Kênh tương tác trực tuyến với người dân
Ban đầu, Thượng viện Chile đã tạo ra một công cụ công nghệ có tên Virtual Senator (Thượng viện ảo) vào năm 2003, nhằm tăng cường nhận thức của người dân về quy trình lập pháp tại Thượng viện cũng như các hoạt động khác. Theo thời gian, Thượng viện ảo đã chuyển từ một nền tảng mang tính chất thông tin trở thành một nền tảng tương tác, cho phép người dân tham gia vào quá trình lập pháp với hơn 120.000 người đã đăng ký.
Vào năm 2018, nhận thấy nhu cầu cải thiện sự tham gia của người dân vào các hoạt động của cơ quan dân cử, Nhóm Thúc đẩy minh bạch lưỡng viện đã nhận được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB) để phát triển nền tảng Quốc hội ảo trở thành một nền tảng tương tác công chúng chính thức. Giao diện web, các chức năng như bỏ phiếu (ủng hộ, phản đối, phiếu trắng), thuyết trình về dự luật… được đưa vào nền tảng để sự tham gia của người dân được trực quan hóa và cuộc tranh luận về các dự luật được phong phú hơn. Các công cụ đánh giá cũng được tích hợp để giúp những ý kiến đóng góp của người dân có thể trở thành kênh tham khảo quan trọng cho Quốc hội khi xem xét dự luật.
Cơ quan hành chính của Quốc hội chịu trách nhiệm đăng tải thông tin về các dự thảo luật hoặc các vấn đề cần lấy ý kiến công chúng lên nền tảng này với cách rõ ràng và đơn giản, sử dụng nhiều kênh truyền thông khác nhau để tiếp cận lượng người dùng rộng nhất có thể và tối đa hóa phản hồi. Trong 6 tháng đầu năm 2022, khoảng 25 dự thảo luật và 7 câu hỏi tham vấn cộng đồng đã được công bố. Hơn 150.000 công dân đã đăng ký trên nền tảng này.
Mọi tiếng nói đều được lắng nghe
Nếu truy cập vào trang web Quốc hội ảo hiện tại, người dùng có thể thấy ngay một loạt những vấn đề lập pháp đang được đưa ra lấy ý kiến công chúng. Ở bên tay trái sẽ có danh sách các đề mục gồm: các dự luật (được đưa ra lấy ý kiến, bao gồm những dự thảo luật đã được nhất trí đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội); tham vấn công chúng (bao gồm những kiến nghị đề xuất sửa đổi một điểm nào đó trong dự luật, chưa được đưa vào chương trình). Ngoài ra còn có Mục: “Các đề xuất”, gồm những kiến nghị sửa đổi luật hoặc ý tưởng lập pháp của người dân.
Trong mỗi đề mục, chẳng hạn trong Mục “Các dự luật đang lấy ý kiến”, sẽ hiển thị trên giao diện dưới dạng cột với nội dung dự luật kèm hình ảnh minh họa, rất thân thiện và thu hút sự quan tâm. Click vào mỗi dự luật, sẽ có thời điểm dự luật được đưa ra lấy ý kiến (vào ngày, tháng, năm nào), thời gian còn lại để cho ý kiến (chẳng hạn: còn lại 18 ngày, 4 giờ, 20 phút…). Dưới đó sẽ là các lựa chọn: đồng ý, không đồng ý, bỏ phiếu trắng, hoặc để lại bình luận (comments).
Hiện tại trên trang web Quốc hội ảo của Chile đang hiển thị một số dự luật được đưa ra lấy ý kiến như: sửa đổi Luật số 18.700 cho phép đưa hình ảnh của ứng cử viên vào phiếu bầu; sửa Bộ luật Lao động cho phép phụ nữ được nghỉ làm do đau bụng kinh kỳ; cấm sử dụng điện thoại di động tại các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục cơ bản; cấm quảng cáo cá cược tại các sự kiện thể thao… Dưới các dự luật này đều hiển thị số “phiếu” mà người dân đã tham gia cho ý kiến.
Còn trong Mục “Tham vấn công chúng”, các vấn đề đang dược kiến nghị để đưa thành dự luật sẽ được đặt ra dưới dạng câu hỏi. Chẳng hạn như: “Bạn có đồng ý cho phép người lao động mang thai nghỉ làm trong trường hợp có cảnh báo sức khỏe?”. Hoặc: “Bạn có ủng hộ đề xuất giảm thời gian chung sống từ 3 năm xuống còn 1 năm như một điều kiện để một trong hai vợ chồng đưa ra yêu cầu ly hôn?”. Dưới mỗi câu hỏi cũng hiển thị thời gian đưa ra đề xuất, thời gian còn lại có thể đóng góp ý kiến, và các lựa chọn: ủng hộ, phản đối hay phiếu trắng hoặc để lại bình luận (comments).
Số lượng đóng góp ý kiến của công chúng vào các dự luật ngày càng tăng cho thấy sự quan tâm tích cực của công chúng tới hoạt động lập pháp. Văn phòng Quốc hội chịu trách nhiệm phân tích những phản hồi này và đưa ra vào các báo cáo tóm tắt nêu rõ các ý kiến khác nhau về dự thảo luật và những khuyến nghị của những người tham gia. Bảy ngày sau khi kết thúc thời hạn lấy ý kiến đóng góp, bản tổng hợp, đánh giá tóm tắt về các ý kiến đóng góp được công bố trực tuyến và phân phát cho các nghị sĩ.
"Quốc hội ảo" là sự phát triển tất yếu của việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của nghị viện. Sự tham gia rộng rãi của công chúng làm phong phú thêm quy trình lập pháp bằng cách đưa ra những quan điểm đa dạng, bảo đảm tính minh bạch và tạo điều kiện cho tiếng nói của người dân đều được lắng nghe. Mặc dù việc người dân “bỏ phiếu” về một dự luật không mang yếu tố ràng buộc pháp lý nhưng là kênh tham khảo quan trọng đối với các nghị sĩ trong quá trình điều chỉnh và bỏ phiếu thông qua dự luật.