Khó khăn cho cả chính quyền và doanh nghiệp
Mới đây, tại TP. Đà Nẵng, Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Cuộc hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Sở Văn hóa và thể thao (VH&TT) các tỉnh, thành cả nước. Tại hội thảo, nhiều ý kiến tập trung vào những khoảng trống của Quy hoạch Quảng cáo, dẫn đến những lúng túng trong triển khai các hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Đại diện Sở Văn hóa & Thể thao TP. Hồ Chí Minh cho biết, dù đã chuẩn bị 12 năm nhưng đến thời điểm hiện tại thành phố vẫn chưa ban hành được quy hoạch quảng cáo do còn nhiều chồng chéo giữa Luật Quảng cáo hiện hành và Luật Giao thông đường bộ.
Theo đó, ở TP. Hồ Chí Minh, việc quảng cáo ngoài trời được khai thác chủ yếu tại các vị trí thuận lợi về tầm nhìn, dọc các tuyến đường. Hình thức các trụ độc lập thường được xây dựng lắp đặt ở các tiểu đảo giao lộ, khu vực đất trống, khu vực gần các giao lộ giao thông, có diện tích bảng lớn trên 40m2. Các trụ hộp đèn trên tuyến đường và dải phân cách đa số được quy hoạch theo hình thức xã hội hóa, xây dựng đồng nhất diện tích trên cùng tuyến đường với mục đích đảm bảo mỹ quan đô thị.
Tuy nhiên, hiện tại Luật Giao thông đường bộ chỉ cho lắp tạm thời các bảng quảng cáo trong đất hành lang an toàn đường bộ thời hạn 6 tháng nên TP. Hồ Chí Minh không thể nào quy hoạch được. “Ở TP. Hồ Chí Minh chúng tôi làm quy hoạch xong, nhưng khi lấy ý kiến ngành giao thông thì họ không đồng ý nên 12 năm rồi vẫn chưa ban hành quy hoạch quảng cáo được”, ông Vương thông tin.
“Thực tế các nước thế giới vẫn sử dụng hành lang an toàn giao thông để quảng cáo, do vậy, để phù hợp với thực tiễn nước ta, kiến nghị cho phép quảng cáo trong phạm vi an toàn giao thông”, đại diện Sở VH&TT TP. Hồ Chí Minh nêu quan điểm.
Theo Đại diện Sở VH & TT tỉnh Đắk Lắk, chính những xung đột giữa Luật Quảng cáo, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đấu thầu... đã gây ra nhiều khó khăn cho việc cấp phép và quản lý quảng cáo ngoài trời.
Điển hình như tỉnh Đắk Lắk mới đây đã xã hội hóa được 2 cổng chào, trị giá lên tới mười mấy tỉ đồng để phục vụ quảng cáo du lịch cho địa phương. Hồ sơ công trifnhd dều đã được thẩm định. Tuy nhiên, sau đó việc lắp đặt đã không thể tiến hành vì vứng quy định về an toàn giao thông đường bộ. Điều này đã gây ra lãng phí không hề nhỏ.
Đến thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất Đà Nẵng là địa phương đã có 2 lần thực hiện Quy hoạch quảng cáo trên địa bàn toàn thành phố. Trong đó, lần gần đây nhất, Đà Nẵng đã quy hoạch khoảng 2.000 vị trí đặt biển quảng cáo nhưng khi thực hiện vẫn gặp khó khăn về xác định cơ sở pháp lý.
Vào đầu tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cũng đã tổ chức buổi gặp mặt với hội viên, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội để Lắng nghe những khó khăn, góp ý và đưa ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành Quảng cáo.
Theo các doanh nghiệp, mặc dù UBND Thành phố và Sở VH & TT Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo mạnh mẽ để chấn chỉnh các sai phạm, đưa hoạt động quảng cáo vào nền nếp, nhưng doanh nghiệp quảng cáo thấy vẫn còn một số bất cập. Cụ thể, doanh nghiệp quảng cáo chưa tiếp cận được với Quy hoạch quảng cáo do UBND TP ban hành theo Quyết định số 1997/QĐ- UBND từ ngày 23/4/2018 “Về việc phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bản Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2050”.
Vì thế, ngay các bảng quảng cáo nằm trong quy hoạch có lúc còn không xin được gia hạn thông báo nội dung sản phẩm quảng cáo thì vị trí mới càng khó xin, khiến các doanh nghiệp lúng túng không biết đi theo hướng nào.
