Tập trung cao nhất, quyết liệt, khẩn trương nhất
Trước và trong thời điểm bão số 3 đổ bộ vào đất liền, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh, toàn thể hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở vào cuộc, thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Tỉnh đã kích hoạt phương án, nhiệm vụ phòng chống bão ở mức cao nhất, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác ứng phó với bão số 3, huy động gần 3.000 cán bộ, chiến sĩ và xung kích phòng chống thiên tai cùng hơn 100 phương tiện. Tuy nhiên, những thiệt hại do bão số 3 gây ra rất nặng nề.
Trước những thiệt hại do bão số 3, ngay trong chiều tối 7.9, lãnh đạo tỉnh cùng các đoàn công tác đã đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục. Trong đó, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt, thống kê số tàu du lịch, tàu cá, bè nuôi trồng thủy sản bị đắm, chìm; các hộ thiệt hại hoa màu, bị tốc mái cần được hỗ trợ ngay; tổ chức ngay các phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tàu, xà lan bị trôi dạt trên biển... Cùng với đó, phối hợp với điện lực, các nhà mạng viễn thông nhanh chóng khắc phục tình trạng mất internet, mất điện, bảo đảm thông tin được thông suốt, ổn định cuộc sống cho người dân.
Khắc phục ngay tình trạng mất điện, tê liệt thông tin, tỉnh Quảng Ninh tích cực phối hợp với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tập đoàn VNPT, Viettel, Mobiphone chạy đua với thời gian, dồn toàn bộ nhân lực khôi phục lại các lưới điện, mạng viễn thông. Đặc biệt, nhằm sớm ổn định đời sống người dân sau thiên tai, lãnh đạo tỉnh và các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên những gia đình có người bị nạn, hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ chính sách sớm ổn định cuộc sống. Nhiều địa phương kịp thời tiếp tế lương thực, thực phẩm cho các hộ dân đang phải di dời tránh bão. Việc cung ứng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân sau bão cũng được bảo đảm, không có tình trạng thiếu hàng; không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến…
Với mục tiêu cao nhất là sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và bảo đảm an toàn cho người dân, quan điểm chỉ đạo thông suốt của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh về triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra là cả hệ thống chính trị phải tập trung ở mức độ cao nhất, quyết liệt nhất, khẩn trương nhất với tất cả lực lượng, phương tiện hiện có để khắc phục hậu quả của bão. Đồng thời, sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão.
Ưu tiên bảo đảm các điều kiện chăm sóc sức khỏe Nhân dân
Thời điểm này, cùng với khắc phục hậu quả của siêu bão, tỉnh Quảng Ninh cũng xác định phải nhanh chóng bảo đảm các điều kiện chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Toàn bộ 24 đơn vị khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn bị mất điện toàn phần hoặc cục bộ, phải sử dụng nguồn điện dự phòng (máy phát điện)… Đặc biệt, dự trữ năng lượng hiện tại như dầu cho máy phát điện tại các cơ sở y tế đã cạn kiệt, rất khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Các đơn vị sử dụng nước máy bị ảnh hưởng mất nước do cắt nguồn cung. Nước từ bể dự trữ duy trì được từ 12 - 24 giờ tùy đơn vị. Đến thời điểm hiện tại, một số đơn vị đã có nước sạch và điện lưới; một số đơn vị vẫn có nước sạch và máy phát điện phục vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người dân…
Để khắc phục thiệt hại và duy trì công tác khám bệnh, chữa bệnh, Sở Y tế Quảng Ninh đã chỉ đạo phát huy phương châm “4 tại chỗ”: khẩn trương dọn dẹp các vị trí bị ảnh hưởng do bão số 3 tại đơn vị bảo đảm an toàn khu vực điều trị, các vị trí đường đi, vận chuyển bệnh nhân trong khuôn viên đơn vị; phối hợp với UBND địa phương dọn dẹp cây xanh gãy đổ, tường rào sụt lún bảo đảm đường liên thông đến bệnh viện; vệ sinh môi trường, hạn chế tối đa dịch bệnh sau bão và ưu tiên khôi phục sớm nhất hệ thống điện nước bảo đảm công tác y tế không gián đoạn.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh huy động tổng lực sẵn sàng, khẩn trương thu dung, cứu chữa kịp thời đối với các bệnh nhân nhập viện do bão số 3; liên tục rà soát, đề xuất bổ sung thuốc, vật tư y tế duy trì công tác khám bệnh, chữa bệnh phục vụ bão lũ và cho các đối tượng khác. Đối với các đơn vị có tình trạng quá tải tiếp nhận và điều trị bệnh nhân đề nghị liên hệ các đơn vị gần nhất để được hỗ trợ và báo cáo về Sở Y tế để được điều phối kịp thời.
Sở Y tế cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo cho áp dụng quy định khẩn cấp về công tác đấu thầu theo luật xây dựng để các đơn vị y tế kịp thời sửa chữa, khắc phục cơ sở vật chất bảo đảm không gián đoạn công tác khám bệnh, chữa bệnh, vì thời gian đấu thầu bình thường theo quy định kéo dài không kịp tiến độ. Đề xuất tỉnh cấp từ nguồn ngân sách cho mua sắm khẩn cấp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đề xuất chỉ đạo nhà cung cấp năng lượng, dầu máy phát, nước hỗ trợ ngay cho các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh để duy trì cung cấp dịch vụ y tế, nhất là đối với các bệnh viện lớn, chịu ảnh hưởng nặng nề như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả và một số Trung tâm Y tế trên 300 giường bệnh…
Có thể nói, việc khôi phục hoàn toàn hậu quả sau mỗi đợt bão lũ không phải ngày một ngày hai là làm được. Mặc dù vậy, với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của chính quyền các cấp, sự chung sức của các lực lượng, đoàn thể cùng với người dân, đến thời điểm này công tác khắc phục thiệt hại do bão đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống Nhân dân.