Quốc hội Khóa XIV đã làm tốt trọng trách lịch sử của mình!

- Thứ Tư, 24/03/2021, 05:43 - Chia sẻ
Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm qua, Phó Chủ tịch Quốc hội PHÙNG QUỐC HIỂN khẳng định: Chúng ta có thể tự hào, Quốc hội khóa XIV là một trong những nhiệm kỳ rất thành công, giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn cuộc sống, đồng thời chuẩn bị cơ sở, đặt nền móng cho những nhiệm kỳ tiếp sau. Nền móng đó không chỉ là pháp luật mà quan trọng hơn là phương pháp, phong cách, tư thế, tư duy làm việc. Những kết quả đạt được ngày hôm nay là sự tổng kết, kế thừa thành quả của Quốc hội các nhiệm kỳ trước và được nâng lên ở tầm cao mới, tư duy mới. Quốc hội khóa XIV đã làm tốt nhiệm vụ lịch sử đặt lên vai mình, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thử thách.
Ảnh: Trung Thành

Thực tiễn 5 năm qua cho thấy, vượt qua tất cả những khó khăn, thử thách, Quốc hội khóa XIV tiếp tục đổi mới và sáng tạo, kiên trì thực hiện các nhiệm vụ được giao, đạt nhiều thành tựu, khẳng định và nâng cao tầm, vị thế của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

 

Một nhiệm kỳ đặc biệt

- Thưa Phó Chủ tịch, hôm nay, Quốc hội khóa XIV khai mạc Kỳ họp thứ Mười một - kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ này. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, Phó Chủ tịch đánh giá như thế nào về hoạt động của Quốc hội?

- 5 năm qua, Quốc hội thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh rất đặc thù. Trước hết, đây là nhiệm kỳ Quốc hội có nhiệm vụ tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Có hiệu lực từ năm 2014, nhưng trong nhiệm kỳ khóa XIII, chúng ta chưa thể cụ thể hóa hết tinh thần, quan điểm của Hiến pháp 2013. Chính vì thế, trọng trách cụ thể hóa Hiến pháp 2013 đặt lên vai của Quốc hội khóa XIV. Thứ hai, Quốc hội khóa XIV là nhiệm kỳ bản lề trong thực hiện và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020).

Kết thúc nhiệm kỳ khóa XIV cũng đánh dấu tròn 35 năm chúng ta tiến hành công cuộc Đổi mới (năm 1986), tương đương với lần thứ 7 thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; và 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Có thể khẳng định, Quốc hội khóa XIV có ý nghĩa, nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đặt nền tảng, những “viên gạch” cho giai đoạn tiếp theo. Quốc hội khóa XIV cũng là một nhiệm kỳ đặc biệt, với nhiều biến động và nhiều nội dung phải giải quyết trong bối cảnh khu vực, thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã lèo lái “con thuyền” đi qua những “cơn sóng” khó khăn, nhưng đó chưa phải là “cơn sóng” dữ nhất. Khi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho cả nhiệm kỳ đang ở trạng thái chuẩn bị “về đích”, thì “cơn sóng” lớn và không ngờ nhất lại ập đến: đại dịch Covid-19.

Và với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, thì tác động từ đại dịch Covid-19 là không thể tránh khỏi. Chúng ta đang từ chỗ tăng trưởng với tốc độ trên 7% trong 2 năm liên tiếp và hy vọng năm 2020 sẽ có kết quả tăng trưởng ngoạn mục, nhưng cuối cùng tăng trưởng giảm chỉ còn 2,91%. Trong bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm, thì việc duy trì được mức tăng trưởng dương của Việt Nam được đánh giá là “điểm sáng”, nhưng thực tế chúng ta vẫn gặp vô vàn khó khăn do sự đứt gãy của các nền kinh tế. Dù không mong muốn, chúng ta bị rơi vào trạng thái buộc phải “bế quan tỏa cảng”.

Cho nên, nói Quốc hội khóa XIV là một nhiệm kỳ vô cùng đặc biệt là như thế. Chúng ta đã phải thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong điều kiện rất khó khăn. Đấy là chưa kể, Quốc hội khóa XIV cũng phải tiếp tục từng bước tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, tồn tại cũ đã được chỉ ra.

Điều này được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa Phó Chủ tịch?

