Quảng Ngãi: Nhiều mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hoá

Thảo Anh 26/10/2023 19:18

Những năm gần đây, nhiều mô hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từng bước phát triển, đã và đang phát huy hiệu quả cao, góp phần quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.

Góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn

Quảng Ngãi hiện có 212 HTX nông nghiệp; trong đó có 99% HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Số HTX được xếp loại khá, tốt chiếm trên 42%, 54% HTX xếp loại trung bình, loại yếu chiếm 6%. Năm 2020, doanh thu bình quân của HTX đạt gần 1 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của HTX nông nghiệp khoảng 65 triệu đồng/năm, tăng hơn 30 triệu đồng so với năm 2013. Thu nhập bình quân từ lương của lao động làm việc thường xuyên tăng gấp 4 lần, từ 11 triệu đồng/năm (năm 2013) lên hơn 40 triệu đồng/năm (năm 2021).

Được thành lập năm 2018, với 15 thành viên ban đầu, đi vào hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, với sức trẻ, nhanh nhạy, tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm, đến nay, HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi (TP. Quảng Ngãi) có 21 thành viên. Các thành viên đều có cùng đam mê, nhiệt huyết trong chăn nuôi thỏ và trồng măng tây, góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Giám đốc HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi Phạm Hùng Cường cho biết, khi gia nhập HTX, các thành viên được cung ứng giống thỏ bách thảo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi thỏ. HTX chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả ổn định. Từ 20 con thỏ giống ban đầu, đến nay, HTX có 21 trại thỏ, với hơn 700 con thỏ nái. Với giá bán từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, mỗi thành viên HTX có thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng. Hàng tuần, HTX xuất chuồng khoảng 100 con thỏ thịt với hai dòng sản phẩm là thỏ bách thảo và thỏ được nuôi bằng cây măng tây.

Một trong những điển hình cho sự phát triển HTX sản xuất kiểu mới của HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi, là trồng măng tây kết hợp nuôi thỏ theo quy trình khép kín. Từ đó sản xuất và cung cấp ra thị trường thịt thỏ và măng tây thương phẩm. Măng tây được HTX trồng hoàn toàn theo hướng hữu cơ, khi thu hoạch phần ngọn để bán, phần gốc còn lại được tận dụng cho thỏ ăn. Ngược lại, phân thỏ sau khi xử lý vi sinh dùng để bón cho măng tây. Măng tây được bón bằng phân hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường, giúp măng đặc ruột, chắc, ngọt và thơm ngon hơn.

“Hiện nay, HTX hoạt động ổn định, vì đã đảm bảo được đầu ra cho thỏ thương phẩm cũng như măng tây, bởi sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng. HTX cũng thường xuyên hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay cho các xã viên có nhu cầu mở rộng sản xuất”, ông Phạm Hùng Cường chia sẻ.

Nhiều mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hoá -0
Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận đạt doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng. Ảnh: Đồng Xuân

Doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm

Được bình chọn là 1 trong 63 HTX tiêu biểu trên toàn quốc, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương năm 2023, HTX sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận (xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức) đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng, được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao cấp tỉnh.

Năm 2011, HTX sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận được thành lập với sự tham gia của 12 thành viên. Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, số lượng thành viên tham gia góp vốn đã tăng lên hơn 30 người.  Với hoạt động sản xuất ổn định, HTX tiếp tục mở rộng và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hoá. HTX sản xuất phôi nấm để bán cho nông dân trên địa bàn về chăm sóc, sau đó thu mua nấm tươi về chế biến thành các sản phẩm công nghiệp như nấm khô sợi ăn liền, trà thảo dược nấm linh chi, rượu nấm linh chi, bột nêm nấm… đã có mặt trên thị trường ở các siêu thị, chợ, cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm của HTX được sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn "3 không": không dùng hóa chất, không dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật và không sử dụng các loại chất kích thích.

Giám đốc HTX Lê Giang Phong cho biết, "trung bình mỗi năm, HTX đạt doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương, thu nhập bình quân của mỗi xã viên đạt từ 10-15 triệu đồng/tháng".

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quảng Ngãi: Nhiều mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hoá
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO