Chính trị

Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật

Hoàng Ngọc 17/05/2025 13:00

Sáng 17/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật với 416/443 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 93,90%.

Người trực tiếp xây dựng pháp luật được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Nghị quyết quy định chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp). Bao gồm:

Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách.

Lãnh đạo, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có vị trí việc làm xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế, nghiên cứu viên thuộc cơ quan, đơn vị theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này.

Trường hợp cơ quan, đơn vị theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này có thay đổi về tên gọi, chức năng hoặc mô hình tổ chức của cơ quan, đơn vị thì việc xác định đối tượng được hỗ trợ quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của Chính phủ.

hai-ninh-quang-canh.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Đối tượng khác thuộc khối các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định; Đối tượng khác thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương do Chính phủ quy định; Đối tượng không thuộc các điểm a, b, c, d và đ khoản này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Quy định đối tượng khác được hỗ trợ hàng tháng tại các điểm d, đ và e khoản này phải bảo đảm đúng đối tượng là người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật, phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị quyết này.

Quy định tại khoản 1 Điều 7 không áp dụng đối với người giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo từ Thứ trưởng và tương đương trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 7. Khoản hỗ trợ hằng tháng quy định tại khoản 1 Điều 7 được trả cùng kỳ lương và không dùng làm căn cứ để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Thu nhập từ công tác xây dựng pháp luật theo quy định tại Nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước.

Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều 7 thuộc đối tượng được hưởng đồng thời nhiều chính sách hỗ trợ hằng tháng thì chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ cao nhất.

Người tốt nghiệp xuất sắc và hoàn thành chương trình đào tạo chuyên sâu về pháp luật được ưu tiên xét tuyển

Nghị quyết xác định người tốt nghiệp xuất sắc trình độ đại học trở lên trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau và hoàn thành chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật thì được ưu tiên xét tuyển vào các cơ quan, đơn vị tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này.

Chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật được thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Người thực hiện nhiệm vụ, hoạt động theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết này được ưu tiên cử tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước, nước ngoài phù hợp với yêu cầu công tác.

Thực hiện chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng, kéo dài thời gian công tác, không giữ chức vụ đối với cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc về xây dựng pháp luật.

Cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang, nghiên cứu viên theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết này được ưu tiên quy hoạch, biệt phái, điều động, luân chuyển giữa các Bộ, ngành, địa phương; được rút ngắn thời gian xét nâng lương, nâng ngạch cao hơn, nâng ngạch vượt cấp hoặc bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý trên cơ sở kết quả đánh giá năng lực, thành tích làm việc.

Thực hiện cơ chế đặc biệt thu hút, xét tuyển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tiễn về pháp luật quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế; đưa chuyên gia Việt Nam vào làm việc tại bộ phận pháp lý của tổ chức quốc tế, tổ chức pháp lý quốc tế và cơ quan tài phán quốc tế.

Cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang được lựa chọn tham gia, làm việc tại bộ phận pháp lý của tổ chức quốc tế, tổ chức pháp lý quốc tế và cơ quan tài phán quốc tế được hưởng chế độ, chính sách tham gia, làm việc tại tổ chức quốc tế và giữ nguyên chế độ, chính sách trong nước.

Người đứng đầu cơ quan quản lý người được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều 7 Nghị quyết này có trách nhiệm tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá, sàng lọc để bảo đảm yêu cầu, nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật.

Trường hợp chưa được xem xét hỗ trợ hàng tháng nhưng có thực hiện nhiệm vụ trong quy trình xây dựng pháp luật thì nhận hỗ trợ theo mức khoán chi

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

hai ninh
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý
dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Lâm Hiển

Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng hưởng hỗ trợ hàng tháng bằng 100% hệ số lương hiện hưởng là đại biểu HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách và lãnh đạo, công chức trực tiếp giúp việc thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Chính phủ xin tiếp thu tiếp thu, bổ sung đối tượng hưởng hỗ trợ hàng tháng bằng 100% hệ số lương hiện hưởng là đại biểu HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách, bởi đây là nhóm cán bộ cơ bản bảo đảm tiêu chí “trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu chính sách, xây dựng pháp luật” quy định tại Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị và được nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị .

Chưa xem xét, bổ sung ngay một số đối tượng khác do đại biểu Quốc hội đề nghị vì đây là những đối tượng cũng đã được đưa ra thảo luận trong quá trình xây dựng Nghị quyết nhưng chưa đạt được sự thống nhất cao của các cơ quan, có thể dẫn tới việc so sánh, mở rộng hơn đối tượng thụ hưởng ở nhiều cơ quan Trung ương khi xét tới tính chất công việc “trực tiếp, thường xuyên” liên quan đến công tác xây dựng pháp luật. Do vậy, dự thảo Nghị quyết hoàn thiện theo hướng giao cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung sau trên cơ sở bảo đảm đúng đối tượng theo quy định.

Trường hợp các đối tượng chưa được xem xét hỗ trợ hằng tháng nhưng có thực hiện nhiệm vụ trong quy trình xây dựng pháp luật thì vẫn nhận hỗ trợ theo mức khoán chi, thù lao vượt trội trong việc tham gia xây dựng từng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nêu trong Phụ lục II.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO