Quốc hội và Chủ tịch Nước trong Hiến pháp mới

Gs.Tskh Đào Trí Úc 19/01/2014 09:16

Trước khi sửa đổi năm 2013, Chương Quốc hội theo số thứ tự trong Hiến pháp năm 1992 là Chương VI. Trong Hiến pháp (sửa đổi) lần này, vị trí đó không thay đổi. Chương VI của Hiến pháp năm 1992 có 18 điều (từ Điều 83 tới Điều 100); đến Chương VI của Hiến pháp mới có 17 Điều (từ Điều 69 đến Điều 85).

I. Về Chương VI - Quốc hội

Trước khi sửa đổi năm 2013, Chương Quốc hội theo số thứ tự trong Hiến pháp năm 1992 là Chương VI. Trong Hiến pháp (sửa đổi) lần này, vị trí đó không thay đổi. Chương VI của Hiến pháp năm 1992 có 18 điều (từ Điều 83 tới Điều 100); đến Chương VI của Hiến pháp mới có 17 Điều (từ Điều 69 đến Điều 85).

Hiến pháp mới tiếp tục khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam (Điều 69).

Trước hết về quyền lập hiến, quy định này phù hợp và nhất quán với quy định có tính mới quan trọng tại Điều 120 của Hiến pháp, theo đó vẫn để ngỏ khả năng về một cơ chế lập hiến với sự kết hợp giữa thẩm quyền của Quốc hội với quyền lập hiến của nhân dân thông qua thẩm quyền của Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp.

Điều 120 của Hiến pháp cũng đã quy định các chủ thể sáng kiến lập hiến. Theo đó, Chủ tịch Nước, UBTVQH, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số ĐBQH có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành. Nếu hiểu quyền trình sáng kiến lập hiến là một yếu tố không thể thiếu được của quyền lập hiến thì sự khẳng định tại Điều 69 là hoàn toàn phù hợp.

Về quyền lập pháp, Điều 84 của Hiến pháp quy định các chủ thể sáng kiến lập pháp bao gồm Chủ tịch Nước, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật trước QH, trình dự án pháp lệnh trước UBTVQH. ĐBQH có quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh và dự án luật, dự án pháp lệnh trước QH, UBTVQH. Có thể thấy rằng, nội dung quy định này không có gì mới so với quy định của Hiến pháp năm 1992 (Điều 87 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001), nhưng quy định tại Điều 69 với việc bỏ quy định QH là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp đã khắc phục triệt để các hạn chế được nhiều người nói đến của Hiến pháp 1992 trước đây.

Cũng có thể nói thêm rằng, quy định tại Khoản 6 Điều 88 của Hiến pháp mới về thẩm quyền của Chủ tịch Nước ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, trình QH phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế quy định tại Khoản 14 Điều 70 của Hiến pháp cũng là một yếu tố thuộc về quyền lập pháp.
So với Hiến pháp năm 1992, QH chỉ giữ lại thẩm quyền phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của những điều ước quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa XHCN Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của QH.

Những quy định đó thể hiện tinh thần về một mức độ phân quyền nhất định trong việc thực hiện quyền lập pháp của QH nước ta.

Tinh thần đó cũng thể hiện trong quyền hạn của QH về việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chính sách quốc gia. Theo đó, QH chỉ quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội; quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ (khoản 3, 4 Điều 70 Hiến pháp mới). QH giữ cho mình thẩm quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế, quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ (khoản 4 Điều 70). Đây là những điểm mới của Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013, làm rõ hơn vị trí của QH, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Quy định mới của Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013 tại Khoản 6 Điều 75 về thẩm quyền của UBTVQH đề nghị QH bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức vụ Chủ tịch Nước, Chủ tịch QH, Phó chủ tịch QH, UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của QH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước đã làm rõ và chi tiết hơn quy trình của việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức vụ đó.

