Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 chương, 74 điều; được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định, nội dung phù hợp với thực tiễn; đồng thời, bổ sung, sửa đổi các quy định bất cập, chồng chéo, loại bỏ quy định không còn phù hợp.
Góp ý vào dự thảo luật, các đại biểu đề xuất một số nội dung như: bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông; nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường; chia sẻ hạ tầng viễn thông...
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 10 chương, 200 điều, quy định việc thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của Chi nhánh ngân hàng nước ngoài; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản, xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu ngân hàng chính sách thực hiện theo quy định của Chính phủ...
Tại hội nghị, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tập trung vào các quy định về tổ chức quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng; quy định về hoạt động ngân hàng điện tử và các quy định bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng; quy định về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; quy định quản lý, đóng, mở các tài khoản ngân hàng…
Phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị, các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, cho ý kiến vào dự thảo luật; đồng thời tổng hợp các ý kiến, kiến nghị để Đoàn ĐBQH tỉnh xem xét, tiếp tục thảo luận trên diễn đàn của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm tới.