Dự hội nghị, về phía Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan; Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà; Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh, Hòa thượng Thích Thanh Quyết; Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung.
Tham dự hội nghị tiếp xúc còn có: lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh; đại diện một số sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và 300 cử tri là cán bộ công đoàn các cấp, công nhân, lao động trên địa bàn.
Tại buổi tiếp xúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan và Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh thông tin nhanh đến cử tri các nội dung dự kiến của Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV diễn ra tại Thủ đô Hà Nội ngày 20.5 tới; một số nội dung quan trọng của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi). Cùng với đó, là kết quả giải quyết, trả lời của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh đối với kiến nghị của cử tri liên quan đến công nhân, lao động trên địa bàn.
Tại hội nghị, đại diện LĐLĐ các địa phương, cán bộ công đoàn, công nhân, lao động đã có nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội.
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Hạ Long Nguyễn Việt Bắc, số lượng cán bộ công đoàn ở cấp tỉnh/cấp huyện hiện đang được bố trí chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ gây khó khăn cho hoạt động công đoàn. Thực tế cho thấy, LĐLĐ thành phố đang quản lý gần 550 công đoàn cơ sở với gần 30.000 đoàn viên. Tuy nhiên, số cán bộ công đoàn theo biên chế hiện chỉ có 7 người. Mặc dù, đã có chính sách phân bổ biên chế cán bộ công đoàn của Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhưng thực tế ở các địa phương cấp ủy quản lý biên chế, chưa quan tâm yếu tố đặc thù của tổ chức công đoàn. “Do đó, Quốc hội xem xét có giải pháp quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi); tăng quyền chủ động của tổ chức công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Hạ Long đề xuất.
Về công tác tuyển dụng cán bộ công đoàn, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Hạ Long cho biết, công tác này đang thực hiện như đối với công chức nhà nước, dẫn đến khó khăn trong việc thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở và phong trào công nhân. Do đó, Quốc hội cần nghiên cứu xem xét tháo gỡ về chính sách tuyển dụng cán bộ công đoàn, để có thể thu hút đội ngũ cán bộ công đoàn có nhiều kinh nghiệm...
Từ góc độ người lao động, cử tri Nguyễn Văn Bắc (công nhân Công ty TNHH Đông Đức, TP. Uông Bí) bày tỏ mối quan tâm liên quan đến việc sẽ điều chỉnh giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm để nhiều người lao động được hưởng chế độ hưu trí trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Nhấn mạnh đây là phương án rất tốt cho người lao động song mức lương được hưởng sẽ rất thấp, cử tri mong muốn Quốc hội xem xét nên có các quy định mang tính chia sẻ, hỗ trợ đối với những người lao động có mức tiền lương hưu thấp do số năm tham gia BHXH thấp.
Cũng theo cử tri, hiện nay, có tình trạng nhiều trường hợp người lao động đi làm từ rất sớm nên thừa năm đóng BHXH nhưng thiếu tuổi nghỉ hưu; nhất là từ khi tuổi nghỉ hưu tăng lên theo quy định của Bộ luật Lao động 2019. Do đó, Quốc hội có thể xem xét hoán đổi năm đóng BHXH thừa cho số năm nghỉ hưu còn thiếu. Cùng với đó, nghiên cứu rút ngắn độ tuổi nghỉ hưu tùy theo ngành nghề, tránh tình trạng cào bằng.
Về tình trạng rút BHXH 1 lần, có ý kiến nhấn mạnh, vẫn đang có tình trạng gia tăng bởi nhiều lí do. Số liệu thống kê tại tỉnh Quảng Ninh cho thấy, năm 2022 có 5.550 trường hợp; năm 2023 tăng lên 8.028 trường hợp. Từ tháng 1 - 4.2024 đã ghi nhận 2.749 trường hợp rút BHXH 1 lần. Từ thực tế trên, cử tri mong muốn, Quốc hội quan tâm có các quy định và giải pháp tổng thể để bảo vệ quyền lợi người lao động.
Cụ thể, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cử tri cho rằng, nên chọn phương án 1 thuộc điểm đ, khoản 1, Điều 74 quy định: “Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm” có ưu điểm là cơ bản bảo đảm kế thừa quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Cùng với đó, cần có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để hỗ trợ người lao động để họ vượt qua khó khăn trong giai đoạn mất việc làm, như: tín dụng ưu đãi, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động...
Tại Hội nghị, đại diện Thường trực UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh và các ngành chức năng cũng như đã trực tiếp trả lời cử tri đối với các ý kiến, kiến nghị về các quy định của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi); việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho công nhân trên địa bàn... cùng nhiều nội dung khác liên quan đến việc bảo đảm việc làm, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống công nhân, lao động trên địa bàn.
Tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của công nhân lao động, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri là cán bộ công đoàn, công nhân, lao động. Đồng thời, nhấn mạnh, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh sẽ tổng hợp kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội cũng như các cơ quan chức năng liên quan xem xét, giải quyết.
Trong khuôn khổ hội nghị, Đoàn ĐBQH tỉnh và LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh đã trao 200 suất quà (trị giá 1,3 triệu đồng/suất) cho các công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn.