Với 188 phiếu ủng hộ và 6 phiếu phản đối, Quốc hội Hungary đã bỏ phiếu áp đảo thông qua nghị quyết cho phép Thụy Điển gia nhập NATO. Việc phê chuẩn diễn ra gần hai năm sau khi Stockholm nộp đơn xin gia nhập khối quân sự này. Cuộc bỏ phiếu kết thúc vòng mở rộng mới nhất của NATO, với Thụy Điển là thành viên thứ 32 của Tổ chức Hiệp ước.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau khi Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tới Budapest vào tuần trước để gặp người đồng cấp Hungary Viktor Orban. Phát biểu trong cuộc họp báo chung, hai nhà lãnh đạo cho biết họ đã gạt bỏ những khác biệt. Thủ tướng Orban khẳng định tư cách thành viên NATO có nghĩa là người Hungary và người Thụy Điển “sẵn sàng chết vì nhau”.
Thụy Điển và Phần Lan đều nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm 2022. Trong khi hầu hết các thành viên của khối nhanh chóng phê chuẩn cả hai đơn đăng ký, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn từ chối, trong đó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan yêu cầu các quốc gia Bắc Âu trước tiên phải dẫn độ những thành viên người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố ở quốc gia này. Còn Thủ tướng Orban cáo buộc Stockholm và Helsinki “truyền bá những lời dối trá trắng trợn về Hungary”.
Thụy Điển và Phần Lan đều là những quốc gia chỉ trích gay gắt chính phủ bảo thủ của Hungary, cả hai đều ủng hộ việc EU từ chối tài trợ cho Budapest với ly do quốc gia Đông Âu không bảo đảm quyền độc lập tư pháp. Hungary đã chấp thuận đơn đăng ký của Phần Lan vào năm ngoái, nhưng đảng Fidesz của Thủ tướng Orban cho đến gần đây vẫn từ chối tổ chức bỏ phiếu về đề xuất gia nhập của Thụy Điển.
Trong cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo cuối tuần trước, Thủ tướng Thụy Điển Kristersson đã đồng ý sẽ bán cho Hungary 4 máy bay chiến đấu Saab Gripen để bổ sung vào phi đội 14 chiếc của quân đội Hungary. Thủ tướng Orban nói với các phóng viên rằng thương vụ này giúp “xây dựng lại niềm tin” giữa hai nước.
Khi nộp đơn xin gia nhập NATO, Thụy Điển đã từ bỏ chính sách trung lập kéo dài hai thế kỷ của mình. Nga đã nhiều lần lên án việc NATO mở rộng về phía đông thời hậu Chiến tranh Lạnh, với việc Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cáo buộc Mỹ "lôi kéo các nước trung lập" vào khối nhằm mục đích đối đầu với Nga.