Quảng Ngọc - mảnh đất anh hùng vươn mình phát triển
Quảng Ngọc là một xã thuần nông của huyện Quảng Xương, Thanh Hóa với bề dày lịch sử hào hùng và những đóng góp to lớn, góp phần làm nên thành công trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Tinh thần và ý chí chiến đấu, chiến thắng của người dân Quảng Ngọc đã trở thành truyền thống quý, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Can trường trong thời chiến
“Hăng hái, nô nức tòng quân” là một trong những đặc điểm truyền thống nổi bật của thanh niên xã Quảng Ngọc trong thời kỳ kháng chiến. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam của Tổ quốc, xã Quảng Ngọc có hơn 1.500 thanh niên ra mặt trận, riêng thời kỳ chống Mỹ, cứu nước là hơn 1.000 người. Không ít gia đình có 2 - 3 hoặc 4 - 5 người con cùng nhập ngũ, anh em cùng mặt trận, cha con - chú cháu cùng chiến hào. Có những người xung phong nhập ngũ và hy sinh khi mới 17 hay 18 tuổi. Có những người tham gia chiến đấu ở cả chiến tranh chống thực dân Pháp đến chống Mỹ, cứu nước vẫn một lòng gan dạ, kiên trung. Có những đồng chí tham gia cách mạng tại quê nhà từ khi còn là học sinh, dù bị thương nghiêm trọng, trong tình thế bức bách vẫn cố gắng tự vận động đến tổ y tế trực chiến để được băng bó rồi tức tốc trở lại trận địa…

Không chỉ hăng hái xông pha ra tiền tuyến, người dân Quảng Ngọc cũng một lòng can trường, sắt son, trở thành hậu phương vững chắc trong suốt thời kỳ kháng chiến tranh ác liệt của dân tộc. Ngoài hàng nghìn lượt dân công hỏa tuyến, hàng trăm thanh niên xung kích trên các mặt trận, cả trung đội thanh niên xung phong của xã đã tham gia các đoàn thuyền của Công ty Vận tải thuyền nan chở lương thực, súng đạn chi viện cho tiền tuyến. Nhiều cán bộ, đảng viên, thanh niên trong xã đã tham gia các trận chiến đấu, đọ sức quyết liệt tại các “tọa độ lửa” ngay tại xã và các địa bàn lân cận.
Trong ký ức của các bô lão ở Quảng Ngọc, chiến tích bắt sống giặc lái Mỹ mãi mãi không bao giờ phai mờ. Họ kể rằng: Chiều ngày 31.5.1965, một máy bay Mỹ trong trận oanh tạc cầu Hàm Rồng bị trúng đạn của bộ đội ta, đã lao thẳng về phía Nam cây cầu và rơi gần phà Ghép. Phi công nhảy dù, sà xuống chân núi Văn Trinh trên cánh đồng xã Quảng Ngọc. Một tổ dân quân với phương tiện thô sơ đã ập tới bắt sống tên giặc lái Rô - bớt - pin trong khi nó vẫn lăm lăm súng ngắn trong tay, máy móc quanh người vẫn hoạt động và phát ra âm thanh. Trong một lần khai báo, tên giặc lái đã nói rằng, trong lúc hoảng loạn, chân tay bủn rủn, hắn trông thấy một thứ vũ khí kỳ lạ, vừa dài, vừa có hai mũi nhọn cong cong như ngà voi chĩa thẳng vào mặt. Thực ra, đó chỉ là một chiếc chằng nạng làm bằng tre, dài hơn 2 mét, được dùng để gẩy rơm, gẩy rạ ngày mùa của bà con nông dân xã Quảng Ngọc. Chiếc nạng tre này hiện còn được lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng chứng tích chiến tranh.
Sức người đã lớn, sức của mà người dân Quảng Ngọc đóng góp cho kháng chiến cũng không hề nhỏ. Trong 9 năm chống thực dân Pháp, xã đã đóng góp trên 2.000 tấn lương thực, thực phẩm, trong đó có 1.485kg của “Hũ gạo nuôi quân”, 1.000 tấn Công trái quốc gia và hàng vạn đồng bạc Tài chính cho Chính phủ. Trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, chỉ riêng lương thực, thực phẩm, xã đã huy động và đóng góp tới 30.000 tấn các loại.
Với những thành tích đó, ngày 1.11.2001, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho nhân dân và các lực lượng vũ trang xã Quảng Ngọc vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Quảng Ngọc cũng được Nhà nước trao tặng gần 500 huân chương, huy chương các loại. Đây là sự ghi nhận những cống hiến lớn lao của quân và dân Quảng Ngọc trong thời kỳ cam go nhất của đất nước.
Vững bước xây dựng quê hương
Trải qua các cuộc chiến gian khổ, khốc liệt, toàn xã Quảng Ngọc đã có tới 232 liệt sỹ, đa phần hy sinh ở độ tuổi 20 - 30. Một số liệt sỹ nguyên là quân tình nguyện chiến đấu trên các mặt trận Lào và Campuchia, cho tới nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Lấy mốc thời gian từ năm 1980 trở về trước, nếu vào bất kỳ gia đình nào trong xã Quảng Ngọc thì gia đình đó cũng là gia đình quân nhân, hoặc gia đình có thương binh, gia đình liệt sỹ... Dù những đau thương, mất mát trong chiến tranh vô cùng lớn, thế nhưng, lòng can trường, ngọn lửa nghị lực vươn lên trong mỗi con người Quảng Ngọc chưa bao giờ tắt.
Ngày nay trong công cuộc hòa bình xây dựng quê hương, đất nước, xã Quảng Ngọc đã có những bước phát triển nhanh chóng. Ngày 26.4.2016, xã được trao bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thành quả đó cũng nhờ sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân trên địa bàn xã. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 - 2015, xã đã huy động được hơn 270 tỷ đồng đầu tư, nâng cấp, xây mới nhiều công trình phúc lợi dân sinh. Đời sống người dân từng bước được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Phát huy truyền thống đoàn kết, lao động cần cù sáng tạo và tinh thần quyết chiến quyết thắng của một xã anh hùng, Quảng Ngọc đang từng ngày nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, đặc biệt là mục tiêu về đích nông thôn mới nâng cao trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa đời sống người dân Quảng Ngọc nói chung, tiếp tục cải thiện và bảo đảm ổn định đời sống của người có công với cách mạng trên địa bàn xã, các cơ quan quản lý cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc thực thi chính sách, sửa đổi bất cập để phù hợp với thực tế. Đơn cử, những gia đình có nhiều con tham gia quân ngũ, một số gia đình may mắn, ít bị tổn thất (chỉ một, hai người bị thương), người bị thương thì bản thân được hưởng chính sách thương tật, nhưng những người mẹ sinh ra và nuôi dưỡng họ dù công lao rất lớn nhưng lại chưa có ưu đãi của nhà nước; một số gia đình có 3 - 4 người con chiến đấu ở các chiến trường, may mắn là sau chiến tranh đều “lành lặn” trở về, nhưng sau một thời gian các anh đều lần lượt qua đời do di chứng chất độc hóa học tại chiến trường. Tuy nhiên, các anh qua đời trước khi có chính sách đối với người bị nhiễm chất độc hóa học nên không được thụ hưởng chính sách…
Những trường hợp đó chắc chắn có ở nhiều địa phương trong cả nước, do đó, các cơ quan quản lý cần xem xét những vấn đề này trên bình diện quốc gia để hoàn thiện chế độ, chính sách ở tầm vĩ mô, bảo đảm ổn định đời sống cho những người có công với cách mạng.