Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách
Luật Dữ liệu gồm 5 chương, 46 điều, quy định về dữ liệu số; xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu số; Trung tâm dữ liệu quốc gia; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu số; quản lý về dữ liệu số; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu số.
Theo quy định của Luật, dữ liệu số là dữ liệu về sự vật, hiện tượng, sự kiện, bao gồm một hoặc kết hợp các dạng âm thanh, hình ảnh, chữ số, chữ viết, ký hiệu được thể hiện dưới dạng kỹ thuật số.
Luật nghiêm cấm lợi dụng việc xử lý dữ liệu, quản trị dữ liệu, phát triển, kinh doanh, lưu hành sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu để xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình xử lý dữ liệu, quản trị dữ liệu hoặc tấn công, chiếm đoạt, phá hoại cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin phục vụ quản lý, xử lý, quản trị, bảo vệ dữ liệu.
Luật cũng nghiêm cấm hành vi giả mạo; cố ý làm sai lệch, làm mất, làm hư hỏng dữ liệu trong cơ sở dữ liệu của cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; cố ý cung cấp dữ liệu sai lệch hoặc không cung cấp dữ liệu theo quy định của pháp luật.
Biện pháp bảo vệ dữ liệu được áp dụng trong toàn bộ quá trình xử lý dữ liệu, bao gồm: xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, quy định bảo vệ dữ liệu; quản lý hoạt động xử lý dữ liệu; xây dựng và triển khai các giải pháp kỹ thuật; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, quản lý nguồn nhân lực; các biện pháp bảo vệ dữ liệu khác theo quy định của pháp luật.
Luật quy định Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở trung ương để thúc đẩy phát triển, khai thác, ứng dụng, quản trị dữ liệu quốc gia.
Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia được hình thành từ các nguồn tài chính sau đây: hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước; từ nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; từ nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025.
Quy định về thời gian cung cấp dữ liệu và cơ chế bảo đảm tính khả thi
Trước đó, trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dữ liệu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về cung cấp dữ liệu cho cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (Điều 18 dự thảo Luật Chính phủ trình), có ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn; đề nghị quy định về thời gian cung cấp dữ liệu và cơ chế bảo đảm tính khả thi; quy định rõ nguồn dữ liệu nào bắt buộc phải cung cấp, nguồn dữ liệu thuộc loại phải lưu trữ; đề nghị cân nhắc về việc cung cấp dữ liệu cho tổ chức chính trị - xã hội.
Qua nghiên cứu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy định tại khoản 2 Điều 18 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Đối với một số nội dung về yêu cầu, hình thức, thời gian, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân…, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm thuận lợi và tính khả thi của điều luật.
Về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 25 dự thảo Luật Chính phủ trình; nay là Điều 23 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý), một số ý kiến đề nghị xác định rõ loại dữ liệu bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển ra nước ngoài, quy trình chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố trong việc truyền dữ liệu này. Đề nghị nghiên cứu để có sự phân loại các loại dữ liệu, có loại trừ đối với dữ liệu của các doanh nghiệp nước ngoài... để bảo đảm tính khả thi của điều luật.
Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, rà soát và chỉnh lý tên Điều này thành “Chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới” để bảo đảm tính bao quát và bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 23 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: “1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được tự do chuyển dữ liệu từ nước ngoài về Việt Nam, xử lý dữ liệu của nước ngoài tại Việt Nam, được nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật”; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung Điều này.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là nội dung mới, phức tạp, cần tiếp tục đánh giá trong quá trình thi hành Luật. Để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm linh hoạt trong quá trình quản lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ quy định những nội dung cơ bản mang tính nguyên tắc trong dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.