Luật chỉ quy định các vấn đề mang tính ổn định, có giá trị lâu dài
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội quy định, Quốc hội ban hành luật để quy định về các nội dung về: tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước, chính quyền địa phương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và cơ quan khác do Quốc hội thành lập; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân mà theo Hiến pháp phải do luật định; việc hạn chế quyền con người, quyền công dân; tội phạm và hình phạt; tố tụng tư pháp.

Luật cũng quy định về: chính sách cơ bản về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, tài chính, tiền tệ quốc gia, ngân sách nhà nước; quy định các thứ thuế, về huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước; chính sách cơ bản về quốc phòng, an ninh quốc gia; hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân; tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia; chính sách cơ bản về đối ngoại; hàm, cấp ngoại giao; hàm, cấp nhà nước khác; chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước; trưng cầu ý dân; cơ chế bảo vệ Hiến pháp; vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp và luật.
Theo đó, Luật chỉ quy định các vấn đề mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; quy định cụ thể các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân, tố tụng tư pháp, các vấn đề có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân và xã hội.
Đối với các nội dung quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực, các vấn đề mới, có tính kiến tạo phát triển, các vấn đề chưa có thực tiễn kiểm nghiệm, Luật chỉ quy định các nội dung chính sách có tính nguyên tắc, định hướng thuộc thẩm quyền của Quốc hội để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng; phân quyền cho Chính phủ, các cơ quan trong bộ máy nhà nước trong việc tiếp tục cụ thể hóa các quy định của luật và thực hiện phân cấp bảo đảm phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện của từng cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương các cấp và kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn; cơ bản không quy định các nội dung về thủ tục hành chính, về quy trình, quy chuẩn chuyên môn, kỹ thuật và các nội dung có tính biến động cao.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội cũng quy định, việc xây dựng pháp luật theo từng nhiệm kỳ được xác định và thực hiện theo Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội và Chương trình lập pháp hàng năm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì xây dựng Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quyết định và điều chỉnh Chương trình lập pháp hàng năm của Quốc hội; cho ý kiến về dự án luật, dự thảo nghị quyết, về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội trước khi trình Quốc hội và chủ trì tổ chức việc trình Quốc hội xem xét, thông qua luật, nghị quyết.
Sẽ họp không thường lệ khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số ĐBQH
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước (Điều 5), đa số ý kiến các ĐBQH tán thành quy định tại Điều 5 nhằm phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước.
Một số ý kiến tuy tán thành, nhưng đề nghị chuyển sang quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về vấn đề này, Báo cáo nêu rõ, việc quy định nội dung này trong Luật Tổ chức Quốc hội là xuất phát từ yêu cầu Luật Tổ chức Quốc hội phải phân định rõ ràng, rành mạch phạm vi, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan theo đúng quy định của Hiến pháp. Đây là đạo luật quy định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội nên cần bổ sung và làm rõ hơn thẩm quyền của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ “làm luật và sửa đổi luật” quy định tại khoản 1 Điều 70 của Hiến pháp năm 2013; thống nhất với cách thức quy định hiện nay tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) cũng được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.
Hơn nữa, việc sửa đổi, bổ sung Điều 5 nhằm cụ thể hóa yêu cầu về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, xác định rõ phạm vi những nội dung cần được quy định bằng luật, nghị quyết của Quốc hội và quy định có tính nguyên tắc, định hướng về mức độ chi tiết cần được quy định trong luật, làm cơ sở cho việc thực hiện thẩm quyền làm luật và sửa đổi luật của Quốc hội.

Với tinh thần đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này trong dự thảo Luật và chỉnh lý các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 để bảo đảm phù hợp với Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị và thống nhất với dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Về kỳ họp Quốc hội (Điều 90), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, khoản 2, Điều 90 được sửa đổi, bổ sung và sửa kỹ thuật tại khoản 1, khoản 3 Điều 33, khoản 2 Điều 91, khoản 1 Điều 92 của Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng cụ thể hóa quy định về “Quốc hội họp bất thường” tại khoản 2 Điều 83 của Hiến pháp.
Theo đó, Quốc hội họp thường lệ mỗi năm 2 kỳ. Kỳ họp không thường lệ của Quốc hội được tổ chức khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số ĐBQH để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Đồng thời, sẽ tiếp tục nghiên cứu việc đánh số các kỳ họp thường lệ và không thường lệ của Quốc hội cho phù hợp để thực hiện thống nhất từ nhiệm kỳ sau.