Hay như việc chuyển đổi quyền quản lý đất công giữa các sở ban ngành thiếu sự thống nhất, dẫn đến hiện trạng các biển quảng cáo hợp pháp trước đây đang tồn tại nhưng hiện tại không ký được hợp đồng thuê đất. Việc này vừa gây thất thu cho ngân sách của Thành phố, vừa gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi muốn chuyển đổi hình thức quảng cáo cho đẹp hơn, hiện đại hơn phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong ngành quảng cáo.
Sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo cần đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Dù chỉ chiếm thị phần nhỏ trong toàn ngành quảng cáo, nhưng các chuyên gia cho rằng lợi ích phát động thông tin từ kênh quảng cáo ngoài trời vẫn được tiếp tục tối ưu trong tương lai.
Tại Việt Nam, những loại hình quảng cáo ngoài trời phổ biến như: biển bảng tĩnh, biển LED, quảng cáo siêu thị, trung tâm thương mại hoặc tại các tòa nhà... Đây là những công cụ truyền thông định vị thương hiệu không thể thiếu của các doanh nghiệp.
Đồng thời, quảng cáo ngoài trời còn giữ sứ mệnh quan trọng trong công tác tuyên truyền cổ động trực quan như: Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân và phục vụ các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội, mang nhiều ý nghĩa về kinh tế, văn hóa, nâng cao cảnh quan khu vực.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho hay, việc chưa có quy định rõ ràng và chồng chéo về quy chế quảng cáo hay công tác quy hoạch biển quảng cáo ngoài trời khiến cho tình trạng ngày càng nhiều biển quảng cáo xuất hiện ở những nơi, những vị trí không phù hợp. Các biển quảng cáo không thống nhất với nhau, mỗi nơi một kiểu.
Không có quy hoạch quảng cáo cũng khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về kinh phí, nguồn nguyên liệu và nhân lực, kéo theo đó là việc đặt biển quảng cáo một cách tùy tiện, gây mất an toàn, xâm phạm đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức khác… Vì hầu hết các vị trí quy hoạch nằm trên đất công nên khó giải quyết vấn đề quy hoạch đặt biển quảng cáo. Việc quy hoạch quảng cáo liên quan tới các quy định trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Luật đất đai, Luật giao thông đường bộ, Luật xây dựng… khiến cho công tác thực thi ngày càng khó khăn và kéo dài.
Ngoài ra, việc không quy hoạch cũng khiến cho các doanh nghiệp quảng cáo lao đao vì chi phí quảng cáo là rất lớn trong khi đó quy định của pháp luật lại vô tình không tạo điều kiện cho họ trong hoạt động quảng cáo thực tiễn.
Ngày nay, quảng cáo được thực hiện thông qua nhiều hình thức và ngày càng đa dạng hơn, hiện tại cũng cho thấy các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư mạnh vào các hoạt động quảng cáo đa phương tiện đem lại nguồn thu lớn cho tổ chức, cho ngân sách quốc gia. “Vì vậy nếu không sớm đạt được quy hoạch biển quảng cáo thì tình trạng “lỗ hổng” doanh thu ngân sách nhà nước đến từ các hoạt động quảng cáo sẽ vẫn còn kéo dài”, Luật sư Trần Minh Hùng nêu quan điểm.
Việc quy định chồng chéo như hiện nay đã vô tình tạo ra khó khăn cho các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trong hoạt động quảng cáo. Hành lang pháp lý chưa thực sự phát huy tính hiệu quả đáng có, nên cơ quan nhà nước vẫn chưa phát huy được vai trò tổ chức và quản lý của mình. Đồng thời, các doanh nghiệp quảng cáo thì chưa được thúc đẩy hoạt động và phát triển bền vững ngành nghề quảng cáo, thị trường quảng cáo trong nước.
Theo đó, để Luật Quảng cáo sửa đổi đáp ứng đúng thực tiễn đời sống, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như khai thác được tiềm năng của ngành quảng cáo thì các cơ quan lập pháp cần tập trung vào những bất cập đã gặp phải trong thực tiễn, tập trung vào hoạt động quy hoạch biển quảng cáo, kiểm soát nội dung và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo. Các ngành nghề, lĩnh vực có liên quan trực tiếp cần tạo điều kiện để xây dựng, sửa đổi hành lang pháp lý về hoạt động quảng cáo sao cho nhanh chóng và hiệu quả, không còn tình trạng chồng chéo khi áp dụng và thực thi pháp luật cũng như các hoạt động thực tiễn.