Quảng Bình: Điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá ở người từ 15 tuổi trở lên

Với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) – Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình phối hợp với Trường đại học Y tế Công cộng vừa tổ chức lớp tập huấn “Điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá ở người từ 15 tuổi trở lên và công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại tỉnh Quảng Bình năm 2024” cho đội ngũ giám sát viên và điều tra viên về thuốc lá.

Sau 10 năm thi hành Luật PCTHTL, Việt Nam đã đạt được những thành tựu khả quan, như: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023. Tỷ lệ hút thuốc ở thanh, thiếu niên cũng đã giảm (ở nhóm 13-17 tuổi giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019)...

Tuy nhiên, theo Quỹ PCTHTL, Việt Nam hiện vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Và hệ lụy có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, như: Đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi... là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta. Hàng năm, tổng chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng.

pcthtl-1-2426.jpg
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình tập huấn “Điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá ở người từ 15 tuổi trở lên”. Ảnh: Nội Hà

Theo đánh giá, những thành tựu sau 10 năm thi hành Luật PCTHTL có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đặc biệt là trong giới trẻ, ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.

Giám đốc CDC tỉnh Quảng Bình Đỗ Quốc Tiệp cho rằng, tất cả các loại thuốc lá đều có hại, thành phần chính là nicotine. Với thuốc lá điếu, chúng ta có kiểm soát được lượng nicotine vào cơ thể, còn thuốc lá thế hệ mới thì không. Các sản phẩm này có mẫu mã hấp dẫn, thu hút giới trẻ, đây là điều rất đáng lo ngại khi tỷ lệ người trẻ hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang gia tăng nhanh chóng.

Giám đốc CDC tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh lớp tập huấn lần này nhằm mục đích hướng dẫn các giám sát viên và điều tra viên nắm bắt phương pháp nghiên cứu; cách điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá (bao gồm cả hút thuốc lá thụ động) ở người từ 15 tuổi trở lên và công tác PCTHTL tại tỉnh Quảng Bình trong năm 2024.

Tại lớp tập huấn, các giảng viên đến từ Trường đại học Y tế Công cộng đã tập trung hướng dẫn cách thức tiến hành phỏng vấn trực tiếp sử dụng bộ câu hỏi PGATS 2024 trên phần mềm REDCap; cách thức tiến hành phỏng vấn trực tiếp đối tượng cần nghiên cứu, cách nhập dữ liệu trực tiếp khi phỏng vấn, lựa chọn đối tượng phù hợp để phỏng vấn; nghiên cứu định lượng dựa trên phiếu tự điền; cách thức thu thập số liệu hộ gia đình, quan sát tại các điểm công cộng, thực hiện phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm…

Ngay sau lớp tập huấn, CDC tỉnh sẽ tiến hành điều tra, theo dõi tình hình sử dụng thuốc lá của 2.400 người từ 15 tuổi trở lên tại các điểm: Xã Quảng Tân, Quảng Sơn, Quảng Thủy (TX. Ba Đồn); thị trấn Quán Hàu, xã Hiền Ninh, Xuân Ninh (Quảng Ninh); thị trấn Đồng Lê, xã Sơn Hoá, Đức Hóa (Tuyên Hóa).

Kết quả điều tra sẽ là cơ sở để đánh giá hiệu quả công tác PCTHTL, qua đó nhận biết tình trạng hút thuốc lá tại các địa phương, đồng thời cũng là cơ sở để Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh và các ngành chức năng xây dựng kế hoạch PCTHTL trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh.

Được biết, tại Quảng Bình, thời gian qua, công tác PCTHTL đã được các cấp chính quyền, sở, ban, ngành quan tâm, nhiều cơ quan, đơn vị đã treo biển cấm hút thuốc lá tại những nơi dễ nhìn, nơi tập trung đông người, nơi dễ diễn ra tình trạng hút thuốc lá; đồng thời, tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ký cam kết không hút thuốc lá tại cơ quan, đơn vị; đưa nội dung PCTHTL vào tiêu chí thi đua của đơn vị…

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh từ tỉnh đến cơ sở bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, với các hình ảnh trực quan, nội dung về ảnh hưởng của việc hút thuốc lá đối với kinh tế-xã hội, lợi ích của việc bỏ thuốc lá, các nội dung của Luật PCTHTL, những địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn, xây dựng mô hình không khói thuốc…

Sức khỏe

Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội: Sẽ hoàn lại toàn bộ chi phí thụ tinh trong ống nghiệm nếu không thành công
Sống khỏe

Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội: Sẽ hoàn lại toàn bộ chi phí thụ tinh trong ống nghiệm nếu không thành công

Đó là khẳng định của Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội (AF Hà Nội) ThS.BS Lê Thị Thu Hiền khi trao đổi với báo chí ngày 2.11. Cụ thể, đơn vị sẽ hoàn lại toàn bộ chi phí thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) bao gồm chọc trứng, tạo phôi, nuôi phôi ngày 3, 1 lần chuyển phôi… nếu không thành công.

Quỹ BHYT chi gần 600 triệu đồng cho "Em bé Làng Nủ"
Xã hội

Quỹ BHYT chi gần 600 triệu đồng cho "Em bé Làng Nủ"

Chiều 1.11, "Em bé Làng Nủ", nạn nhân cuối cùng vụ lũ quét thôn Làng Nủ được xuất viện sau 50 ngày điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đã chi trả lên đến gần 600 triệu đồng, góp phần giúp em phục hồi một cách kỳ diệu.