Sau một năm (tính từ ngày 6.7.2022 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 799/QĐ-TTg phân công cơ quan chủ trì soạn thảo đến 31.7.2023, Chính phủ trình dự án Luật sang Quốc hội) với bộ tài liệu gồm dự thảo Luật ngày 28.7.2023 và các văn bản khác tương đối đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Đó là tinh thần tích cực, nỗ lực, cố gắng rất lớn của Chính phủ, của cơ quan soạn thảo.
Cân nhắc kỹ việc chuyển một bộ phận đối tượng bảo trợ xã hội làm đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật
Về phạm vi điều chỉnh, do dự thảo Luật có sự thay đổi lớn về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, trong đó có việc đưa trợ cấp hưu trí xã hội vào nội dung bảo hiểm xã hội làm cho một số chương, mục, điều, khoản không nhất quán về khái niệm, khó thống nhất về nội dung.
Hệ thống an sinh xã hội Việt Nam hiện tại gồm 3 khối chính sách lớn, gồm: Bảo hiểm xã hội (BHXH); Bảo trợ xã hội (trợ giúp xã hội, cứu trợ xã hội); ưu đãi xã hội. Ba khối chính sách có đối tượng thụ hưởng chính sách rất khác nhau. Trong chính sách BHXH, người thụ hưởng là người lao động, người sử dụng lao động (thuộc khu vực có quan hệ lao động) có tham gia BHXH, nguồn quỹ cơ bản là do đóng góp của người tham gia BHXH. Trong chính sách bảo trợ xã hội, người thụ hưởng chủ yếu là người bị lâm vào cảnh rủi ro, bất hạnh, nghèo đói, người khuyết tật... vì nhiều nguyên nhân khác nhau (họ chủ yếu thuộc khu vực không có quan hệ lao động), nguồn quỹ bảo trợ xã hội là từ ngân sách nhà nước và huy động từ cộng đồng. Trong chính sách ưu đãi xã hội, đối tượng thụ hưởng là người có công với đất nước, nguồn quỹ chủ yếu từ ngân sách nhà nước.
Như vậy, ranh giới rất rõ ràng, BHXH thì đã có Luật; ưu đãi xã hội (người có công) đã có Pháp lệnh; chỉ còn bảo trợ xã hội, dự kiến sẽ xây dựng thành luật. Và, việc đưa một nhóm đối tượng bảo trợ xã hội làm đối tượng điều chỉnh của Luật BHXH (sửa đổi) là không hợp lý, không bảo đảm tính thống nhất mọi mặt (khái niệm, nội dung...) trong một văn bản luật. Hơn nữa, mong muốn xã hội ổn định, thì trước hết chính sách, pháp luật phải ổn định như đã ghi rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc kỹ việc chuyển một bộ phận đối tượng bảo trợ xã hội làm đối tượng điều chỉnh của Luật BHXH (sửa đổi).
Về thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, ở nhiều chương, điều của dự thảo Luật đã thể hiện được nội dung của Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa XII của Đảng về cải cách chính sách BHXH. Tuy nhiên, do đưa thêm một bộ phận đối tượng bảo trợ xã hội vào làm đối tượng BHXH, nên dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) không thể hiện được nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng (quan điểm chỉ đạo thứ 2 và mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 28 nói trên) mà đây lại là nguyên tắc then chốt, chủ yếu của chính sách BHXH. Để dần từng bước đạt mục tiêu BHXH toàn dân theo lộ trình 35%, 45%, 60%... vào các năm 2021, 2025, 2030 và xa hơn nữa theo chỉ đạo của Nghị quyết thì phải thể chế hóa và thực hiện đầy đủ 5 nhóm giải pháp mà Nghị quyết đã chỉ rõ, đặc biệt là nhóm giải pháp thứ nhất (tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để đông đảo người dân tham gia BHXH, có đóng, có hưởng chứ không phải lấy đối tượng chính sách khác bù vào cho đủ số %).
Đề nghị phải thể chế hóa đầy đủ, đặc biệt là nguyên tắc đóng - hưởng, bảo đảm tính khoa học, thực tiễn theo Nghị quyết của Đảng. Hơn nữa, một số nội dung dự thảo Luật trái với khoản 1 Điều 4- Gải thích từ ngữ, “BHXH”, do đó đề nghị, cần xác định thật rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật này.
Quy định rõ nội dung cụ thể, hạn chế tối đa các điều phải hướng dẫn
Về những vấn đề chưa quy định rõ trong dự thảo Luật, chúng ta đang thực hiện chủ trương đổi mới quy trình và nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, trong đó có chủ trương xây dựng những luật, pháp lệnh, khi thông qua là thực hiện được ngay, không cần văn bản hướng dẫn. Hơn nữa, chúng ta cũng phải tránh để xảy ra “lợi ích nhóm” trong những văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành luật.
Nhưng trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) hiện có đến 40 vấn đề gác lại, giao cho Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ hướng dẫn. Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ hướng dẫn 5 vấn đề; Bộ Y tế 3 vấn đề, Chính phủ 32 vấn đề. Hầu như toàn bộ Chương III về “Trợ cấp hưu trí xã hội” đều quy định “treo”, điều sau dẫn chiếu điều trước mà điều trước lại chưa quy định rõ nội hàm... Các văn bản hướng dẫn cấp Bộ, cấp Chính phủ đều là những văn bản quy phạm pháp luật, khi xây dựng đều phải tuân thủ quy trình do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định. Do đó, nếu dự thảo Luật này có được thông qua thì cũng chưa biết bao giờ mới đi vào cuộc sống, vì phải đợi nhiều văn bản hướng dẫn.
Đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ nội dung cụ thể của các điều, hạn chế tới mức tối thiểu các điều phải hướng dẫn và phải thực hiện theo khoản 2, Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, “Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được dự thảo và trình đồng thời với dự án luật...”.
Về cấu trúc của dự thảo Luật, thông thường một đạo luật có 3 phần: một là những quy định chung; hai là những quy định nội dung cụ thể của luật; ba là quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra và điều khoản thi hành. Nhưng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), tại Chương II, sau quy định chung đã quy định ngay quản lý nhà nước về BHXH, trong khi chưa biết những nội dung cụ thể được quy định như thế nào (?). Mặt khác, dự thảo gộp 3 nội dung lớn: Quản lý nhà nước về BHXH; tổ chức thực hiện BHXH; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với BHXH vào cùng một chương cũng chưa thật hợp lý. Dù có chia ra 3 mục, nhưng cũng không nên ghép nội dung quản lý nhà nước với những tác nghiệp cụ thể của cơ quan thực hiện BHXH, với trách nhiệm cá nhân của người hưởng các chế độ BHXH. Do đó, nên tách Chương II thành 2 chương (Chương Quản lý nhà nước về BHXH, Chương Tổ chức thực hiện BHXH và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với BHXH) sẽ mạch lạc hơn. Trong đó, Chương Quản lý nhà nước về BHXH nên chuyển xuống trước Chương Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về BHXH.