Đặt đúng tầm vóc, vai trò của công cụ pháp luật trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Trên mặt trận phòng, chống tham nhũng, các nhà lãnh đạo đất nước đều chỉ đạo phải xây dựng và sử dụng có hiệu quả cao công cụ pháp luật để xử lý đúng đắn từng trường hợp cụ thể.
Lênin sau khi chỉ đạo giải quyết rốt ráo nhiều vụ bao che tham nhũng, tiêu cực đã đi đến kết luận: “Cuối cùng, nếu còn có một hiện tượng như nạn hối lộ, nếu còn có thể hối lộ được thì cũng không thể nói đến chính trị. Trong trường hợp này, cũng không thể nói đến làm chính trị được, vì mọi biện pháp đều sẽ lơ lửng trên không trung, sẽ hoàn toàn không mang lại một kết quả gì cả. Một đạo luật chỉ có thể đưa đến một kết quả xấu hơn, nếu trên thực tiễn nó được đem áp dụng trong điều kiện nạn hối lộ còn được dung thứ và đang thịnh hành” [1] Theo Lênin, việc giữ gìn kỷ cương phép nước, thái độ công minh, chính trực của người lãnh đạo đối với cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ có thể làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh hơn, tuyệt nhiên không có ảnh hưởng gì đến uy tín của Đảng. Người cộng sản nếu không tự bôi nhọ mình thì không ai có thể hạ thấp được uy tín của họ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết xử lý nghiêm khắc tệ tham nhũng, tiêu cực theo đúng pháp luật. Như chúng ta đã biết, từ 1945 đến khi từ biệt chúng ta (1969), Bác đã trực tiếp chỉ đạo soạn thảo 2 bản Hiến pháp (Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp 1959) và 613 Sắc lệnh, trong đó có 243 Sắc lệnh quy định về tổ chức Nhà nước và pháp luật. Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Bác yêu cầu “phải thẳng tay trừng trị kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì” [2]. Cuối năm 1945, khi giao việc cho đồng chí Lê Giản phụ trách ngành công an (lúc đó còn gọi là liêm phóng), Bác nói, “Trung ương quyết định chú sang làm liêm phóng. Bác lưu ý chú phải “thiết diện, vô tư, bốn chữ thôi”, rồi Người giải thích: thiết diện là mặt sắt, vô tư là không thiên vị, nghĩa là phải hết sức công minh. Chú làm cái nghề này mà không “thiết diện, vô tư” thì Bác sẽ “thiết diện, vô tư với chú”[3].
Từ lâu chúng ta đã thấm nhuần tư tưởng của Bác: Tham nhũng, lãng phí là kẻ thù nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng, nó nằm trong tổ chức của ta để làm hỏng công việc của ta. Ngày 27.11.1945, Bác đã ký Sắc lệnh ấn định hình phạt tội đưa và nhận hối lộ sẽ bị phạt từ 5 đến 20 năm khổ sai và phải nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ. Trong “Quốc lệnh” do Người ban hành ngày 26.1.1946 có 10 điều khen thưởng và 10 điều hình phạt; trong 10 điều hình phạt có Điều 8, “Trộm cắp của công sẽ bị xử tử”... Trần Dụ Châu - một kẻ tham nhũng “khét tiếng”, ăn chơi hoang phí, trác táng vào những năm 1946 - 1950 đã phải đền tội. Bác đã suy nghĩ suốt một đêm và cuối cùng là Người y án, xử một người để cứu muôn người. Có tình tiết đáng chú ý là, người trực tiếp gửi thư tố cáo lên Hồ Chủ tịch chính là một vị đại biểu Quốc hội khóa I - nhà Thơ Đoàn Phú Tứ (1910-1989)...
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã và đang chỉ đạo xử lý tham nhũng theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh và kinh nghiệm kinh điển trên nền tảng pháp luật. Đã từng là Chủ tịch Quốc hội nên Tổng Bí thư khá tường minh về vai trò, tác dụng của công tác lập pháp. Chính vì vậy Tổng Bí thư đã chỉ thị, “Đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành nghiêm túc, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững”.
Chỉ thị của Tổng Bí thư vừa là đường lối chiến lược của Đảng, vừa là nhiệm vụ cấp bách. Tám tính chất của hệ thống pháp luật (đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định) là yêu cầu nội tại của hệ thống pháp luật nếu muốn phát huy đầy đủ tác động của bản thân pháp luật trong đời sống xã hội.
Đồng thời chỉ thị của Tổng Bí thư cũng nhằm khắc phục những khiếm khuyết kéo dài của hệ thống pháp luật hiện tại (chỉ riêng Luật Đất đai và các luật liên quan như Luật Nhà ở, Luật Bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng... đã có hơn 20 vấn đề mâu thuẫn lẫn nhau, yêu cầu phải nhanh chóng tháo gỡ khi tiến hành xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) sắp tới).
Tổng Bí thư đặt đúng tầm vóc vai trò của công cụ pháp luật trong xây dựng nền kinh tế - xã hội, phát triển đất nước và là công cụ quan trọng để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII, khi đó là Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư đã chỉ đạo sửa đổi, bổ sung hai bộ luật trực tiếp phục vụ cho phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó là Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Nhiệm vụ này được tiếp tục sang Quốc hội Khóa XIII và hoàn thành vào năm 2017. Còn kết quả bước đầu việc sử dụng công cụ pháp luật vào công cuộc phòng, chống tham nhũng thì cả xã hội đều đã cảm nhận được, trong đó có những con số thể hiện trong kết quả qua 10 năm (2012-2022) như: chỉ riêng về nhân sự, có hơn 190 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 36 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...) đã bị xử lý bằng pháp luật.
Như vậy, các nhà lãnh đạo có tài ở các thời kỳ khác nhau, các thế hệ khác nhau, trong điều kiện hoàn cảnh khác nhau đều có chung tư duy giống nhau, đó là, quản lý, điều hành hoạt động một xã hội phải bằng pháp luật, và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần phải sử dụng có hiệu quả công cụ pháp luật.
Cốt lõi của phương pháp chuẩn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Tổng Bí thư
Một là, chuẩn bị cơ sở pháp lý chính trị: Về phương diện Nhà nước, hệ thống pháp luật nói chung và Bộ luật hình sự nói riêng đã được hoàn thiện một bước. Về Đảng, một loạt các quy định phục vụ cho xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được ban hành và đi vào cuộc sống như: Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25.10.2021 về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 41 ngày 3.11.2021 về từ chức, miễn nhiệm; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6.7.2022 về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2.2.2023 về lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và nhiều quy định khác...)
Hai là, nắm chắc và chuẩn bị tinh thần cho các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Các cơ quan nội chính phải thật sự là những “thanh bảo kiếm sắc bén” và “lá chắn vững chắc”; phải nắm vững, nắm chắc và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.
Ba là, tuyên truyền, phổ biến, phát động để toàn dân hưởng ứng, tích cực tham gia. “Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Bốn là, quyết định điểm tựa, mũi tiến công chắc thắng, bắt đầu từ trên xuống, từ trong Đảng ra, nâng lên niềm tin của nhân dân và của toàn xã hội.
Năm là, phải chống cả tham nhũng lớn và cả tham nhũng vặt, kiên quyết chống, chống triệt để.
Nói một cách tổng quát thì, phương pháp chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang đầy đủ tính khoa học, tính thực tiễn, thân dân, đã và đang đem lại hiệu quả to lớn nhiều mặt.