Quốc hội Ukraine: Quốc hội thực hiện quyền hạn như thế nào?
Theo Hiến pháp, Quốc hội Ukraine là cơ quan có chức năng lập pháp duy nhất ở nước này; quyết định các chính sách đối nội và đối ngoại; sửa đổi Hiến pháp; ban hành luật; ấn định bầu cử Tổng thống; luận tội Tổng thống; bổ nhiệm Thủ tướng, bổ nhiệm hoặc chấp thuận việc bổ nhiệm một số quan chức; bổ nhiệm 1/3 số thẩm phán Tòa án Hiến pháp; bầu các thẩm phán theo nhiệm kỳ suốt đời; phê chuẩn và bãi bỏ các điều ước quốc tế; tuyên bố chiến tranh và hòa bình; giám sát chính phủ.

Để nhìn nhận cụ thể hơn về chức năng lập pháp, hãy thử xem chương trình nghị sự kỳ họp thứ 5 của Quốc hội Ukraine có dự luật về vấn đề quản lý đất đai, về trưng cầu dân ý, về văn phòng Tổng thống Ukraine, các cơ quan cố vấn và các cơ quan giúp việc khác, các cơ quan bảo đảm hoạt động cho tổng thống, Quỹ tài sản quốc gia, các khu vực kinh tế tự do; sửa đổi Bộ luật hình sự, Bộ luật về vi phạm hành chính, Bộ luật tố tụng hình sự, dự thảo luật sửa đổi Hiến pháp Ukraine, luật biển và luật lao động… Hoặc trong tuần làm việc từ ngày 8-11.9.2009, Quốc hội phải xem xét hơn 100 dự luật, gồm cả các dự luật tồn lại từ tuần trước.
Như ở các nước khác, Quốc hội Ukraine cũng có thẩm quyền về ngân sách quốc gia. Vào cuối năm 2009, Quốc hội đã nhận được dự thảo nghị quyết số N5000-P “Rút dự thảo luật về Ngân sách quốc gia Ukraine năm 2010 khỏi chương trình nghị sự” do khối Đảng khu vực trình. Theo đó, dự thảo ngân sách năm 2010 do Chính phủ đệ trình và được đăng ký tại Quốc hội ngày 15.9.2009 có những nội dung đi ngược lại quy định của Hiến pháp Ukraine, các văn bản pháp luật. “Trong thời hạn một tuần kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực giao Chính phủ chỉnh lý dự luật về Ngân sách quốc gia Ukraine năm 2010 và đệ trình lần hai”, - dự thảo nghị quyết nêu rõ. Cũng về thẩm quyền ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Vladimir Litvin từng ký luật chi 9,8 tỷ grivna cho công tác chuẩn bị Euro 2012. Hoặc là Quốc hội Ukraine đã tăng chi phí cho công tác chống cúm, từ 200 triệu grivna lên 608 triệu grivna.
Liên quan đến chức năng giám sát chính phủ, trước vụ bê bối say xỉn ở sân bay nước ngoài, Quốc hội đã bỏ phiếu phê chuẩn quyết định điều tra công vụ và ngưng chức Bộ trưởng Nội vụ Lusenko trong một tuần. Kết quả điều tra phải được Chính phủ thông báo cho Rađa Tối cao “để có phản ứng thích hợp và thông qua quyết định thích hợp”. Ngoài ra, “các khối đại biểu được đề nghị cử người tham gia Uỷ ban điều tra lâm thời của Quốc hội về vấn đề này”. Cá nhân đại biểu Quốc hội có thể trình dự thảo nghị quyết về việc cách chức bộ trưởng. Chẳng hạn, vào giữa năm 2009, các nghị sỹ trình 7 nghị quyết về việc cách chức các bộ trưởng, trong đó nghị quyết về việc cách chức Bộ trưởng giao thông và liên lạc đã được phê chuẩn. Cũng trong năm 2009, Quốc hội Ukraine thông qua nghị quyết cách chức Bộ trưởng quốc phòng Ukraine do có rất nhiều sai phạm. Ngược lại, Quốc hội Ukraine cũng phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng bộ ngoại giao Ukraine theo đề xuất của Tổng thống Ukraine lúc đó là Victor Yushenko.
Một trong những quyền hạn của Quốc hội Ukraine là ấn định thời hạn và cách thức tổ chức bầu cử tổëng thống. Ví dụ, năm 2009, Quốc hội đã ấn định ngày bầu cử Tổng thống vào 17.1.2010. Quốc hội giao cho Ủy ban của Quốc hội về vấn đề xây dựng nhà nước và quản lý địa phương chịu trách nhiệm thẩm tra dự luật sửa đổi Luật bầu cử tổng thống; giao cho chính phủ thông qua các biện pháp cần thiết, trong đó có vấn đề tài chính và danh sách cử tri đúng luật trước khi bắt đầu chiến dịch tranh cử; giao cho Uỷ ban bầu cử trung ương nhiệm vụ bảo đảm tổ chức quá trình tranh cử, kiểm tra lại thông tin cá nhân của các cử tri có trong danh sách.