốc tế và mối quan hệ hội nhập sâu rộng với thế giới (theo Nghị quyết của Đại hội Đảng).

Theo hướng phân vùng và liên kết vùng” có nghĩa gì nếu không phải Quy hoạch tổng thể quốc gia là nền tảng để các vùng phải phát triển theo đặc điểmthế mạnh của mình, khắc phục các mặt yếu, không biệt lập mà được phát huy lên trong liên kết với các vùng khác?

Quy hoạch tổng thể quốc gia không xuất phát từ một mảnh đất trắng. Địa hình, địa mạo, khí tượng thủy văn, tài nguyên đã được khảo sát, đánh giá từ hơn một thế kỷ qua. Các chương trình điều tra cơ bản các vùng từ cuối thập niên 1970 trong hệ thống các Chương trình khoa học nhà nước đã được tiến hành. Chúng ta lại có những kinh nghiệm và bài học rút ra từ gần nửa thế kỷ xây dựng đất nước [7].

Đó là những hiểu biết góp phần đánh giá sâu sát, khách quan việc khai thác tài nguyên đất, nước, rừng, thủy sản, khoáng sản, tài nguyên sinh khí hậu và cùng với đó là những chuyển đổi trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường từ năm 1975 đến nay, có đúng quy luật hay không. Việc làm này là không thể thiếu.

Các thế mạnh của các vùng đã được phát huy ra sao, các điểm yếu và các yếu tố hạn chế là gì, được khắc phục thế nào, ba đột phá chiến lược mà Đảng đã nghị quyết từ Đại hội X (2011) đã được triển khai tối ưu chưa, đã tạo được sức bật kỳ vong ở các vùng chưa, cần được làm rõ và có hướng phát huy và khắc phục.

Các ngành, nhất là các ngành chủ lực, đã đóng góp như thế nào, hiệu quả của đầu tư công của ngành ra sao, và trong thời kỳ quy hoạch sắp tới từng ngành cần khắc phục những gì và đạt những mục tiêu gì?

Các địa phương (vùng, tỉnh) đã liên kết với nhau ra sao? Cần những đổi mới nào, kể cả về thể chế, để liên kết vùng tốt hơn, về chủ quan và về khách quan, rất cần được tổng kết và có những đề xuất cụ thể.   

Đó là những việc cần làm, đầy đủ và xúc tích, để quy hoạch tổng thể quốc gia theo hướng phân vùng và liên kết vùng mà không đi vào phân vùng, không dẫm chân với quy hoạch ngành và quy hoach vùng.

Làm rõ nội hàm của Quy hoạch tổng thể quốc gia là điều cần làm trước tiên

Nội hàm của Quy hoạch tổng thể quốc gia như nó đã được xây dựng và thể hiện trong Báo cáo chỉ là một cách hiểu Điều 3, khoản 1. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy có những nội hàm quy hoạch tổng thể khác với cách Báo cáo đã làm [8], [9].

Ngoài bất lợi dẫm chân và ràng buộc đã nêu, nếu được xây dựng với tiêu chí phân vùng không ổn định, e rằng với một Quy hoạch tổng thể quốc gia như vậy, hệ thống quy hoạch quốc gia sẽ không có sự ổn định cần thiết cho phát triển bền vững đất nước.

Do vậy, xây dưng nội hàm của Quy hoạch tổng thể quốc gia bảo đảm đúng với vị trí cao nhất của nó trong hệ thống các quy hoạch của quốc gia, vừa cơ bản, vừa ổn định, vừa mở đường cho các quy hoạch khác dựa trên đó được xây dựng, phù hợp với nó là việc cần thiết phải làm trước tiên.

Việc làm này sẽ “bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới”. (Điều 4, khoản 4), Luật Quy hoạch).

3. Một Quy hoạch tổng thể quốc gia tạo động lực, khơi dậy sức sống và sự năng động của cả nước là có thể

Với một nội hàm sát hợp phù hợp với Luật Quy hoạch, cơ bản, ổn định, và mở đường, nhận được sự đồng thuận của các tỉnh và của cộng đồng, Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển bền vững đất nước, khơi dậy sức sống và sự năng động của các vùng, hạ tầng cơ sở kỹ thuật và xã hội là bệ phóng cho sản xuất và đời sống, và môi trường được bảo vệ, an ninh quốc phòng được giữ vững.

Với trí tuệ Việt Nam, với sự hợp tác của quốc tế, một Quy hoạch tổng thể quốc gia như đã phác họa là có thể.

__________

[5] Phụ lục I của Báo cáo, trang 545 – 561.

[6] Báo cáo Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2022, trang 26 – 31.

[7] Ví dụ “Đồng bằng sông Cửu Long, 44 năm chuyển đổi kinh tế, xã hội và môi trường, Triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP”. Vietnamese Mekong Delta, 44 years of economic, social and environmental transformation. Implementation of the Resolution No 120/NQ-CP (vnulib.edu.vn)

[8] Phụ lục I của Báo cáo, trang 545 – 561.

[9] Báo cáo Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2022, trang 26 – 31.

#