Trước tiên, chúng ta đã vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng như các Nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa vào thực tế. Chúng ta đã nghiêm túc bám sát tinh thần của Hiến pháp năm 2013 với rất nhiều điểm mới, cởi mở hơn về quyền con người, quyền công dân, các vấn đề kinh tế - xã hội… trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, bám sát thực tiễn để giải quyết những vấn đề cuộc sống đặt ra. Tôi hình dung, Quốc hội khóa XIV thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong thế đứng dựa vào ba điểm tựa như “kiềng 3 chân” để tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đó là: Cương lĩnh năm 2011 cùng các Nghị quyết của Đảng; Hiến pháp năm 2013; và thực tiễn. Đây có thể coi là kết quả nổi bật nhất của Quốc hội khóa XIV.

Thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta tiếp nối và thể hiện rõ hơn quyết tâm, ý chí nâng tầm và vị thế của Quốc hội, không ngừng đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân.

Thứ ba, Quốc hội tiếp tục đổi mới phương pháp làm việc theo hướng khoa học và ngày càng sát hơn với thực tiễn cuộc sống. Có thể thấy, cứ mỗi kỳ họp Quốc hội, chúng ta đều có những điểm cải tiến, đổi mới. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Quốc hội điện tử. Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chúng ta tổ chức Kỳ họp thứ Chín và thứ Mười bằng hình thức trực tuyến kết hợp tập trung. Đây là bước thử nghiệm trong cách thức tiến hành kỳ họp, nhưng cho thấy hiệu quả cao.

Đại biểu Quốc hội bây giờ đi họp rất gọn nhẹ, chỉ cần một chiếc iPad, trong đó chứa đầy đủ thông tin, từ các tờ trình, báo cáo, dự thảo luật đến các nội dung có liên quan đến kỳ họp (trừ những thông tin mật) và có thể thực hiện các thao tác biểu quyết, cho ý kiến… Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng được triển khai trong các hoạt động đối ngoại nghị viện đa phương.

Thứ tư, trong khóa XIV này, chúng ta đã thực hiện chuyển mạnh từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận” đề ra từ đầu nhiệm kỳ. Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu tranh luận với nhau, tranh luận với Bộ trưởng, trưởng ngành, có sự trao đi đổi lại, lật đi lật lại vấn đề, và có những lúc cao trào, rất sôi động, hấp dẫn. Thông qua các cuộc trao đổi, tranh luận như thế, có thể thấy rõ nét hơn bản sắc “văn hóa nghị trường” của Việt Nam - có nguyên tắc, quy củ mà vẫn dân chủ, xây dựng, cùng mổ xẻ vấn đề dưới các góc độ khác nhau, làm sáng tỏ vấn đề ngay tại nghị trường. Và điểm hay ở đây là dù tranh luận như vậy, nhưng cuối cùng đều đi đến sự đồng thuận, thống nhất rất cao.  

Thứ năm, Quốc hội ngày càng thể hiện rõ hơn sự sâu sát và cụ thể thông qua các hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải trình tại các Ủy ban của Quốc hội. Ví dụ, với chuyên đề giám sát về an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, để chuẩn bị cho hoạt động giải trình, trước đó Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã làm việc thực tế tại 14 địa phương trọng điểm khó khăn về an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập. Hay với chuyên đề giám sát về an ninh năng lượng, Ủy ban Kinh tế đã chủ trì làm việc với hầu hết các tập đoàn lớn liên quan đến năng lượng. Nhiệm kỳ khóa XIV cũng là lần đầu tiên kết quả giám sát, giải trình của Ủy ban được báo cáo trước Quốc hội bằng hình ảnh. Sau đó, Quốc hội nhất trí đưa vào nội dung Nghị quyết Kỳ họp giao Chính phủ xây dựng Đề án về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập. Như vậy, nếu tính cả hoạt động giám sát, giải trình về đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thì trong nhiệm kỳ này có 3 nội dung được Quốc hội thông qua xuất phát từ hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để Quốc hội khóa XV tiếp tục theo dõi, giám sát.

Điểm qua một vài ví dụ để thấy rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng sâu sát, đi vào giải quyết những vấn đề bức xúc cụ thể của cuộc sống. Đây là sự thay đổi rất quan trọng.

Quốc hội - vừa là nghị trường vừa là trường học chính trị

- Chắc chắn đây không chỉ là sự thay đổi đơn thuần trong cải tiến cách thức tiến hành các hoạt động của Quốc hội, thưa Phó Chủ tịch?

