Quốc hội và bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
Tại Kỳ họp đầu tiên ngày 2.3.1946, Tuyên ngôn gửi quốc dân đồng bào nêu rõ: “Quốc hội Việt Nam ra lệnh cho toàn thể quốc dân tận lực chống giữ giang sơn và xây dựng lại Tổ quốc để dân tộc Việt Nam tiến nhanh tới vinh quang, cường thịnh”. Nhân danh phạm vi quyền hạn do QH ấn định, Ban Thường trực QH đã luôn đi bên cạnh Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ và làm việc theo chế độ dân chủ, nhanh chóng thống nhất và giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Đầu tháng 3.1946, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về “giảng hòa với Pháp nhằm giành được giây phút nghỉ ngơi để sửa soạn cuộc chiến đấu mới”, Chính phủ dự định sẽ ký với đại diện của Chính phủ Pháp một hiệp định để thực hiện sự hòa hoãn nhằm tranh thủ thêm thời gian hòa bình, củng cố và phát triển lực lượng. Chiểu theo Nghị quyết của QH, sáng ngày 6.3.1946, tại Dinh Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban thường trực QH đã tán thành cùng với Hội đồng Chính phủ họp bàn về nội dung hiệp định.
Sau khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo về chính sách ngoại giao và nội dung của hiệp định, Hội đồng đã thảo luận và nhất trí tán thành việc ký Hiệp định Sơ bộ với Pháp theo điều kiện mà hai bên thỏa thuận, bao gồm những điều khoản có quan hệ đến vận mệnh độc lập của dân tộc và chủ quyền quốc gia. Trưởng ban Thường trực Nguyễn Văn Tố thay mặt Ban Thường trực QH đã tán thành đường lối chính trị của Chính phủ. Kết quả là một bản Hiệp định Sơ bộ Việt – Pháp đã được ký kết, mở đầu cho một giai đoạn mới trong việc giao thiệp Việt – Pháp.
Để gây tình giao hảo giữa QH Việt Nam và QH Pháp, giữa dân chúng Việt Nam và dân chúng Pháp, đặc biệt để sửa soạn cuộc đàm phán chính thức giữa hai Chính phủ Việt – Pháp, thể theo đề nghị của Chính phủ, ngày 16.4.1946, Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực QH tổ chức một phái đoàn của QH gồm 10 đại biểu do ông Phạm Văn Đồng, Phó Trưởng ban Thường trực QH dẫn đầu sang thăm Pháp. Trong những ngày ở Pháp, phái đoàn QH ta đã luôn cố gắng để gây mối thiện cảm giữa hai dân tộc Việt – Pháp, làm cho số đông chính khách Pháp, nhất là nhân dân Pháp hiểu rõ cuộc đấu tranh vì độc lập của Việt Nam và mong muốn quan hệ giữa hai dân tộc Việt – Pháp được thân thiện trên nền tảng thừa nhận ý nguyện về quyền độc lập và thống nhất của Việt Nam.
Trong khi đó, ở trong nước, nhất là ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, quân Pháp vẫn luôn luôn có hành động khiêu khích nhằm phá hoại Hiệp định Sơ bộ. Ban Thường trực QH đã lên tiếng phản kháng và tố cáo những hành vi bội tín của bọn phản động Pháp trước dư luận thế giới và hô hào quốc dân đồng bào đoàn kết chặt chẽ, sẵn sàng đối phó. Để có cơ sở pháp lý làm căn cứ đấu tranh, Văn phòng Ban thường trực QH đã phục vụ Ban Thường trực ra Lời hiệu triệu quốc dân đồng bào phải “chuẩn bị”, “đoàn kết”, “bình tĩnh”, “tránh khiêu khích” nhằm chống lại những hành vi của thực dân Pháp vi phạm Hiệp định Sơ bộ. Lời kêu gọi của Ban Thường trực QH đã được quốc dân đồng bào hưởng ứng, tin tưởng, tôn trọng.
Sau khi bản Hiệp định Sơ bộ được ký kết, tình thế cách mạng có nhiều thay đổi, bộ máy nhà nước, đặc biệt là bộ máy chính quyền ở các cấp đã dần dần được củng cố. Ban Thường trực QH đã tích cực tham gia vào công cuộc kiến thiết đất nước. Văn phòng Ban Thường trực QH đã chủ động trong việc phục vụ các Tiểu ban Pháp chính, Tiểu ban Kinh tế và Tài chính, Tiểu ban Xã hội xem xét và cho ý kiến 98 dự án sắc lệnh do Chính phủ gửi sang. Ý kiến của Ban Thường trực QH về các dự án sắc lệnh đã được Chính phủ tiếp thu và cho sửa đổi Sắc lệnh về việc hội họp, việc ấn loát, Sắc lệnh về lao động và giáo dục...
