Quảng Trị: Dân khổ… vì bụi than
Đâu đâu cũng có bụi. Bụi và bụi…! Bụi than len vào lớp học, phủ kín mâm cơm, quấn quanh giấc ngủ người già và trẻ nhỏ. Thực trạng này đang diễn ra trên tuyến đường Quốc lộ 15D – tuyến đường nối từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến Cửa khẩu quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị. Bụi, tiếng ồn, tai nạn rình rập khiến cuộc sống người dân khốn khổ. Trong khi đó, người dân phản ánh mòn mỏi, chính quyền địa phương nói đã nhắc nhở, còn doanh nghiệp thì chỉ hứa… sẽ khắc phục dần(!).
Bụi phủ lớp học, quấn quanh giấc ngủ
Không cần đợi đến mùa nắng cao điểm, chỉ cần một ngày khô ráo có gió là điểm trường A Rông Trên, thuộc Trường Mầm non A Ngo (huyện Đakrông, Quảng Trị) lại chìm trong lớp bụi đen mờ đặc. Mỗi khi xe đầu kéo, container chở than đá từ cửa khẩu quốc tế La Lay chạy rầm rập trên tuyến Quốc lộ 15D là bụi than lại táp thẳng vào mặt, luồn vào cửa lớp, phủ kín đồ chơi, sàn nhà, giá sách. Cô giáo Hồ Thị Hồng Lai than thở: “Vào mùa gió Lào hanh khô, bụi mịn bốc lên mù mịt, bay cả vào phòng học, dính vào chăn chiếu, bàn ghế, đồ ăn. Mỗi ngày chúng tôi phải lau dọn 2 – 3 lần, có hôm buộc phải đóng kín cửa dạy, các cháu thì bí bách, ngột ngạt, quấy khóc cả buổi. Không những thế, điểm trường nằm ngay ngã ba đường, đối diện quán ăn nên xe chở than dừng đổ hàng dài, ồn ào, mất an toàn giao thông nghiêm trọng”. Cô Nguyễn Thị Hoài, giáo viên Trường Mầm non A Ngo, có nhà nằm ngay sát bãi sang hạ tải than tại km2 Quốc lộ 15D nói: “Trường tôi có 7 điểm trường thì 3 điểm bị ảnh hưởng nặng do bụi than. Còn riêng gia đình tôi thì cả ngày sống trong khói bụi. Nắng thì bụi bay ngộp thở, mưa thì trơn trượt, nhầy nhụa, xe container chạy nhanh, bóp còi ầm ĩ, nguy hiểm lắm. Từ sáng đến tối không lúc nào vắng tiếng xe chở than rầm rập qua lại”.
Không chỉ giáo viên, người dân dọc tuyến cũng chịu cảnh sống chung với “lò than lộ thiên”. Chị Nguyễn Thị Giao Linh, trú tại thôn A Đeng, xã A Ngo, bức xúc: “Trước nhà là đường, cạnh nhà là bãi hạ tải than, mỗi ngày cứ vài tiếng là phủ một lớp bụi mới. Nhà tôi lau chùi liên tục mà vẫn đen thui. Mùa mưa thì đất cát lầy nhão, đi lại trơn như mỡ, trẻ nhỏ chơi ngoài sân cũng bị ngã liên tục”. Tình trạng ô nhiễm không chỉ dừng lại ở một vài hộ dân. Hàng trăm gia đình thuộc các xã A Ngo, A Bung, Tà Rụt… sống dọc Quốc lộ 15D đều trong cảnh tương tự. Không gian sống bị bủa vây bởi bụi than, tiếng ồn, nguy cơ bệnh hô hấp và tai nạn giao thông. Điều đáng nói là Quốc lộ 15D vốn nhỏ hẹp, nhiều khúc cua gấp, lại đi qua khu dân cư, công sở, trường học nhưng hằng ngày phải “oằn mình” cõng hàng trăm lượt xe tải nặng, xe đầu kéo container chở hàng từ CKQT La Lay.
.jpg)
Lời hứa khắc phục bao giờ mới thực hiện?
