Tham dự Phiên bế mạc có: Tổng Bí thư Tô Lâm, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; các nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Cùng dự còn có: các Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước và nguyên Phó Chủ tịch nước; các Phó Thủ tướng Chính phủ và nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; các nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và lãnh đạo các địa phương.
Về phía Quốc hội có các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương, Nguyễn Thị Thanh; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn và các đại biểu Quốc hội thuộc 63 Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại Phiên bế mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV với 458/460 tổng số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, đạt 95,62%.
Cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử
Trong Nghị quyết, Quốc hội thống nhất đánh giá, sau 2 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, với tinh thần đổi mới, đồng hành cùng Chính phủ, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám đã thành công tốt đẹp, thu hút sự quan tâm của cử tri và Nhân dân cả nước.
Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Qua chất vấn, Quốc hội nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và bất cập cần khắc phục trong công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông.
Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết mà Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam và các thành viên khác của Chính phủ đã báo cáo tại phiên chất vấn.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các nội dung sau:
Đối với lĩnh vực ngân hàng, bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Triển khai các giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Nghiên cứu có chính sách hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng, chuyển nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các doanh nghiệp kinh doanh vàng; tăng cường các biện pháp phòng, chống buôn lậu vàng; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Chậm nhất tháng 6.2025, tiến hành tổng kết, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3.4.2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thành lập các sàn giao dịch ngoại hối (Forex) trái quy định của pháp luật.
Đối với lĩnh vực y tế, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24.6.2023 của Quốc hội giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch ngành quốc gia khác, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cùng thời kỳ.
Xây dựng kế hoạch dự trữ một số loại thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để hỗ trợ các cơ sở y tế trong trường hợp vượt quá khả năng đáp ứng “tại chỗ” của các địa phương, đơn vị. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động, tiếp nhận sự hỗ trợ, ủng hộ về y tế của các tổ chức, cộng đồng quốc tế trong ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Tập trung triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể.
Nghiên cứu sửa đổi Luật Báo chí, bảo đảm chất lượng
Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin, truyền thông bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phát triển. Nghiên cứu sửa đổi Luật Báo chí, bảo đảm chất lượng. Sớm ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đổi mới cơ chế tài chính, giao nhiệm vụ, đặt hàng đối với cơ quan báo chí. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ quan báo chí; thực hiện có hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong năm 2025, hình thành, kết nối mạng lưới chuyển đổi số báo chí.
Nâng cao năng lực của cán bộ, đầu tư phương tiện, hệ thống công cụ kỹ thuật để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và giám sát thông tin trên không gian mạng. Phát triển hệ thống giám sát, tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để rà quét, phát hiện các vi phạm về quảng cáo trên các nền tảng số. Thúc đẩy xây dựng, công nhận nền tảng số đo lường dữ liệu độc giả của Việt Nam để công bố dữ liệu phục vụ cho quảng cáo trên báo chí.
Thực hiện hiệu quả Luật Viễn thông, Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 và Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Từng bước ngầm hóa cáp viễn thông tại địa phương, ưu tiên ngầm hóa các tuyến truyền dẫn trục, quan trọng. Tiếp tục kiên cố hoá hạ tầng viễn thông, xây dựng các trạm thu phát sóng thông tin di động đến cấp huyện, xã, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ viễn thông để ứng phó hiệu quả với các tình huống, sự cố khẩn cấp. Khẩn trương ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông về hoạt động viễn thông công ích.
Theo Nghị quyết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, các cơ quan, tổ chức hữu quan, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết; Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết tại các kỳ họp sau.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.