Ngoài ra, Văn phòng còn phục vụ Ban Thường trực QH tiếp nhận, xem xét kỹ lưỡng các đề nghị của nhân dân về xây dựng đời sống nông thôn rồi chuyển giao cho các cơ quan phụ trách của Chính phủ. Văn phòng Ban Thường trực QH còn phối hợp với các bộ, ngành trong việc hoàn thành nhiệm vụ như cứu đói, phòng, chống thiên tai, bình dân học vụ, giám sát, lập lại kỷ cương văn hóa – xã hội...; đồng thời tích cực phối hợp với Văn phòng Phủ Thủ tướng trong việc thi hành những phương sách thích hợp để chăm lo đời sống cho nhân dân, tăng cường đoàn kết dân tộc xây dựng mặt trận quốc gia liên hiệp thống nhất để chống xâm lược, giữ vững chính quyền và kiến thiết đất nước.
Ngày 3.5.1946, Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực QH thành lập một phái đoàn QH đi cùng với đại diện của Chính phủ vào Trung Bộ để giải thích cho đồng bào hiểu rõ chính sách liên hiệp của Chính phủ Hồ Chí Minh. Tiếp đó, ngày 14.8.1948, Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực QH trong việc chỉ đạo soạn thảo tuyên ngôn để hiệu triệu quốc dân đồng bào đoàn kết chặt chẽ, đập tan mọi âm mưu chia rẽ dân tộc của kẻ địch.
Ngoài các hoạt động kể trên, Văn phòng còn thường xuyên tiếp nhận đơn, thư khiếu nại của nhân dân gửi tới Ban Thường trực QH(1). Văn phòng đã xem xét, phân loại và chuyển các đơn khiếu nại của nhân dân cho các cơ quan chức năng giải quyết.
Như vậy, từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 11.1946, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường trực QH đã cùng với Chính phủ đưa nước nhà vượt qua muôn vàn thử thách để bảo vệ chính quyền cách mạng, xây dựng thực lực của dân tộc về mọi mặt. Mặc dù số lượng cán bộ làm công tác Văn phòng giúp việc Ban Thường trực QH còn ít, nhưng mọi công tác từ văn thư, đánh máy, ấn loát, giao thông liên lạc... đến các công việc theo dõi tình hình hoạt động của các địa phương để giúp Ban Thường trực nắm bắt và phối hợp chỉ đạo kịp thời, giữ gìn, bảo đảm thông suốt các đường dây liên lạc giữa Ban Thường trực với các Đoàn ĐBQH; tham gia các đoàn công tác trực tiếp đi tìm hiểu tình hình ở từng địa phương trong những trường hợp cần thiết vẫn được cán bộ Văn phòng còn phục vụ thực hiện đầy đủ và chu đáo. Ngoài ra, Văn phòng còn phục vụ Ban Thường trực QH thực hiện các nhiệm vụ đối nội và ngoại giao của chính quyền cách mạng, góp phần đưa nước nhà vượt qua tình thế hiểm nghèo.
Cuối năm 1946, tình hình đất nước hết sức căng thẳng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, “chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Song chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới”. Trên thực tế, thực dân Pháp đã liên tục mở các cuộc hành quân lấn chiếm ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và lập ra cái gọi là “Chính phủ Nam Kỳ tự trị” nhằm thực hiện âm mưu tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, theo yêu cầu của Chính phủ, Ban Thường trực QH đã triệu tập kỳ họp thứ Hai của QH tại Nhà hát Lớn, Hà Nội từ ngày 28.10 đến ngày 9.11.1946 để thảo luận và thông qua các Nghị quyết về nội trị, ngoại giao, về việc lập Chính phủ mới, việc phát hành giấy bạc và thông qua các đạo luật quan trọng. Để kỳ họp QH thu được kết quả, Văn phòng Ban Thường trực QH đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ phục vụ QH, các ĐBQH và phục vụ ông Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Thường trực QH chuẩn bị báo cáo về hoạt động của Ban Thường trực.