Trước tình trạng này, người dân đã liên tục kiến nghị lên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Thế nhưng, theo lời của ông Hồ Tất Huấn, Chủ tịch UBND xã A Ngo, đến nay vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt. “Tình trạng ô nhiễm bụi than và hư hỏng đường sá do xe chở than gây ra đã được người dân phản ánh trong nhiều cuộc họp cử tri, tiếp xúc đại biểu. Xã cũng đã báo cáo lên cấp trên nhiều lần nhưng đến nay chưa có hướng xử lý dứt điểm. Các công ty liên quan gồm Công ty TNHH Nam Tiến, Công ty Cổ phần Logistics PTS Việt Nam… vẫn tiếp tục vận chuyển và hạ tải than với tần suất dày đặc”, ông Huấn cho biết. Riêng bãi sang hạ tải của Công ty TNHH Nam Tiến tại thôn A Đeng là điểm nóng bị người dân phản ánh gay gắt nhất. Theo ông Huấn, đây là bãi tập kết tạm thời, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương vào tháng 8/2023 để doanh nghiệp vừa tiến hành thủ tục pháp lý vừa triển khai dự án kho bãi. “Xã chỉ có thể nhắc nhở, đôn đốc đơn vị tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường. Còn việc xử lý hay yêu cầu dừng thì vượt thẩm quyền”, ông Huấn nói thêm.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Giang, đại diện Công ty TNHH Nam Tiến, cũng thừa nhận: “Việc vận chuyển và sang hạ tải than có gây ô nhiễm môi trường là có thật. Nhưng do điều kiện đường sá hai bên cửa khẩu còn nhiều hạn chế, cộng thêm việc thi công sửa chữa nên việc lưu thông gây bùn đất, bụi bặm là khó tránh khỏi”. Theo ông Giang, đơn vị đã triển khai một số biện pháp giảm thiểu như phủ bạt che chắn than, tưới nước mặt đường, xây hố lắng, điều tiết thời gian xe ra vào… “Tuy nhiên đây cũng chỉ là biện pháp tình thế. Về lâu dài, chúng tôi mong chính quyền sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư xây dựng kho bãi đúng tiêu chuẩn, giảm ảnh hưởng đến người dân”.

Nói vậy chẳng khác nào doanh nghiệp chỉ muốn... “thông cảm”, còn chính quyền chỉ có thể “nhắc nhở”, trong khi đó người dân vẫn phải gồng mình chịu đựng bụi bặm, tiếng ồn và nguy cơ tai nạn mỗi ngày. Bãi hạ tải vẫn hoạt động, xe than vẫn lăn bánh, trong khi tiếng ho của trẻ nhỏ, tiếng thở dài của người già, và những lần quét dọn bất tận trong mỏi mệt vẫn cứ tiếp diễn như một phần tất yếu của cuộc sống(!). Không ai phủ nhận tầm quan trọng của hoạt động thương mại biên giới, càng không thể ngăn cản lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu Quốc tế La Lay. Nhưng việc phát triển phải đi kèm trách nhiệm, không thể lấy lợi ích kinh tế của một vài doanh nghiệp để đánh đổi sức khỏe cộng đồng, sự an toàn của học sinh, và môi trường sống của cả một khu vực. Người dân nơi đây không đòi hỏi gì cao xa, chỉ mong được thở trong không khí sạch, dạy trẻ trong lớp học không bụi, đi lại mà không sợ xe tải tông trúng, không phải đóng kín cửa suốt ngày như “sống trong hầm”.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cấp chính quyền cần xem xét nghiêm túc lại toàn bộ hoạt động vận chuyển và hạ tải than dọc tuyến Quốc lộ 15D. Những bãi tập kết tạm bợ, thiếu rào chắn, không hệ thống xử lý môi trường cần được rà soát kỹ lưỡng. Xe tải cần được kiểm tra việc che phủ than, kiểm soát tốc độ, quy định thời gian lưu thông hợp lý. Và hơn hết, tiếng nói của người dân cần được lắng nghe bằng hành động cụ thể chứ không thể chỉ mãi là lời hứa từ cơ quan chức năng.