Năm 2024, tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu tạo việc làm cho 19.500 người, trong đó đưa 5.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Nhằm hỗ trợ người lao động vững vàng phát triển kinh tế từ nghề nghiệp ở nước ngoài, cũng như nâng cao chất lượng nguồn lao động địa phương trên thị trường các nước như Nhật Bản, Đài Loan, đặc biệt là Hàn Quốc…, những năm gần đây, các ban, ngành, địa phương của tỉnh đã tập trung đào tạo cho người lao động các kỹ năng cần thiết.
Chị Ngô Thị Hiếu (SN 1989), là lao động tại Nhật Bản 5 năm qua, cho biết, bên cạnh việc đáp ứng tiêu chí cho người lao động theo yêu cầu của các công ty nước ngoài, nếu được trang bị thêm các kỹ năng khác sẽ giúp chị và các đồng hương thích ứng nhanh hơn trong công việc cũng như cuộc sống. “Công việc tại các nước ngày một đòi hỏi cao hơn. Do đó, việc được bổ trợ thêm kỹ năng và ngoại ngữ căn bản, đặc biệt, có thêm hiểu biết phát luật của nước ngoài, người lao động như chúng tôi sẽ hòa nhập và làm việc thuận lợi hơn”, chị Ngô Thị Hiếu cho biết.
Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Bình chú trọng trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có người dân ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, lao động sản xuất tại địa phương, lựa chọn xuất khẩu lao động mở ra cơ hội để người dân vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thêm nguồn thu nhập, thay đổi quan niệm về phát triển kinh tế cũng như thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Theo Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) Trương Thanh Duẩn, có nhiều gia đình ở địa phương đã thoát nghèo nhờ vào nguồn kinh tế từ thành viên đi xuất khẩu lao động, nhờ đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Để tiếp tục triển khai hiệu quả việc tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thời gian qua, các ban, ngành, địa phương quan tâm đến công tác đào tạo toàn diện kỹ năng cho người lao động trước khi xuất cảnh.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình Nguyễn Thanh Phương cho biết: Đơn vị tập trung đào tạo 3 yếu tố quan trọng là tay nghề, vốn ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật. Cùng với việc đào tạo ngoại ngữ, trung tâm đã tập trung trang bị các kỹ năng nghề cơ bản, đồng thời giáo dục định hướng cho người lao động, chủ yếu là các kiến thức về văn hóa ứng xử, hiểu biết pháp luật… của nước sở tại. “Những nội dung đào tạo sẽ giúp người lao động bớt đi những bỡ ngỡ ban đầu, đồng thời đảm nhận tốt vị trí, công việc. Việc đào tạo những kỹ năng cũng cần một quá trình bài bản và nghiêm túc”, ông Phương cho biết.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, trong chương trình EPS - Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài, người lao động ở lĩnh vực ngư nghiệp dù có kỹ năng đi biển tốt nhưng lại có trình độ văn hóa thấp. Cụ thể, quá trình học tập tiếng Hàn rất hạn chế, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao. Nhiều trường hợp lao động do hạn chế về ngoại ngữ dẫn đến khó khăn trong giao tiếp, từ đó mâu thuẫn với chủ lao động mà bỏ trốn ra ngoài, cư trú bất hợp pháp.
Năm 2023, tỉnh Quảng Bình có hơn 6.000 lao động được tuyển chọn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 163,3% so với kế hoạch. Trung bình mỗi năm, lao động địa phương có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài lớn, với số lượng từ 3000 - 4000 người. Do đó, để duy trì ổn định cũng như đảm bảo chất lượng người lao động, địa phương tích cực chủ động trong công tác đào tạo.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động,Thương binh và Xã hội Quảng Bình Đinh Thị Ngọc Lan, Sở đã tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các doanh nghiệp đón bắt nhu cầu của thị trường lao động để có đào tạo phù hợp, tư vấn cho người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp. Lao động có tay nghề khi làm việc ở nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn những ngành nghề có mức lương cao và điều kiện lao động tốt hơn.