Luật mới quy định UNRWA sẽ không được phép cử đại diện, cung cấp các dịch vụ hoặc tiến hành bất kỳ hoạt động nào dù trực tiếp hay gián tiếp, trên lãnh thổ Israel.
Phản ứng trước động thái trên, người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini đã lên tiếng chỉ trích cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Israel "đặt ra một tiền lệ nguy hiểm"; đồng thời làm ảnh hưởng uy tín của UNRWA cũng như các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho người Palestine trở nên bất hợp pháp.
Theo ông Lazzarini, luật mới của Israel đã đi ngược lại tinh thần của “Hiến chương Liên Hợp Quốc và vi phạm các nghĩa vụ của Nhà nước Israel theo luật pháp quốc tế, làm sâu sắc thêm nỗi thống khổ của nhân dân Palestine, đặc biệt là ở Dải Gaza”.
Về phần mình, cố vấn truyền thông UNRWA Adnan Abu Hasna tuyên bố quyết định cấm cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc hoạt động trên lãnh thổ Israel sẽ đồng nghĩa với sự sụp đổ của toàn bộ tiến trình nhân đạo. Ông Hasna đánh giá động thái của phía Israel là bước leo thang "chưa từng có".
Trước đó, cả Mỹ và Anh đều bày tỏ quan ngại đối với sự kiện Quốc hội Israel xem xét thông qua luật cấm UNRWA hoạt động. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã cảnh báo: “Việc ban hành các hạn chế như vậy sẽ gây thiệt hại lớn cho công tác nhân đạo ở Gaza”.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nêu rất rõ với Chính phủ Israel về mối quan ngại sâu sắc đối với dự luật được đề xuất này”; đồng thời khẳng định lại vai trò “hết sức quan trọng” của UNRWA trong công tác phân phát viện trợ nhân đạo ở Dải Gaza.
Trong khi đó, phát biểu trước Quốc hội Anh, Ngoại trưởng David Lammy bày tỏ: "Thật vô cùng đáng tiếc khi Quốc hội Israel cân nhắc khả năng chấm dứt các hoạt động của UNRWA. Những cáo buộc chống lại đội ngũ nhân viên UNRWA hồi đầu năm nay đã được điều tra một cách toàn diện và không đưa ra được bất cứ lý do nào biện minh cho việc cắt đứt quan hệ với UNRWA".
UNRWA được Liên Hợp Quốc thành lập năm 1949 nhằm hỗ trợ các dịch vụ như y tế, giáo dục và viện trợ nhân đạo cho hàng triệu người ở những khu vực thuộc Trung Đông, bao gồm Dải Gaza, Bờ Tây, Jordan, Lebanon, Syria. Dẫu vậy, mối quan hệ giữa Israel và UNRWA luôn căng thẳng và trở nên xấu đi kể từ khi cuộc chiến ở Dải Gaza bùng phát và Israel từng kêu gọi giải tán UNRWA.
Cũng trong ngày 28.10, hàng loạt xe tăng của Israel tiến sâu vào phía bắc Gaza và bắn phá nhiều cơ sở vật chất khiến khoảng 100.000 dân thường bị mắc kẹt ở các khu vực như Jabalia, Beit Lahiya và Beit Hanoun mà không có nguồn cung cấp y tế hoặc thực phẩm.
Quân đội Israel liên tục đưa ra nhiều hạn chế cho những chuyến hàng viện trợ đi vào Gaza vì họ cho rằng nhu yếu phẩm mà dân thường nhận được đều bị cướp bởi Hamas. Theo Liên Hợp Quốc, những chuyến hàng viện trợ được chuyển đến Gaza đang ở mức thấp kỷ lục trong những tháng gần đây, đặc biệt là tháng 8 mặc dù các tổ chức nhân đạo liên tục kêu gọi Israel nới lỏng hạn chế.