Dự kỳ họp, có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vũ Đại Thắng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Thị Minh Thanh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đức Ấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy Vũ Quyết Tiến…
Xem xét, quyết nghị nhiều nội dung chiến lược, cấp bách
Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Thị Minh Thanh nhấn mạnh: kỳ họp chuyên đề được tổ chức nhằm xem xét và quyết nghị những nội dung đặc biệt quan trọng, có tính chiến lược đối với sự phát triển của tỉnh. Theo đó, HĐND tỉnh sẽ tập trung thảo luận và quyết định về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh - một bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả, hướng tới mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ trong phiên khai mạc kỳ họp
HĐND tỉnh cũng sẽ xem xét điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2025 từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Kỳ họp cũng sẽ xem xét bổ sung một số cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương năm 2025 và thông qua danh mục các khu đất đấu thầu dự án có sử dụng đất, cũng như các công trình, dự án thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng đợt 2 năm 2025.
Những quyết định này nhằm bảo đảm việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên vốn cho các dự án khởi công mới, cấp thiết phục vụ an sinh xã hội… cần quyết định ngay để phục vụ mục tiêu điều hành tăng trưởng kinh tế, quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 14% trở lên trong năm 2025, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Một nội dung quan trọng khác được đưa ra thảo luận tại kỳ họp là quy định về thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản phục vụ nhiệm vụ khoa học - công nghệ. Đây là nội dung công việc thể hiện quyết tâm rất cao của tỉnh trong việc cụ thể hóa các chủ trương về đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc về nguồn lực cho các hoạt động này trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng sẽ tiến hành thảo luận và thông qua việc bãi bỏ một số nghị quyết đã không còn phù hợp với quy định hiện hành, đồng thời thực hiện quy trình miễn nhiệm và bầu bổ sung một số Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Thị Minh Thanh phát biểu khai mạc kỳ họp
Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Thị Minh Thanh, quá trình chuẩn bị cho kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo các Ban HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh và các cơ quan liên quan để bảo đảm nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng và đúng quy trình. Toàn bộ tài liệu của kỳ họp đã được gửi đến các đại biểu và công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
Chủ tọa kỳ họp đề nghị, các vị đại biểu HĐND tỉnh phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sâu sắc, đóng góp những ý kiến tâm huyết, chất lượng để các nghị quyết được thông qua có tính khả thi cao, sát với thực tiễn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới.
Xây dựng chính quyền cấp xã thực sự gần dân, sát dân
Về Đề án và dự thảo Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Ninh năm 2025, theo đánh giá của Thường trực HĐND tỉnh, đây là bước cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đổi mới, sắp xếp bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, tập trung nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng; thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là trong bối cảnh Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Điều này cũng góp phần giải quyết các vấn đề tồn tại, bất cập trong công tác quản lý địa giới hành chính, tạo lập cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn; gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Quá trình triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Quảng Ninh đã bám sát chỉ đạo, định hướng của Trung ương, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành và cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, tập quán, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của các đơn vị hành chính có liên quan, phù hợp với các định hướng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp bảo đảm tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14.4.2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thống nhất, đồng thuận, ủng hộ với tỷ lệ rất cao (đạt 99,31% so với tổng số cử tri và đạt 99,53% so với tổng số phiếu phát ra).

Đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp
Theo đó, trước khi sắp xếp, tỉnh Quảng Ninh có 171 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 91 xã, 73 phường, 7 thị trấn). Sau sắp xếp, tỉnh dự kiến sẽ có 51 đơn vị; trong đó, có 27 phường, 21 xã, 3 đặc khu (trường hợp thành lập 2 đặc khu, toàn tỉnh sắp xếp thành 54 đơn vị, trong đó có 30 phường, 22 xã và 2 đặc khu); sau sắp xếp, tỉnh Quảng Ninh giảm 117 - 120 đơn vị, đạt 68 - 70% theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Thị Minh Thanh, việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn không chỉ là sự điều chỉnh về mặt địa giới hành chính và tổ chức bộ máy, mà còn là cơ hội để Quảng Ninh giải quyết những bất cập hiện tại, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc điều chỉnh không gian phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tăng cường liên kết vùng và thu hút thêm nguồn lực cho sự phát triển.

Đồng thời, việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cũng tạo điều kiện để tỉnh rà soát, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một chính quyền cấp xã thực sự gần dân, sát dân, phục vụ kịp thời lợi ích của người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; đồng thời, đáp ứng yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.