- Quốc hội luôn luôn đổi mới trong tư duy, phương pháp, cách thức để những hoạt động của mình không bị rơi vào “đường mòn, nếp cũ”. Hãy nhìn ngay ở hoạt động chất vấn, có thể thấy mỗi kỳ họp đều có sự thay đổi. Quốc hội có những phiên chất vấn theo nhóm vấn đề với sự tham gia trả lời của một số bộ trưởng, trưởng ngành xác định trước, đồng thời lại có những phiên chất vấn mang tính chất tổng hợp việc thực hiện các Nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội.

Hay như trong các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, cho ý kiến về các dự án Luật, cứ khoảng 3 đại biểu cùng phát biểu về một vấn đề thì Chủ tọa mời Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm. Yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao như vậy, nhưng tinh thần chung có thể thấy rõ, đó là Quốc hội và Chính phủ luôn “chung lưng đấu cật”, cùng chia sẻ, giải quyết việc dân, việc nước, không có tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”. Chúng ta làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, mềm mại, uyển chuyển, rõ trách nhiệm của từng cơ quan, không “lấn sân”.

Nhìn một cách tổng quát, có thể khẳng định, trong nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã giải quyết khối lượng công việc rất lớn trong bối cảnh thời gian làm việc của mỗi kỳ họp ngày càng rút ngắn. Trọng tâm hoạt động của Quốc hội chuyển dần về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban - các “công xưởng” của Quốc hội. Tôi thấy không khí làm việc ở các cơ quan của Quốc hội lúc nào cũng sôi sục nhằm cho ra những sản phẩm tinh luyện nhất, có chất lượng, làm cơ sở để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định. Các cơ quan của Quốc hội hoạt động ngày càng nhuần nhuyễn, làm việc đều tay, phát huy đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao.

Nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta có thể tự hào rằng, Quốc hội khóa XIV là một trong những nhiệm kỳ Quốc hội rất thành công, giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn cuộc sống, đồng thời chuẩn bị được những cơ sở, đặt nền móng cho những nhiệm kỳ tiếp sau. Nền móng đó, theo tôi, không chỉ là pháp luật mà quan trọng hơn là phương pháp, phong cách, tư thế, tư duy làm việc. Những kết quả đạt được ngày hôm nay là sự tổng kết, kế thừa thành quả của Quốc hội các nhiệm kỳ trước và được nâng lên ở tầm cao mới, tư duy mới. Mỗi giai đoạn đều có vai trò, trọng trách lịch sử của mình. Và, Quốc hội khóa XIV đã làm tốt nhiệm vụ lịch sử đặt lên vai mình, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thử thách.

- Trong thành quả chung đạt được của Quốc hội có lẽ không thể không nhắc tới vai trò của đại biểu Quốc hội, thưa Phó Chủ tịch?

- Quốc hội là tập hợp của các đại biểu Quốc hội do cử tri và Nhân dân bầu chọn. Hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội ngày càng hiệu lực, hiệu quả là do chất lượng đại biểu Quốc hội đã có sự thay đổi rất căn bản, không chỉ về trình độ, bằng cấp mà từ tư duy, nhiệt huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Như bạn thấy, đến những phút chót của nhiệm kỳ rồi nhưng tuyệt nhiên không có tình trạng “chợ chiều”. Số lượng đại biểu đăng ký phát biểu, chất vấn tại Kỳ họp thứ Mười không những không giảm mà còn tăng cao. Dù thời gian của các phiên họp, thảo luận đã được nới rộng, nhưng vẫn không đủ để tất cả đại biểu đăng ký có thể tham gia phát biểu thảo luận, tranh luận, nhiều đại biểu phải gửi ý kiến đóng góp bằng văn bản.

Để có thể bảo đảm thời gian thì mỗi đại biểu phải có sự chuẩn bị kỹ, chắt lọc. Chất lượng, phong thái của đại biểu có sự thay đổi tích cực, thẳng thắn, xây dựng, xuất phát từ tư duy, nhận thức và chuyển thành ngôn ngữ. Quốc hội gồm đại diện các giai tầng khác nhau với trình độ, năng lực khác nhau, nhưng sau một nhiệm kỳ, có thể thấy rõ là các đại biểu đều được nâng tầm. Quốc hội vừa là nghị trường vừa là một trường học chính trị. Các đại biểu khi trải qua “ngôi trường” này được nâng tầm cả về bản lĩnh, năng lực và trình độ. Trong đó, có nhiều đại biểu đạt được yêu cầu Bác Hồ từng dạy, “giỏi về chuyên môn và thạo về chính trị”.

-Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!

Thanh Tâm thực hiện