ĐBQH Dương Bình Phú (Phú Yên):
Bảo đảm tốt nhất quyền lợi người dân có đất bị thu hồi
Điều 86, dự thảo Luật đã quy định về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất - quy định này khá hợp lý và sát thực tiễn. Cụ thể, dự thảo Luật quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Quan điểm này phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi; đồng thời bám sát tinh thần Nghị quyết số 18 - NQ/TW, ngày 16.6.2022, về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với việc thu hồi đất thời gian qua từng bước được hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người có đất bị thu hồi, ổn định đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc hỗ trợ, tái định cư của người có đất bị thu hồi chưa thỏa đáng, dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận, bức xúc, làm phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.
Do đó, dự thảo Luật cần tiếp tục thể chế hóa các quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi. Việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần được thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất và thực hiện một cách công khai, có giám sát, thực hiện đúng quy định về giá, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân có đất bị thu hồi. Đồng thời, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất cũng phải bảo đảm khách quan, dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Việc tái định cư bảo đảm khách quan, dân chủ, công khai, kịp thời, đúng quy định pháp luật. Việc tái định cư bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tránh xảy ra các tranh chấp dai dẳng, kéo dài, dễ trở thành "điểm nóng" cho các đối tượng thù địch lợi dụng các quyền tự do dân chủ để kích động, chống phá Đảng, Nhà nước.
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị):
Nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất
Tôi đánh giá cao dự thảo Luật đã thể chế hóa đòi hỏi của thực tiễn, đó là nâng cao chất lượng của quy hoạch sử dụng đất. Tôi cũng đồng tình với các nội dung như: quy định quy hoạch sử dụng đất đã khoanh định, bố trí không gian sử dụng đất theo 3 khu vực, gồm khu vực quản lý nghiêm ngặt, khu vực hạn chế, khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất, nhất là đối với đất rừng và đất lúa nước; quy định kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng từng loại đất và xác định không gian (vị trí, ranh giới, diện tích thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đến từng thửa đất trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện); điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; tổ chức thực hiện quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; lấy ý kiến, công khai quy hoạch sử dụng đất.
Tuy vậy, thực tiễn cũng chỉ ra tồn tại là quy hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống; chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, thiếu thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành… Do đó, cần nghiên cứu, bổ sung tại Chương V, dự thảo Luật về nội dung cơ bản, nguyên tắc tích hợp chung về quy hoạch sử dụng đất trước khi cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch các ngành, lĩnh vực; đồng thời quy định về giải quyết khi có sự xung đột về quy hoạch sử dụng đất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác.
ĐBQH Nguyễn Văn Quân (Hậu Giang):
Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần minh bạch, có tiêu chí cụ thể
Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Điều 79, dự thảo Luật quy định, đối với công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng bao gồm nhà ở, nhà máy điện và các công trình phụ trợ của nhà máy điện. Tôi đề nghị bổ sung phần giải thích từ ngữ về "nhà máy điện", vì có những công trình điện tương đương với nhà máy điện nhưng không có nhà máy điện, chẳng hạn như các công trình điện mặt trời, điện gió… Do đó, đề nghị cần định nghĩa rõ trong dự thảo Luật sẽ gây vướng mắc trong việc thu hồi đất phục vụ công trình phát triển kinh tế - xã hội sau này' đồng thời bổ sung cụm từ “công trình phụ trợ của hệ thống đường dây truyền tải điện và trạm biến áp” vào Điều 79.
Đề nghị bổ sung vào Điều 79 như sau: "Đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điều này mà phần diện tích đất còn lại của thửa đất sau khi bị thu hồi diện tích về hình thể, vị trí không phù hợp để tiếp tục sử dụng, canh tác hoặc khai thác, nếu người sử dụng đất có yêu cầu được thu hồi đất thì UBND cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với phần đất còn lại theo quy định". Bởi trên thực tế có những công trình sau khi đất bị thu hồi, nếu là đất ruộng thì có trường hợp không có đường ra, hoặc không có đường dẫn nước vào, nếu là đất đô thị, thì có trường hợp người dân không có mặt tiền để kinh doanh, khai thác, nhưng diện tích, hình thù diện tích đất còn lại không thể khai thác được, thì cũng nên cụ thể hóa trong Luật, để giải quyết chính sách cho người bị thu hồi đất.
Điều 90 dự thảo Luật quy định về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Nghị quyết 18- NQ/TW quy định việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích nhà nước, người có bị thu hồi đất. Nhà nước phải thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật, có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và người dân bị thu hồi đất phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ… Do đó, Điều 90 cần quy định minh bạch và phải có tiêu chí cụ thể, rõràng.