Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cũng nhấn mạnh, việc đổi mới tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan của Quốc hội được thực hiện trên nguyên tắc đúng chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm không gián đoạn trong hoạt động.
Tối ưu hóa chức năng, nhiệm vụ
Tại Họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng và đại diện Thường trực các cơ quan của Quốc hội đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến các nội dung được Quốc hội xem xét, thông qua.

Cụ thể là các Luật, Nghị quyết về tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); các Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù về tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng…
Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng nêu rõ, Kỳ họp bất thường lần thứ Chín có ý nghĩa hết sức quan trọng với các quyết sách tập trung vào hai nội dung chính liên quan đến cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, trong các Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai các dự án quan trọng, như dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có những quyết sách rất quan trọng nhằm bảo đảm ổn định đời sống của người dân, như chính sách về giải quyết đền bù, tái định cư cho người dân sinh sống ở những khu vực triển khai các dự án.

Các chính sách này đã được nghiên cứu qua thực tiễn và đánh giá tác động toàn diện để bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả sau khi được Quốc hội thông qua. Khẳng định điều này, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng mong muốn, các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội, tích cực thông tin, tuyên truyền rộng rãi tới cử tri và Nhân dân cả nước về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ Chín.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội cũng như các cơ quan khác trong hệ thống chính trị tiến hành việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao.
Theo đó, có những cơ quan của Quốc hội, đơn vị của Văn phòng Quốc hội phải kết thúc hoạt động. “Chúng tôi nhận thức rằng, đây là việc cần phải làm trong thời điểm thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị. Các cơ quan của Quốc hội cũng phải là một trong các cơ quan đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ này, đi đầu trong triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, thể chế hóa các quy định liên quan đến tinh gọn bộ máy”, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng nói.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, Quốc hội là một trong các cơ quan đi đầu trong triển khai ngay, triển khai sớm việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Đến nay, cơ bản các khó khăn, vướng mắc liên quan đến sắp xếp bộ máy đang được tích cực giải quyết hiệu quả, tác động rất ít đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Việc sắp xếp cán bộ được thực hiện theo hướng tối ưu hóa chức năng, vị trí công việc, bảo đảm tối đa quyền lợi cho cán bộ...

Trước đó, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ảnh hưởng bởi việc sắp xếp lại bộ máy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, Chính phủ đã có Nghị định số 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để hướng dẫn chung.
Trong Nghị định cũng đề cập đến nội dung bố trí đối với cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo hướng: Tiếp tục sắp xếp cán bộ làm việc tại cơ quan mới nếu vị trí của họ vẫn còn cần thiết; có thể chuyển sang vị trí công tác khác phù hợp với năng lực, vị trí việc làm; chuyển công tác sang cơ quan khác trong cùng hệ thống hoặc các cơ quan có nhu cầu; thực hiện tinh giản biên chế hoặc nghỉ việc nếu không sắp xếp được những vị trí phù hợp.

Với chế độ, chính sách đối với những cán bộ, công chức dôi dư thuộc diện tinh giản, nghỉ việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu nêu rõ, cũng đã có khung theo từng trường hợp tuổi đời còn từ dưới 2 năm, 2 năm đến 5 năm, trên 5 năm đến tuổi nghỉ hưu và cũng được hưởng các chế độ phù hợp, được hưởng lương mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi. Những cán bộ chưa đủ điều kiện để nghỉ hưu có thể chuyển sang vị trí công tác phù hợp và có thể được đào tạo lại để phù hợp với vị trí mới.
"Đối với trường hợp không thể sắp xếp công việc mới, cán bộ, công chức có thể thôi việc theo chế độ hỗ trợ, bao gồm: trợ cấp thôi việc theo số năm công tác; hỗ trợ thử việc làm mới hoặc được đào tạo lại nếu có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu cho biết.
Làm đúng chức năng, nhiệm vụ, theo nguyên tắc “tròn vai”
Trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm thẩm tra đến cùng của Cơ quan thẩm tra trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sáng nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Ngô Trung Thành nêu rõ, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đây là khâu “đột phá của đột phá”.

Do đó, nhằm thể chế hóa quan điểm này của Đảng, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) với những điểm mới rất mạnh mẽ về quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong đó, trọng tâm là đổi mới quy trình xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Và, một trong những đổi mới quan trọng trong quy trình xây dựng và ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngô Trung Thành, đó là theo đúng chức năng, nhiệm vụ các cơ quan có liên quan phải chịu trách nhiệm đến cùng trong quy trình xây dựng và ban hành luật.


Theo đó, Chính phủ với vai trò là cơ quan trình dự án luật, dự thảo Nghị quyết sẽ chịu trách nhiệm đến cùng về xây dựng chính sách, dự án, thuyết trình trước Quốc hội và bảo vệ trước Quốc hội các nội dung được trình; đồng thời, tiếp thu, chính lý, hoàn thiện dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết.
Về vai trò của các cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng nêu rõ, trước đây theo quy trình cũ, sau khi dự án luật, dự thảo nghị quyết được trình ra Quốc hội, cơ quan thẩm tra chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan trình nhằm tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo.
Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết do cơ quan trình chịu trách nhiệm. Cơ quan thẩm tra bên cạnh trách nhiệm thẩm tra để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thì tiếp tục phối hợp với cơ quan trình nhằm tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo sau khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Sau khi cơ quan trình có báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này, cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục có ý kiến về những nội dung được dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý.
“Như vậy, ngoài nhiệm vụ thẩm tra, cơ quan thẩm tra còn có trách nhiệm có ý kiến mang tính chất phản biện đối với những nội dung được dự kiến tiếp thu, giải trình nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Theo quy định của Luật mới, các cơ quan trình và cơ quan thẩm tra làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình theo đúng nguyên tắc tròn vai”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Ngô Trung Thành nhấn mạnh.