Tinh thần phân cấp thẩm quyền của Hiến pháp mới còn thể hiện ở việc phân công về công tác nhân sự của QH. Theo đó, QH chỉ bầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của QH, các Phó chủ tịch của Hội đồng Dân tộc, Phó chủ nhiệm Ủy ban của QH, các Ủy viên Hội đồng Dân tộc và của Ủy ban QH do UBTVQH phê chuẩn.

Quy định tại khoản 3 Điều 77 của Hiến pháp năm 2013 về việc giao cho QH quyết định việc thành lập, giải thể Ủy ban của QH có thể thay đổi. Đó là điều phù hợp với yêu cầu của việc thực hiện các hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của QH ngày càng nhiều hơn và phức tạp hơn. Hiến pháp năm 2013 cũng đã có quy định mới về thẩm quyền của QH thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định.

Về ĐBQH, tiếp tục quy định vị trí, vai trò, thẩm quyền và trách nhiệm của ĐBQH, Hiến pháp năm 2013 có hai điểm mới đáng chú ý. Thứ nhất, Hiến pháp quy định ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước (khoản 1 Điều 79). So với quy định tại Điều 97 của Hiến pháp năm 1992 - ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước, cho thấy một thứ tự ưu tiên trong yêu cầu về quyền hạn và trách nhiệm đại diện của ĐBQH. Quy định này phản ánh quan điểm phù hợp với hiểu biết chung về chế độ đại diện đã được khẳng định ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Cũng với tinh thần nhấn mạnh trách nhiệm đại diện của ĐBQH, Điều 82 Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013 khẳng định: ĐBQH có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đại biểu. Trong khi đó, như chúng ta biết, Hiến pháp năm 1992, tại Điều 100 chỉ quy định rằng: ĐBQH phải dành thời gian để làm nhiệm vụ đại biểu.

Những quy định mới trên đây của Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013 cho thấy rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về việc đồng thời thúc đẩy thực hiện các cơ chế và hình thức dân chủ trực tiếp với việc không ngừng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của các cơ chế và hình thức dân chủ đại diện ở nước ta.

Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013 tại Điều 83 đã đưa ra một quy định quan trọng về tính công khai của kỳ họp của QH. Nếu theo cách trình bày của Điều 83 này thì họp công khai là phổ biến, còn việc họp kín chỉ do QH quyết định khi cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch Nước, UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất 1/3 tổng số ĐBQH.

II. Về Chương VII - Chủ tịch Nước

Có thể thấy rằng, Hiến pháp năm 2013 không có sự thay đổi đáng kể về hình thức của Chương về chế định Chủ tịch Nước.

Hiến pháp năm 1992 trước đây có 8 điều (từ Điều 101 đến Điều 108) đặt ở Chương VII, Hiến pháp năm 2013 cũng có 8 điều (từ Điều 86 đến Điều 93) và vị trí của chương vẫn là thứ 7 trong cấu trúc của bản Hiến pháp.

Hiến pháp năm 2013 tiếp tục quy định Chủ tịch Nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại (Điều 86). Chủ tịch Nước do QH bầu trong số các ĐBQH, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước QH, có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của QH.

Với các quy định trên đây về nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Nước, có thể thấy rằng, trong mối quan hệ với QH, với hoạt động lập pháp và trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ khác của QH cũng như trong mối quan hệ với Chính phủ và với các cơ quan tư pháp, Chủ tịch Nước ở nước ta tiếp tục được Hiến pháp xác định là một thiết chế quan trọng trong bộ máy nhà nước, có vai trò phối hợp quyền lực, là bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện các chức năng đối nội, đối ngoại của Nhà nước và cho hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp của quyền lực nhà nước.

Hiến pháp mới chỉ có một vài điều chỉnh nhỏ nhằm quy định cụ thể hơn thẩm quyền phong, thăng, giáng, tước quân hàm các cấp của lực lượng vũ trang nhân dân, trong việc yêu cầu Chính phủ họp bàn vấn đề mà Chủ tịch Nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Nước.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quốc hội và Chủ tịch Nước trong Hiến pháp mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO