Trong đó, tổng số tiền chậm đóng BHXH và lãi chậm đóng là hơn 141,3 tỷ đồng, chậm đóng BHXH từ 6 tháng trở lên chiếm phần lớn với hơn 110 tỷ đồng; số tiền chậm đóng BHYT là 59 tỷ đồng; số tiền chậm đóng BHTN là hơn 2,9 tỷ đồng; 755 triệu đồng chậm đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.
Cũng trong tháng, BHXH tỉnh đã thực hiện thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho 102.446 lượt người, tăng 14.511 lượt người so với cùng kỳ năm trước, lũy kế 780.284 lượt người. Tổng số chi trong tháng là hơn 424 tỷ đồng, trong đó, chi BHYT là hơn 86 tỷ đồng.
Cũng trong thời gian qua, BHXH tỉnh Quảng Bình đã thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN 9 đơn vị sử dụng lao động; thanh tra đột xuất chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN 4 đơn vị sử dụng lao động; kiểm tra 3 đơn vị. Qua đó, đơn vị đôn đốc thực hiện các kết luận sau thanh tra chuyên ngành, thu được 669 triệu đồng tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN; đề nghị 12 lao động tham gia BHXH bắt buộc; thu hồi về quỹ BHXH số tiền chi chế độ BHXH không đúng theo quy định.
Về vấn đề chậm đóng BHXH, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, việc chậm đóng, trốn đóng BHXH không phải là câu chuyện mới mà là thực trạng nhức nhối suốt nhiều năm qua, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động.
“Dù xuất phát từ nguyên nhân nào, lý do vì sao, việc các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH của người lao động cũng tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều phía, trực tiếp nhất là người lao động, do đó, cần phải có những giải pháp mạnh nhằm đưa việc đóng BHXH vào quỹ đạo, nền nếp, qua đó bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động”, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình Trần Anh Tuấn cho biết.