Tại kỳ họp này, ngoài việc thảo luận dự án Luật lao động, QH đã thảo luận dự án Luật lao động, QH đã thảo luận và thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Để có bản Hiến pháp được QH thông qua ngày 9.11.1946, cán bộ, nhân viên Văn phòng Ban Thường trực QH đặc biệt là phục vụ Tiểu ban Hiến pháp trong việc tập hợp các ý kiến, kiến nghị của dân chúng và thu thập các kinh nghiệm về Hiến pháp của các nước làm tài liệu tham khảo, giúp Tiểu ban Hiến pháp xây dựng dự án Hiến pháp trình QH.
Bản Hiến pháp đã được QH thông qua, nhưng do chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đang lan rộng, nên QH đã biểu quyết chưa ban hành Hiến pháp bằng một sắc lệnh và chưa thi hành Hiến pháp ngay. Vì vậy, việc bầu Nghị viện nhân dân theo quy định của Hiến pháp chưa tổ chức được, QH chưa hết nhiệm vụ mà phải tiếp tục hoạt động cho đến khi bầu được Nghị viện nhân dân. Một lần nữa, QH lại thảo luận sôi nổi về nhiệm vụ của Ban Thường trực trước những nhiệm vụ mới như:
1. Liên lạc với Chính phủ để góp ý kiến và phê bình Chính phủ;
2. Cùng với Chính phủ quyết định sự ban bố và thi hành Hiến pháp;
3. Liên lạc với các ĐBQH và triệu tập QH khi cần thiết;
4. Cùng với Chính phủ quyết định tuyên chiến, đình chiến hoặc ký kết hiệp ước với nước ngoài.
Ban Thường trực QH được bầu tại kỳ họp thứ 2 gồm có 18 vị (trong đó có 15 ủy viên chính thức và 3 ủy ban dự khuyết) do cụ Bùi Bằng Đoàn(2) làm Trưởng ban.
Kỳ họp thứ Hai đã kết thúc thắng lợi trong ngày 9.11.1946. Văn phòng đã phục vụ Đoàn Chủ tịch Kỳ họp dự thảo Lời Quốc hội gửi đồng bào toàn quốc để kịp thông báo với đồng bào về việc QH đã làm xong nhiệm vụ nặng nề nhất mà quốc dân giao phó là thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và quyết định những vấn đề chính trị, kinh tế, tài chính của đất nước. Trong Lời Quốc hội gửi đồng bào có đoạn viết: Cuộc giải phóng dân tộc chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới. Chúng ta đã nỗ lực phấn đấu, chúng ta phải nỗ lực thêm lên, chúng ta đã đoàn kết, chúng ta phải đoàn kết hơn nữa. Nước Việt Nam nhất định độc lập, Trung Nam Bắc nhất định thống nhất. Toàn dân đoàn kết phán đấu nỗ lực, công cuộc kiến thiết quốc gia mạnh mẽ thành công sẽ đưa nước Việt Nam hoàn toàn độc lập mạnh mẽ tiến bước trên con đường vinh quang, hạnh phúc.(3)
Trích Lịch sử Văn phòng Quốc hội - NXB Chính trị Quốc gia - Hà Nội 2007
__________________________________
(1). Phần đông dân chúng đều tưởng QH cũng như một cơ quan hành chính, nên thường gửi đơn hoặc trực tiếp đến trụ sở Ban Thường trực QH để khiếu nại về các việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Theo Báo cáo của Ban Thường trực QH ngày 30.10.1946. Lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
(2). Cụ Bùi Bằng Đoàn (1886 -1955), quê làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây. Cụ là một nhân sỹ yêu nước, nguyên là Thượng thư Cơ mật viện đại thần của triều Nguyễn. Trong cuộc bầu cử ngày 6.1.1946, cụ Bùi Bằng Đoàn đã trúng cử ĐBQH Khóa I của tỉnh Hà Đông (cũ) rồi được bầu làm Trưởng ban Thường trực QH. Giữa năm 1948, cụ Bùi Bằng Đoàn lâm bệnh không thể làm việc được. Cụ Tôn Đức Thắng, Phó trưởng ban được Ban thường trực QH cử làm Quyền Trưởng ban. Theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Bùi Bằng Đoàn được đưa từ chiến khu Việt Bắc vào vùng tự do Liên khu III (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), rồi vào vùng tự do Liên khu IV (tỉnh Thanh Hóa) để chữa bệnh. Cụ từ trần ngày 13.4.1955. Xem Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn kiện QH toàn tập, t.1 (1945 – 1960), Sđd, tr.1524 và Lâm Quang Thự, Người con đất Quảng, Nxb. Đà Nẵng, 2005, tr.211.
(3). Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn kiện Quốc hội toàn tập, t.1 (1945 -1960), Sđd, 2006, tr101.