Ngày 3.2, các địa phương trên toàn tỉnh Quảng Bình đã đồng loạt tổ chức lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Ất Tỵ 2025.
Tham dự buổi lễ tại TP. Đồng Hới có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Ngọc Quang; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phong.
Xác định nhiệm vụ trồng cây xanh là việc làm hết sức quan trọng, có ý nghĩa đối với sự phát triển toàn diện và bền vững của thành phố và các địa phương, những năm qua, phong trào trồng cây, trồng rừng đã được phát huy.
Tại lễ phát động, các đại biểu và lực lượng đã phối hợp đã tiến hành trồng cây xanh dọc các tuyến đường, khu vực trong dân cư,... Các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố cũng ra quân trồng cây; đồng thời triển khai chăm sóc cây xanh bảo đảm phát triển tốt.
Năm 2024, toàn tỉnh đã trồng được 11.405ha rừng, vượt 27% kế hoạch. Thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh đạt hơn 2,1 triệu cây, vượt 13,3% kế hoạch; khai thác gỗ rừng trồng đạt 810.946m3, vượt 62% kế hoạch; giá trị xuất, nhập khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 35,4 triệu USD; công tác bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm đáng kể cả về số vụ và diện tích rừng bị thiệt hại.
Tuy vậy, lĩnh vực lâm nghiệp vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường; nguồn vốn và chính sách đầu tư cho lâm nghiệp còn hạn chế; đời sống, thu nhập của người dân làm nghề rừng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; một số nơi, tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, cháy rừng vẫn còn xảy ra.
Do đó, việc trồng cây, trồng rừng trong thời gian tới gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp năm 2025 theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, đa dạng hoá các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp; nhân rộng các mô hình có hiệu quả; chú trọng khâu chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, cây bản địa, thâm canh rừng phù hợp với hệ sinh thái để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; đẩy mạnh thực hiện các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ lâm sản, chia sẻ lợi ích trong chuỗi sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng sản xuất và chế biến lâm sản, phát triển du lịch sinh thái…